Có những tiểu đoàn Yên Ninh như thế!
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/4/2010 | 9:16:40 AM
YBĐT - Yên Bái đã đổi thay sau 35 năm kể từ đại thắng mùa xuân năm 1975, “Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Nhưng những đường, phường, rạp mang tên Yên Ninh trên địa bàn thành phố Yên Bái luôn gợi trong mỗi người nhớ về những người lính của các tiểu đoàn Yên Ninh năm xưa, theo tiếng gọi của non sông lên đường vào Nam đánh Mỹ!
Các chiến sĩ Tiểu đoàn Yên Ninh 1 gặp mặt cuối năm 2008 tại thành phố Yên Bái.
|
Hừng hực ra trận
Cho đến hôm nay đã về đời thường, gác tay súng đã mấy chục năm, mỗi người một nghề, một nghiệp, một cuộc sống chung tay xây dựng quê hương, kiến thiết giang sơn, các chiến sĩ thuộc các tiểu đoàn Yên Ninh vẫn còn nhớ mãi về những năm tháng không thể nào quên ấy! Năm 1967 – 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cam go, khốc liệt nhất. Đế quốc Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam với gần nửa triệu quân viễn chinh tham chiến.
Ông Đào Lợi tham gia Tiểu đoàn Yên Ninh 1.
Ở miền Bắc, chúng thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại với qui mô lớn, nhằm đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá, cắt đứt hoàn toàn chi viện cho miền Nam. Cùng với cả nước, sau lời tổng động viên của Bác Hồ tháng 7/1967: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người...”, “Tất cả chi viện cho tiền tuyến...”, “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập...”, chỉ trong 2 năm (1967 – 1968) cùng một lúc Yên Bái xây dựng 4 tiểu đoàn với gần 3.000 quân mang tên Yên Ninh lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam.
Cái tên Yên Ninh của các tiểu đoàn được kết lại từ chữ “Yên” của tỉnh Yên Bái và chữ “Ninh” của tỉnh Ninh Thuận, thể hiện tình đoàn kết gắn bó máu thịt Bắc - Nam.
Tháng 6 năm 1967, Yên Bái xây dựng Tiểu đoàn Yên Ninh 1 với trên 700 cán bộ, chiến sĩ được tổ chức huấn luyện ở xã Tân Hương (Yên Bình) vào Nam chiến đấu tháng 9 năm 1967. Giai đoạn đầu Tiểu đoàn Yên Ninh 1 bổ sung cho chiến trường Tây Nguyên, sau đó tiếp tục hành quân vào chiến trường miền Đông Nam Bộ bổ sung cho Sư đoàn 5, Quân khu 7, tham gia Chiến dịch Căm pu chia 1970, Chiến dịch Lam Sơn 1, Lam Sơn 2 năm 1971, Chiến dịch Nguyễn Huệ 1972, Chiến dịch giữ đất giàn dân 1973 cho tới khi kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Bước sang năm 1968, Yên Bái xây dựng một lúc 3 tiểu đoàn, trong đó tiểu đoàn 2 và 3 đều tổ chức huấn luyện tại xã Tân Hương. Tiểu đoàn Yên Ninh 2 thành lập tháng 2 với trên 700 quân số vào chiến trường tháng 5. Sau hơn 5 tháng hành quân bộ dài ngày, tháng 11 năm 1968, tiểu đoàn vào đến Long An. Suốt từ khi vào chiến trường đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đã cùng quân và dân Long An chiến đấu bám trụ kiên cường, tham gia nhiều chiến dịch lớn như: Bình Tân, Thủ Thừa, Kênh Bo Bo, Sân bay Đức Hoà, chiến dịch giúp bạn Căm pu chia và các trận đánh tàu địch trên sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn...
Tiểu đoàn Yên Ninh 3 thành lập tháng 4 với 650 quân số, vào chiến trường tháng 12/1968 bổ sung cho mặt trận Thừa Thiên - Huế. Từ năm 1969, tiểu đoàn đã cùng quân và dân Thừa Thiên - Huế tham gia nhiều chiến dịch và các trận đánh lớn như: Bình Độ 400, Cô Ca Va 1078, đường 9 Nam Lào 1971 - 1972 và trực tiếp tham gia giải phóng thành phố Huế ngày 26/3/1975. Riêng Tiểu đoàn Yên Ninh 4 thành lập tháng 6/1968, với 650 quân số huấn luyện tại Hán Đà, Đại Minh (Yên Bình), vào chiến trường tháng 1/1969, được bổ sung cho chiến trường miền Đông Nam Bộ, trực tiếp tham gia các chiến dịch và trận đánh lớn như: Đồng Dù, núi Bà Đen năm 1969, Thiện Ngôn, Sa Mát năm 1970; Téc Ních, Bình Long năm 1972, Đồng Xoài - Phước Long năm 1973, Xuân Lộc - Long Khánh năm 1975...
Tự hào “Bộ đội Cụ Hồ”
Ông Phạm Tiến tham gia Tiểu đoàn Yên Ninh 2. |
Còn nữa, lội đồng Chó Ngáp, mùa khô khát cháy, mùa mưa mênh mông ở Đồng Tháp suốt 3 ngày, 3 đêm chúng tôi mới vào được Long An. Vậy là sau 5 tháng, 11 ngày hành quân Tiểu đoàn mới tới được chiến trường”.
Chiến sĩ các tiểu đoàn Yên Ninh đều là người Yên Bái và 2 huyện Bảo Yên và Văn Bàn (Lào Cai). Cả 4 tiểu đoàn Yên Ninh đã bám trụ chiến đấu kiên cường từ khi vào, đến tận mùa xuân đại thắng 1975. Họ tham gia nhiều chiến dịch, trận đánh lớn, trong đó có Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Với những đóng góp lớn lao nơi chiến trường, nhiều chiến sĩ các tiểu đoàn Yên Ninh được mặt trận tặng thưởng huân chương, danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt cơ giới”, “Dũng sĩ diệt máy bay”. Có những đồng chí còn được nêu gương học tập, điển hình như liệt sỹ Phương Văn Lương, chiến sĩ Tiểu đoàn Yên Ninh 2, quê ở Ngọc Chấn (Yên Bình), một mình một súng AK giữa cánh đồng trống bắn rơi trực thăng vũ trang của Mỹ.
Vinh quang nào mà chẳng có hy sinh, mất mát! Trong các tiểu đoàn Yên Ninh chi viện cho miền Nam đánh Mỹ, Tiểu đoàn Yên Ninh 2 mất mát, hy sinh nhiều nhất. Bởi những người lính Yên Ninh 2 cất tiếng chào đời, lớn lên từ núi, từ rừng vào vùng đồng bằng chiến đấu không quen nên nhiều đồng chí bị bắt và hy sinh. Qua danh sách, Tiểu đoàn Yên Ninh 2 đi vào Nam chiến đấu 700 chiến sĩ, hy sinh gần 400 người, nay mới tìm kiếm được khoảng 200 hài cốt liệt sĩ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cựu chiến binh các tiểu đoàn Yên Ninh, người tiếp tục tham gia Chiến dịch biên giới Tây Nam, giải phóng nước bạn Căm pu chia, chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc trở thành cán bộ trung, cao cấp của quân đội; người chuyển ngành công tác ngoài quân đội, còn đại bộ phận xuất ngũ về địa phương tham gia lao động sản xuất. Nhiều đồng chí trưởng thành giữ các vị trí quan trọng ở địa phương. Dù ở điều kiện, hoàn cảnh, cương vị nào các chiến sĩ Tiểu đoàn Yên Ninh vẫn luôn giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.
Ông Đào Lợi - Giám đốc Công ty Công trình và Môi trường đô thị nay đã nghỉ hưu thuộc Tiểu đoàn Yên Ninh 1, vào Nam làm Chính trị viên Trung đoàn 2, Sư đoàn 5, Đoàn 232 từng tham gia Chiến dịch Hồ chí Minh. Đưa chúng tôi xem bức ảnh những người tham gia Tiểu đoàn Yên Ninh 1 sau chiến thắng trở về đã lên ông, lên bà chụp chung kỷ niệm, ông tâm sự: “Ngày ấy tuổi trẻ bọn mình lên đường vào Nam đánh Mỹ khí thế lắm, tự hào lắm! Trai tráng có sức khoẻ mà không lên đường góp sức thống nhất nước nhà cảm thấy hổ thẹn. Bởi vậy, những người lính Yên Ninh lên đường trong bừng bừng hào khí…”.
Người mất, người còn, giữa những ngày tháng Tư lịch sử năm nay, Câu lạc bộ các tiểu đoàn Yên Ninh tổ chức cho các chiến sĩ ở cả 4 tiểu đoàn Yên Ninh với 22 người trở lại Huế, Ninh Thuận, Long An, Bình Phước thăm lại chiến trường xưa, tìm lại những đồng đội mất tin tức. Thắp nén hương thơm, họ thầm tâm sự với những đồng đội đã ngã xuống: “Các anh hãy yên nghỉ, chúng tôi vẫn sống, cống hiến góp phần xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp, xứng đáng với niềm tự hào của các chiến sĩ Yên Ninh xưa, xứng với máu xương các anh đổ xuống vì độc lập - tự do - thống nhất nước nhà. Người dân Yên Bái hôm nay và mãi mãi mai sau luôn tự hào bởi có những chiến sĩ tiểu đoàn Yên Ninh như thế!”.
M.Đ
Các tin khác
YBĐT - Sáng 29/4, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị giao ban báo chí quý I - 2010 khối các doanh nghiệp. Dự có đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.
Ngày 29/4, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết: có ít nhất 4 bệnh nhân nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn đang được điều trị, trong đó có 3 người bị viêm màng não, 1 người bị nhiễm trùng huyết.
YBĐT - Nhân kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2010), tối 28/4/2010 tại Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh Hội Cựu chiến binh tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự và Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái đã phối hợp tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “ Âm vang 30/4”.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đề nghị phối hợp để ngăn chặn nạn in tiền vàng mã có sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam.