Cơ hội vàng để Trạm Tấu thoát nghèo bền vững
- Cập nhật: Thứ tư, 16/12/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trạm Tấu là một trong hai huyện của tỉnh Yên Bái được triển khai Nghị quyết 30a của Chính phủ. Đây được coi là cơ hội vàng để Trạm Tấu thoát nghèo nhanh và bền vững.
Nhân dân thôn đầu cầu, xã Xà Hồ (huyện Trạm Tấu) tham gia kiên cố hóa đường liên thôn bản.
|
Sau gần một năm thực hiện, Nghị quyết 30a đã bước đầu mang lại hiệu quả cho người dân.
Nhà nước có công trình, người dân có việc làm
Công trình thủy lợi Khét Lin - xã Hát Lừu dài 600m với trị giá 1,4 tỷ đồng đang được gấp rút thi công. Dự kiến, sau khi hoàn thành sẽ phục vụ tưới tiêu cho hơn 20 ha ruộng của cánh đồng thôn Hát 1. Đây là một trong 3 công trình thủy lợi, 1 công trình san tạo mặt bằng và hạng mục phụ trợ cho xã được đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ Đề án 30a tại xã Hát Lừu với giá trị gần 7 tỉ đồng. Với hình thức “Nhà nước có công trình, người dân có việc làm” nên trong thời gian qua nhân dân Hát Lừu đã tích cực đóng góp ngày công tham gia xây dựng các công trình. Hát Lừu nằm cách thị trấn Trạm Tấu vài km, nhưng tỉ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo ở Hát Lừu chiếm tỉ lệ khá cao.
Hệ thống hạ tầng nông thôn ở đây đã cơ bản được đầu tư, xây dựng, từng bước đáp ứng các nhu cầu về sản xuất, học tập, đi lại sinh hoạt của nhân dân trong xã. Tuy nhiên, việc xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo vẫn cần những điều kiện quan trọng khác, trong đó cơ bản nhất vẫn là chuyển đổi nhận thức, thay đổi tập quán. Ông Lò Văn Khẹn - Chủ tịch UBND xã Hát Lừu cho biết: Căn cứ vào điều kiện thực tế ở xã, vấn đề được người dân kiến nghị trong Đề án 30a là tập trung vào đào tạo nghề, hỗ trợ giống phân bón, đầu tư vào các lĩnh vực y tế, giáo dục.
Hướng tới mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 30a của Chính phủ, huyện Trạm Tấu đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện cấp huyện, chỉ đạo thành lập ban chỉ đạo cấp xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Qua tổng hợp điều tra, rà soát, tỷ lệ hộ nghèo năm 2008 của huyện chiếm gần 55,5%, có 304 hộ thoát nghèo. Thế nhưng, số hộ nghèo phát sinh lên tới 202 hộ và 264 hộ cận nghèo. Các hộ nghèo của huyện sau khi rà soát được phân chia thành 4 loại: thứ nhất là do dân trí thấp chiếm 52%, thứ 2: do thiếu tư liệu sản xuất chiếm 25%, thứ 3: do đông con thiếu lao động chiếm 8,6% và thứ 4: nghèo đói do có người nghiện ma túy chiếm 14,6%.
Từ cách phân chia như vậy, giải pháp mà huyện đưa ra để thực hiện Đề án 30a cho cả giai đoạn là 7 tiêu chí, trong đó tập trung vào vấn đề hỗ trợ cứu đói giáp hạt, hỗ trợ sản xuất, lao động xuất khẩu, nâng cao dân trí, dân số - KHHGĐ, đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút tạo việc làm tại chỗ, với tổng mức đầu tư phân kỳ được phê duyệt theo Đề án gần 3.350 tỉ đồng. Cũng từ đây, nhiều giải pháp cụ thể khác, chi tiết hơn được đưa ra, nhằm “giảm nghèo nhanh và bền vững”. Qua một năm thực hiện, Trạm Tấu đã thu được những kết quả đáng khích lệ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên trong công tác xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo năm 2009 ước giảm 5%, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều thay đổi.
Nghị quyết 30a của Chính phủ được xác định là “cơ hội vàng” để Trạm Tấu thoát nghèo nhanh và bền vững. Nhưng nắm bắt và tận dụng hiệu quả cơ hội này không đơn giản. Nguyên nhân thì đã rõ nhưng làm cách nào để Trạm Tấu thực hiện cơ hội vàng đó thì cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự chia sẻ của cả cộng đồng. Đối với huyện Trạm Tấu, bên cạnh những giải pháp tổng thể, cần tiếp tục có sự điều chỉnh hợp lý thì mục tiêu này mới sớm thành hiện thực.
Mạnh Cường
Các tin khác
Ngày 15/12, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức họp báo giới thiệu Chương trình cầu truyền hình vì người nghèo “Nối vòng tay lớn” năm 2010. Theo Ban tổ chức, cả nước sẽ phấn đấu vận động trên 3.000 tỷ đồng để chăm lo cho người nghèo trong dịp Tết Canh Dần.
YBĐT - Việc thực hiện Quyết định của Bộ Tư lệnh Quân khu II về xây dựng “Nhà tình nghĩa” tặng các đối tượng chính sách lần đầu tiên được triển khai trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.
Thực hiện hướng dẫn của Tỉnh hội Phụ nữ Yên Bái, Hội Phụ nữ huyện Văn Chấn chọn 2 đơn vị là xã Tân Thịnh và thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ làm điểm xây dựng mô hình gia đình “5 không, 3 sạch”.
1 tỷ 153 triệu 718 ngàn đồng là số tiền đăng ký và ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” tính đến ngày 10/12/2009 của 196 tập thể và 6 cá nhân.