Hòa giải các vụ việc ở cơ sở: Không để "bé xé ra to"

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/7/2010 | 2:41:44 PM

YBĐT - Một sự việc xảy ra, hay một lá đơn mới gửi lên thôn, lên xã... đều được những người làm công tác hòa giải, rồi an ninh xung kích ở cơ sở khẩn trương vào cuộc. Họ là những trưởng thôn, người cao tuổi, cựu chiến binh, công an viên... Tuy chỉ làm kiêm nhiệm trong các tổ hòa giải, tổ an ninh xung kích, không chút kinh phí hỗ trợ, không chút tiền trách nhiệm nhưng tất cả đều vì nhiệm vụ chung là bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) địa bàn, giữ gìn tình làng nghĩa xóm...

Ban công an xã và thành viên tổ hòa giải tiếp xúc giải quyết vụ việc tại cơ sở.
Ban công an xã và thành viên tổ hòa giải tiếp xúc giải quyết vụ việc tại cơ sở.

Bắt đầu từ những xích mích nhỏ

Về tới xã Phú Thịnh huyện Yên Bình, mới thấy hết công tác bảo đảm ANTT ở đây được chính quyền, Ban Công an xã triển khai hiệu quả thế nào. Từ việc củng cố xây dựng lực lượng công an viên, tổ an ninh xung kích, tổ an ninh nhân dân, tổ hòa giải, đến việc phát động phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ)"..., Đảng ủy xã đều có nghị quyết và được chính quyền, các ngành, thôn triển khai nghiêm túc.

Vừa hay ở thôn Lem mới xảy ra việc tranh chấp đất rừng giữa gia đình anh Nguyễn Văn Bình và anh Lương Văn Bảo, chúng tôi liền "mục sở thị" nhưng sự việc đã nguôi ngoai, ổn thỏa. Chị Ngô Thị Thìn, vợ anh Bình cho hay: "Gia đình tôi với hộ anh Bảo có diện tích đất trồng cây lâm nghiệp liền kề, sau khi thu hoạch xong diện tích keo, quá trình trồng mới có sự trồng lấn diện tích của nhau và trồng vào cả lối đi chung dẫn đến tranh chấp, cãi cọ mất đoàn kết giữa 2 bên. Sau đó, gia đình tôi đã làm đơn đề nghị thôn giải quyết.

Ngay khi nhận được đơn, tổ hòa giải ở thôn do anh Vũ Hải Long làm tổ trưởng, cùng đồng chí công an viên đã đến xem xét thực tế, nghe các bên trình bày cụ thể sự việc và bằng lời nói tình cảm, phân tích thuyết phục nên 2 gia đình đã hiểu ra. Biện pháp giải quyết được tổ hòa giải đưa ra đều có tình, có lý nên được 2 gia đình chấp thuận...". Theo phương án đưa ra, tổ hòa giải đề nghị 2 gia đình cùng nhau xem xét lại diện tích đất được cấp, sau đó tiến hành phân định ranh giới bằng việc đào đường rãnh phân giới giữa diện tích đất của các bên. Bây giờ, con rãnh dài gần bảy chục mét đang được 2 nhà đào làm mốc phân chia diện tích đất tranh chấp, nhưng đổi lại tình làng nghĩa xóm đã được hàn gắn nhờ sự hòa giải tích cực. Không chỉ một vụ việc nêu trên, mà nhiều vụ việc mâu thuẫn trong thôn Lem được giải quyết ngay tại cơ sở bởi hòa giải kịp thời.

Dập tắt những mâu thuẫn, những tranh chấp ngay tại thôn, không ai khác là các thành viên tổ hòa giải, tổ an ninh nhân dân, trong số đó có Tổ trưởng tổ hòa giải Vũ Hải Long. Là người có nhiều năm tham gia tổ hòa giải và có trên chục việc hòa giải thành, anh Long cho rằng: "Việc mâu thuẫn gia đình, tranh chấp đất đai, trâu, bò phá ruộng nương xảy ra ở thôn, xã là chuyện thường. Tuy nhiên, nếu không kịp thời hòa giải, ngăn chặn dễ dẫn đến "bé xé ra to", có khi sứt đầu mẻ trán như chơi". Tháng 6 rồi, ở thôn xảy ra tranh chấp giữa chị Th. và T.. Cũng chỉ vì một bên có ruộng ở trên không cho bên dưới tháo nước bừa đất dẫn đến 2 bên xô xát. Thời gian trước, cũng do hiểu nhầm nên một số hộ như ông Định, ông Lân tranh chấp diện tích đất trồng cây phân tán... Tổ an ninh, tổ hòa giải đã đến can thiệp, giải thích kịp thời, các hộ đều hiểu ra nên không gây mâu thuẫn kéo dài.

 Đến ngàn lẻ một cách "hòa giải..."

Lần giở cuốn nhật trình công tác của Ban Công an xã mới hiểu thêm những vụ việc xảy ra nơi đây được cán bộ xã, thôn giải quyết như thế nào. Một vụ từ tháng 10 năm 2008 xảy ra ở thôn Đồng Tâm giữa ông Minh và ông Xuân do tranh chấp đất đai khiến ông Xuân bị thương nhẹ vào đầu.

Tổ hòa giải do các ông Phạm Văn Hùng - Trưởng thôn, Nguyễn Xuân Lợi - công an viên đã đến lập biên bản sự việc và tuyên truyền giáo dục phân tích cho các bên hiểu rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật nên bên vi phạm đã gặp gỡ, khắc phục hậu quả. Ngay cả chuyện mâu thuẫn gia đình như chị D. anh Q. ở thôn Nạng hồi đầu năm  cũng đã được Trưởng thôn Nguyễn Văn Cường, công an viên Nguyễn Văn Thành tới hòa giải.

 Sau một thời gian tích cực thuyết phục, tuyên truyền luật, anh Q. đã nhận ra hành vi đập phá tài sản, cây cối, chửi bới vợ con là vi phạm luật. Trong quá trình giải quyết, xử lý các vụ việc xảy ra, Ban Công an xã và tổ hòa giải đã kết hợp giải thích, phân tích với tuyên truyền pháp luật tới người vi phạm. Từ chỗ người dân hiểu biết hạn chế về luật, đến nay đã nắm tương đối các điều luật cơ bản. Ở Phú Thịnh, không còn chuyện chỉ cãi nhau, mâu thuẫn nhỏ cũng gọi điện thoại cho cảnh sát 113 đến giải quyết như trước...

Trưởng Công an xã Nguyễn Quốc Hữu cho hay: Để địa bàn ổn định, trước hết Ban Công an xã tham mưu cho chính quyền địa phương hàng năm kiện toàn Ban chỉ đạo phát động phong trào "Toàn dân BVANTQ" và củng cố, xây dựng đội ngũ công an viên, thành viên các tổ hòa giải, tổ an ninh nhân dân có đủ phẩm chất, năng lực, nhiệt tình công tác. Các vấn đề xã triển khai đều được bàn bạc trong nhân dân, trong đó, tổ chức để người dân các thôn biểu quyết tín nhiệm bầu trưởng thôn và thành viên các tổ hòa giải, tổ an ninh nhân dân.

 Ban chỉ đạo xã căn cứ vào đó ra quyết định công nhận các tổ với những thành viên được nhân dân tín nhiệm. Sau mỗi năm, Ban chỉ đạo xã tiến hành xem xét củng cố và kiện toàn, trong đó chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ xã, nhất là thành viên các tổ. Bên cạnh đó, Ban Công an xã phối hợp tổ chức tuyên truyền tập trung và thường xuyên phong trào "Toàn dân BVANTQ". 5 năm qua người dân đã cung cấp cho lực lượng chức năng 135 nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng chức năng giải quyết 106 vụ, hòa giải thành 92 vụ việc... 

Chủ động trước mọi việc, nhiều năm qua xã đã phối hợp với Phòng Tư pháp huyện Yên Bình, Phòng Tuyên truyền pháp luật Sở Tư pháp tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho cán bộ xã, thôn. Cán bộ tư pháp xã Lương Thị Thanh cho rằng, hàng năm các lớp tập huấn về kiến thức pháp luật được mở tại xã giúp đội ngũ cán bộ xã, thôn có điều kiện cập nhật kiến thức mới, trau dồi, trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền pháp luật, vận dụng luật một cách hiệu quả trong xử trí, giải quyết các tình huống xảy ra hoặc giải đáp vấn đề người dân cần tìm hiểu. Người làm luật phải nắm rõ luật, từ đó mới có thể đứng ra giải quyết việc nảy sinh trong thôn, trong xã một cách hiệu quả. 

 …Và kinh nghiệm cần nhân rộng

Chia tay những cán bộ xã, thôn đang làm công tác tuyên truyền, hòa giải, bảo đảm ANTT ở Phú Thịnh, thật ấn tượng khi biết thêm Trưởng Công an xã Nguyễn Quốc Hữu vừa đoạt giải nhất cuộc thi "Công an xã giỏi" do Công an huyện tổ chức. Rồi nữa, Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Lem Vũ Hải Long từng 4 lần đi thi "Hòa giải viên giỏi" cấp huyện và cả 4 lần đều đoạt giải  (2 giải ba và 2 khuyến khích), trong đó, năm 2010 đoạt giải nhất với tiểu phẩm "Chỉ vì cái nước" do anh tự biên và cùng diễn.

Anh Long thổ lộ "bí quyết" để "việc to biến thành nhỏ, việc nhỏ thành không có gì" của mình thật mộc mạc và chân thành: Người tổ trưởng hòa giải phải có uy tín, gương mẫu, nhiệt tình, luôn hòa nhập với cộng đồng. Hơn nữa, người hòa giải phải hiểu biết nhất định về kiến thức pháp luật như: Luật Đất đai, Pháp lệnh Hòa giải, Luật Hôn nhân & gia đình... Ngoài việc tham gia các lớp tập huấn, cán bộ hòa giải cần tự nghiên cứu, tìm tòi về kiến thức pháp luật, nhất là gặp gỡ, học hỏi người có uy tín, người cao tuổi để biết thêm kinh nghiệm trong cuộc sống. Có những việc khó, nhiều khi cán bộ hòa giải phải nhờ đến người có uy tín trong gia đình, dòng họ của các bên cùng giúp đỡ, phân tích để "hóa giải" các vụ việc ngay từ cơ sở.

Hiện nay, công tác củng cố, xây dựng tổ an ninh, tổ hòa giải ở cơ sở được các ngành, các cấp địa phương trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh. Nhiều mô hình và những tấm gương sáng trong công tác này như anh Long ở thôn Lem, anh Hữu Trưởng Công an, anh Thành, anh Lợi công an viên... ở Phú Thịnh đã và đang góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương. Với những kinh nghiệm hay trong công tác giải quyết các vụ việc ngay từ cơ sở, Phú Thịnh cần tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình xã không có đơn thư khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, không có "điểm nóng", xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

          Văn Trung

Các tin khác
Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải thường xuyên nắm bắt tình hình ở cơ sở để kịp thời xử lý những mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở.

Trong 5 năm qua (2019 - 2024), toàn huyện Mù Cang Chải đã tiếp nhận 849 vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình..., trong đó hòa giải thành công 818 vụ việc.

Huyện Trạm Tấu đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trong trường học.

Phòng Tư pháp huyện Trạm Tấu đã phối hợp đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) như: đẩy mạnh thông tin pháp luật trên các trang thông tin điện tử và hệ thống loa phát thanh ở cơ sở, các cuộc thi, tọa đàm, giao lưu, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý…, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân.

Hội Chữ thập đỏ huyện Văn Chấn trao tiền hỗ trợ cho hộ nghèo làm nhà ở.

Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Văn Chấn đã tăng cường củng cố tổ chức Hội cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, góp phần thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội.

Cán bộ Hội Phụ nữ xã Chế Cu Nha tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật phòng, chống mua bán người cho hội viên.

Những năm gần đây, các địa phương, ngành chức năng trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, góp phần xây dựng xã hội văn minh, an toàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục