Trước diễn biến của dịch lợn tai xanh: Người tiêu dùng đừng quá thận trọng
- Cập nhật: Thứ năm, 20/5/2010 | 9:09:11 AM
YBĐT - Nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, đến nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái chưa phát hiện có dịch lợn tai xanh. Tuy nhiên, có khá nhiều người tiêu dùng đã “tẩy chay” thịt lợn, dẫu đó là lợn có nguồn gốc, xuất xứ sạch bệnh và đã qua kiểm dịch.
|
Thị trường thịt lợn ở các chợ trung tâm rất ảm đạm, giá lợn hơi giảm mạnh từ 28 ngàn đồng/kg xuống còn 25 ngàn đồng/kg và cho đến nay chỉ còn 20 ngàn đồng/kg. Giá lợn hơi giảm, nhiều hộ chăn nuôi lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, vì bán thì lỗ nặng mà cứ nuôi thì cũng phá sản.
Chị Hải - người có thâm niên bán thịt ở chợ Yên Thịnh (thành phố Yên Bái) than thở: “Quầy thịt nhà tôi bán toàn lợn có xuất xứ rõ ràng và đều qua kiểm dịch của cơ quan thú y. Thế nhưng, vài ngày nay người tiêu dùng khi đến mua thịt vẫn rất e dè. Nếu như trước đây, mỗi ngày gia đình bán 4 - 5 tạ thịt, thì nay giảm còn một nửa”. Cũng như chị Hải, chị Bình bán thịt tại chợ Minh Tân (thành phố Yên Bái) cho biết: cách đây một tháng, mỗi ngày chị bán được 2 tạ thịt, nay ngày nào bán nhiều nhất cũng chưa được 1 tạ.
Bệnh lợn tai xanh và bệnh liên cầu lợn là hai loại bệnh khác nhau. Bệnh lợn tai xanh là do tình trạng nhiễm vi-rút; còn bệnh liên cầu lợn là do vi trùng gây nên. Tuy nhiên, nếu lợn đã mắc bệnh tai xanh thì rất dễ bị nhiễm liên cầu. Trên thực tế hiện nay, chỉ có bệnh nhiễm liên cầu mới lây qua người. Những người bị nhiễm bệnh có triệu chứng như: nhiễm trùng máu; viêm màng não; viêm nội tâm mạc... rất nguy hiểm đến tính mạng con người. Bệnh lây từ lợn sang người chủ yếu qua tiếp xúc với các vết trầy xước, chứ chưa ghi nhận thấy lây từ người sang người. Đối tượng dễ bị lây nhiễm nhất là những người giết mổ, làm thịt, tiếp xúc trực tiếp với lợn, thịt lợn nhiễm bệnh.
Trong các trại chăn nuôi, bầu không khí còn nặng nề hơn nhiều. Gia đình bà Hòa, phường Minh Tân (thành phố Yên Bái) nuôi hơn 100 đầu lợn đã đến kỳ xuất chuồng, nhưng giá lợn hơi giảm mạnh, nếu cứ bán thì lỗ không dưới 40 triệu đồng, hoặc cứ nuôi tiếp thì mỗi ngày cũng mất 400 – 500 ngàn đồng tiền cám, chưa kể công lao động. Tình trạng này nếu cứ kéo dài, người chăn nuôi sẽ phá sản!.
Theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, đối với người tiêu dùng không nên ham rẻ mà mua phải thịt lợn ốm, không mua thịt có màu đỏ bất thường hoặc bị phù nề, chỉ mua thịt lợn đã được các cơ quan thú y kiểm dịch và có dấu kiểm dịch của thú y... Khi chế biến thịt lợn, cần mang găng tay, tránh không để tay bị trầy xước, đặc biệt không ăn tiết canh và nội tạng lợn khi chưa được nấu chín.
Theo cơ quan chuyên môn, lợn khỏe mạnh, lợn đã qua kiểm dịch chúng ta vẫn sử dụng làm thực phẩm bình thường, người tiêu dùng cũng không nên quá hoang mang, lo lắng và “tẩy chay” thịt lợn. Có điều, khi mua thịt, sản phẩm từ thịt lợn phải rõ nguồn gốc, xuất xứ và có kiểm dịch của cơ quan chuyên môn.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện Nghị quyết 39 của HĐND tỉnh về Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học mầm non và phổ thông tỉnh Yên Bái, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Lục Yên đã tiến hành khảo sát chuyên môn đội ngũ giáo viên.
YBĐT - Lục Yên tập huấn cho 30 tình nguyện viên Chữ thập đỏ / 245 cán bộ hội nông dân của huyện Trấn Yên được tập huấn nghiệp vụ công tác hội.
YBĐT - Bản Tà Ghênh hôm nay thật đông vui náo nức, rợp cờ hoa, biểu ngữ của ngày hội khởi công mở đường. Ngay từ sáng sớm, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh, dân quân, tự vệ đã hành quân tiếp cận "mục tiêu". Các già làng, trưởng bản, các thầy, cô giáo và các cháu thiếu nhi trong trang phục đẹp nhất vui mừng tề tựu tại sân trường của bản - nơi tổ chức lễ khởi công tuyến đường Nậm Có lên bản Làng Giàng.
YBĐT - Có một chuyện mà ngày nay không mấy người được biết đến là cách đây 52 năm (năm 1958) khi Bác Hồ lên thăm Yên Bái có một phái đoàn gồm các ông Ký Huyên, ông Đồ Khóa và ông Xếp Đệ thay mặt cho nhân dân thị xã Yên Bái đã lên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh để đề đạt nguyện vọng.