Đối thoại “Đảng với thanh niên” ở Trấn Yên: “Nóng” chủ đề vào đảng và việc làm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/4/2010 | 9:31:17 AM

YBĐT - Đúng vào ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh 26/3/2010, Huyện uỷ Trấn Yên (Yên Bái) đã tổ chức cuộc đối thoại với chủ đề “Đảng với thanh niên trước thềm đại hội Đảng”.

Hàng trăm đoàn viên thanh niên đã dự buổi đối thoại một cách thẳng thắn và cởi mở với lãnh đạo huyện Trấn Yên. (Ảnh: Văn Thông)
Hàng trăm đoàn viên thanh niên đã dự buổi đối thoại một cách thẳng thắn và cởi mở với lãnh đạo huyện Trấn Yên. (Ảnh: Văn Thông)

Trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn và cởi mở, những người tổ chức mong muốn thông qua cuộc đối thoại các cấp uỷ sẽ hiểu thêm tâm tư, nguyện vọng của tuổi trẻ, từ đó đổi mới phương thức lãnh đạo đối với tổ chức chính trị - xã hội quan trọng này và cũng qua đó tuyên truyền, giáo dục lực lượng thanh niên theo lý tưởng cộng sản mà trước mắt là thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà đại hội Đảng các cấp đề ra trong nhiệm kỳ tới.

Hội trường lớn của huyện Trấn Yên hôm đó chật kín chỗ ngồi. Đông đủ các đồng chí trong Ban thường vụ Huyện ủy và hàng trăm đoàn viên thanh niên đến từ các cơ quan, đơn vị và nhất là các xã trong toàn huyện đã đến dự. Là một buổi đối thoại nên khoảng cách giữa cán bộ lãnh đạo đứng đầu huyện với đoàn viên thanh niên, trong đó nhiều bạn còn rất trẻ, sống ở vùng sâu, vùng xa như Kiên Thành, Tân Đồng, Hồng Ca… đã được thu hẹp.

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Dũng nhiều lần gợi ý: “Các bạn cứ mạnh dạn lên! Nếu có thể, các bạn hãy tự coi mình là Bí thư Huyện ủy hoặc Chủ tịch UBND huyện, bạn sẽ làm gì để phong trào Đoàn đi lên, để thanh niên đi đầu trong mọi phong trào?”. Và thế là đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra như: Huyện rất thiếu các thiết chế văn hóa, hay nói một cách chính xác hơn là một số sân chơi, một số nhà văn hóa thôn ở các xã đã được xây dựng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu trang thiết bị nên không thu hút được thanh niên; nhiều cán bộ, đảng viên, có những người là cán bộ cấp cao lại vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật phải đứng trước vành móng ngựa… ảnh hưởng xấu đến niềm tin của lớp trẻ; Đảng, Bác Hồ luôn quan tâm đến công tác thanh niên cũng như thế hệ trẻ, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, việc làm quan tâm đến thế hệ thanh niên, còn Đảng bộ, chính quyền Trấn Yên đã có những việc làm cụ thể nào, ngoài những chủ trương, những chính sách chung của cả nước?...

Bí thư Đoàn xã Bảo Hưng tâm tư: Huyện có chủ trương gì trong việc sử dụng đội ngũ cán bộ Đoàn đang là công chức xã đã có nhiều đóng góp cho địa phương, cho phong trào Đoàn nhưng nay đã hết tuổi Đoàn? Bố trí cho họ giữ vị trí khác để đảm bảo chính sách cán bộ, đảm bảo quyền lợi hay chấp nhận để cán bộ Đoàn tiếp tục “cao tuổi” hoặc cứ hết tuổi làm bí thư Đoàn xã thì cho nghỉ việc...?

 Trước những câu hỏi của các bạn trẻ, lần lượt Bí thư và Chủ tịch UBND huyện đều đứng lên trả lời, trong đó có những vấn đề trả lời thẳng thắn, ngắn gọn, đi ngay vào nội dung. Cũng có những câu hỏi lãnh đạo đi vào phân tích hoặc hỏi lại các bạn trẻ, giống như một cuộc tranh luận. Đồng chí Bí thư Huyện ủy phát biểu: Đúng là đã có những cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, họ đã thoái hoá, biến chất, những con người như vậy đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng. Nhưng Đảng ta không ngừng chỉnh đốn Đảng, kết quả là hàng loạt cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật đã bị xử lý nghiêm. Cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực… đã và đang thu được kết quả quan trọng. Đoàn viên, thanh niên hãy giữ nguyên niềm tin đối với Đảng và đừng bị kẻ thù lợi dụng những điều đó để bôi nhọ Đảng, nói xấu chế độ!

Cuộc đối thoại trở nên thực sự sôi nổi với hai vấn đề lớn là “Thanh niên vào Đảng” và “Lao động và việc làm”. Đối với công tác phát triển Đảng trong thanh niên, các ý kiến đều nhận định: Không ít đoàn viên, thanh niên chưa có lý tưởng, họ còn đặt câu hỏi: “Vào Đảng để làm gì?” mà không biết vào Đảng để phấn đấu, hy sinh, để cống hiến hơn nữa cho quê hương, đất nước. Trong khi nhiều bạn trẻ đã cố gắng học tập, lao động, công tác, trở thành những tấm gương điển hình tại các nhà trường, cơ quan, đơn vị và nhất là tại các bản làng thì lại có những thanh niên bị cuốn hút vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật mà phổ biến nhất là vi phạm luật giao thông. Thanh niên là lực lượng hậu bị của Đảng, để thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn hăng hái phấn đấu trở thành đảng viên Đảng cộng sản thì Đảng phải tuyên truyền, giáo dục họ sống có lý tưởng, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Họ phải nhận thức đúng đắn mục tiêu trở thành người đảng viên.

Thanh niên tình nguyện cùng đồng bào vùng cao giúp đỡ gia đình neo đơn làm nền nhà (thôn Háng Chú, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang chải).
(Ảnh: Nguyễn Phương)

Vấn đề lao động và việc làm,  Trấn Yên cũng giống như nhiều địa phương khác đang chịu sức ép về lao động và việc làm do mỗi năm có hàng nghìn học sinh học xong THCS, THPT nhưng không tiếp tục học lên cao; vấn đề cơ giới hoá và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông lâm nghiệp đã giải phóng rất lớn sức lao động…, ngoài những cơ chế, chính sách chung, huyện chưa có chương trình, chính sách cụ thể hoặc quy mô lớn nào để dạy nghề và tạo việc làm cho lao động…

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thị Huấn khẳng định: Trấn Yên không thiếu việc làm! Vấn đề là các bạn trẻ có tìm kiếm thông tin, mạnh dạn vươn lên, hăng say lao động hay không mà thôi. Các chính sách về hỗ trợ chăn nuôi đang được triển khai; các chương trình kinh tế lớn, có sự quan tâm đặc biệt từ nhiều phía đang được thực hiện trên địa bàn huyện… tại sao đoàn viên, thanh niên không nắm lấy, rồi mạnh dạn làm ăn và vươn lên? Học lấy một nghề rồi đi xuất khẩu lao động cũng rất tốt hay ít nhất là vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trong huyện, trong tỉnh… Vấn đề là đoàn viên thanh niên có chịu khó lao động không, có ý thức tổ chức kỷ luật lao động không. Nếu có thì chỉ cần một thời gian ngắn là hàng nghìn thanh niên sẽ được tuyển dụng vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trong huyện hoặc tại các khu công nghiệp và đi xuất khẩu!

Có lẽ thời gian một buổi sáng dành cho cuộc đối thoại giữa “Đảng với thanh niên” ở Trấn Yên là chưa đủ nhưng rất nhiều vấn đề đã được làm sáng tỏ. Tuy nhiên cũng có những câu hỏi, vấn đề chưa được thỏa mãn yêu cầu của thanh niên đặt ra. Đảng, chính quyền cần quan tâm đến phong trào Đoàn và thế hệ trẻ một cách cụ thể hơn nữa, khi được tin tưởng, được giao nhiệm vụ, được tạo điều kiện và được động viên, cổ vũ thì chắc chắn mọi đoàn viên thanh niên sẽ hăng hái, phấn đấu và hoàn thành mọi nhiệm vụ. Bản thân mỗi đoàn viên thanh niên cần không ngừng tu dưỡng, phấn đấu và rèn luyện, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và Tổ quốc.

Cần bắt đầu bằng những việc làm cụ thể như say mê học tập, lao động, tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, mạnh dạn tham gia các chương trình kinh tế lớn của địa phương, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật trong cuộc sống, trong công việc, tránh xa các tệ nạn xã hội, hưởng ứng đầy đủ và tích cực các phong trào Đoàn. Người viết bài này lại chợt liên tưởng, buổi đối thoại này đã phần nào thức tỉnh trong mỗi thanh niên: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc?...”. Có lẽ nhiều người sẽ cùng chung ý nghĩ: Mong có thật nhiều những buổi đối thoại như thế để mỗi thanh niên phần nào đó sớm có thể định hướng được bước đi đúng trên đường đời.

            Lê Phiên

Các tin khác

Theo tin từ Bộ Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), từ ngày 1-4, Thứ trưởng thường trực Phạm Vũ Luận bắt đầu phụ trách Bộ GD-ĐT. Trước đó, ngày 29-3, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã bàn giao công việc lãnh đạo bộ cho Thứ trưởng thường trực Phạm Vũ Luận và các thứ trưởng khác.

Sáng 1-4, Bộ LĐTB-XH và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã tổ chức hội thảo quốc gia về chủ đề “Tương lai của quan hệ lao động tại Việt Nam và việc sửa đổi Bộ Luật lao động và Luật Công đoàn".

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà phát biểu kết luận tại Hội nghị.

YBĐT - Ngày 1/4/2010, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 19 của HĐND tỉnh về “Tăng cường công tác tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 - 2015” và công tác TTPBGDPL năm 2010.

Các phiên tòa xét xử lưu động là bài học giáo dục pháp luật cho cộng đồng.

YBĐT - Nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng pháp luật, góp phần ngăn chặn và hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh và trật tự an toàn xã hội, tỉnh Yên Bái đã kịp thời xây dựng và triển khai thực hiện Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục