Bão Conson đã tan, 12 người chết và mất tích

  • Cập nhật: Chủ nhật, 18/7/2010 | 2:49:58 PM

Sau khi tàn phá Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình... bão Conson đã nhanh chóng suy yếu thành một vùng áp thấp. Tuy nhiên trước khi tan, cơn bão đã để lại hậu quả: 12 người chết, mất tích, hàng chục tàu, thuyền lớn bị đắm, hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng...

Bão Conson đang tan dần.
Bão Conson đang tan dần.

Tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, tối qua 17/7, sau khi đi vào địa phận các tỉnh Hải Phòng - Thái Bình và đi sâu vào đất liền, bão Conson đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
 
Sáng sớm nay 18/7, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp. Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu và tan dần. Tuy nhiên, cơ quan khí tượng vẫn cảnh báo, hoàn lưu vùng áp thấp sẽ gây mưa vừa, có nơi mưa to và giông ở các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa.

Trước khi suy yếu, bão Conson đã gây thiệt hại khá nặng nề về người và tài sản ở các vùng ven biển. Theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TƯ, tính đến 6 giờ sáng 18/7 đã có 1 người chết tại bãi biển Hải Hoà, Tĩnh Gia, Thanh Hoá và 11 người khác mất tích trong cơn bão.
 
Cụ thể, Quảng Ngãi có 6 người trên tàu QNg 55940 mất tích ở Hoàng Sa; Quảng Ninh có 5 người (1 người bị sóng đánh trôi ở khu vực đảo Cống Đỏ, 4 người trên tàu vận tải HD 0120/04 bị chìm tại khu vực hòn Gà Chọi), ngoài ra còn có 3 người bị thương ở Hải Phòng.
 
Bão Conson cũng gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của người dân vùng ven biển. Đã có 303 nhà bị hư hỏng và tốc mái (Quảng Ninh 200; Hải Phòng 103); 27 tàu tàu bị đắm, vỡ (Quảng Ninh 15; Hải Phòng 5; Quảng Ngãi 6; Hà Tĩnh 1); 34 tàu tàu thuyền bị trôi, trong đó có 3 tàu lớn đang sửa chữa tại Hải Phòng; 13 chiếc lồng bè hải sản của người dân cũng bị cuốn trôi trong bão (Quảng Ninh 12; Hải Phòng 1).
 
Hình ảnh tan hoang sau bão tại TP Hải Phòng (ảnh: Bạn đọc Vũ Trọng Thái).
 
Phó Chánh văn Phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TƯ Văn Phú Chính cho biết: Tại Hải Phòng, Cầu Bính bị tàu biển va chạm nhưng chưa xác định được mức độ thiệt hại. Ngoài ra, 1 cẩu hàng đã bị gãy, đổ tại đảo Bạch Long Vỹ và sạt lở đê, kè Cát Hải.
 
Cũng theo ông Chính, hiện nay công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sau bão đang được đặt lên hàng đầu. Hiện, bộ đội biên phòng đang tiếp tục công tác tìm kiếm cứu nạn 6 ngư dân và các tàu bị nạn của tỉnh Quảng Ngãi tại khu vực đảo Hoàng Sa và 5 người ở Quảng Ninh. Cùng đó, các lực lượng cứu hộ đang tiếp tục tiến hành trục vớt các tàu bị chìm, trôi.
 
Hải Phòng, Quảng Ninh - hai địa phương thiệt hại nặng nhất sau bão đang khẩn trương tiến hành công tác hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, chỉnh trang dọn dẹp thành phố, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống.
 

Trao đổi với  phóng viên báo chí, ông Nguyễn Văn Đọc - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Khi bão đổ bộ vào đã làm một chiếc tàu xi măng của ông Lương Văn Quang, ở huyện Xuân Trường, Nam Định bị đánh chìm. Trên tàu có 2 người, 1 người mất tích.

 

Đáng chú ý là vào thời điểm bão số 1 đổ bộ vào TP Hạ Long chiều tối 17/7, mưa bão đã đánh chìm nhiều tàu neo đậu ở khu vực trú ẩn trên vịnh, nhiều tàu đã bị đứt neo trôi ra khơi. Các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đã kịp thời ứng cứu và đưa vào bờ 120 người dân cũng như các tàu thuyền neo đậu bị trôi trên Vịnh Hạ Long.
 

Nhiều thuyền của ngư dân trên Vịnh bị bão đánh chìm. (Ảnh: Bão Quảng Ninh)
 

Do có sự chuẩn bị của Ban chỉ huy PCLB nên cơn bão số 1 đi qua địa bàn tỉnh không gây ra những thiệt hại nghiêm trọng. Theo thống kê ban đầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 20 lồng bè nuôi trồng thủy sản, 15 tàu vận tải đánh cá, 5 tàu du lịch bị bão đánh chìm và có khoảng hơn 300 ngôi nhà bị tốc mái…

 

Tại huyện Cô Tô có 200 nhà dân ở các đảo bị tốc mái. có 8 bè nuôi thủy sản bị trôi và bị sóng đánh vỡ, 2 cột ăng ten, phát sóng bị đổ. Tại huyện Yên Hưng, có 5 cột điện 110kv ở khu vực xã Tiền An bị đổ, gần 10 ngôi nhà bị tốc mái. Ở Cẩm Phả hàng chục ngôi nhà bè bị tốc mái do sóng đánh vỡ đứng trước nguy cơ bị chìm…

 

“Hiện UBND tỉnh đang phối hợp chỉ đạo các huyện, khu vực bị thiệt hại nặng sau cơn bão số 1 tập trung xử lý giúp dân sớm ổn định sinh hoạt cũng như hỗ trợ kinh phí cần thiết cho những hộ dân bị thiệt hại về tài sản, nhà tốc mái tại các huyện Vân Đồn, Cô Tô, Yên Hưng, Ba Chẽ…”, ông Đọc cho biết.

 
Ông Nguyễn Phú Nhuận - Chi Cục trưởng Chi Cục quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình cho hay, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Thái Bình, tính đến 7h sáng nay 18/7, tổng cộng lượng mưa đo được sau trận bão Conson tối qua là 109,95mm, kèm theo là gió giật cấp 8 - 9, điện đã bị cắt trên diện rộng, nhiều điểm trên địa bàn tỉnh Thái Bình bị ngập úng nặng.
 
Ước tính bão Conson đã ảnh hưởng đến gần 2.000 ha lúa, 1.700 ha hoa mầu của tỉnh Thái Bình, trong đó có hàng trăm ha lúa và hoa mầu có nguy cơ mất trắng do bị dập nát và ngập sâu trong nước lũ.
 
Tại Thanh Hóa, tính đến 9h sáng 18/7, sau khi bão Conson đã độ bổ vào đất liền và không ảnh hưởng trực tiếp đến Thanh Hóa. Hoàn lưu bão có gây mưa và gió giật cấp 5, cấp 6 ở khu vực các huyện ven biển của tỉnh Thanh Hóa và gây mưa ở nhiều huyện miền núi. Tuy nhiên do lượng mưa nhỏ, gió cục bộ ở một số nơi nên tính đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có thiệt hại gì về người, tài sản, đê điều, giao thông và hoa màu.
 

Tuyến đê biển qua thôn Ninh Phú, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc
 đang được gia cố để phòng chống nước tràn. (Ảnh: Duy Tuyên)

 

Theo Văn phòng BCH Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa thì lượng mưa đo được trên các địa phương của tỉnh trong đợt mưa bão này giao động từ 20 đến 79mm. Trong đó nhiều nơi trên địa bàn tỉnh không có mưa như: Hồi Xuân, Bái Thượng, Yên Định. Nơi có lượng mưa cao nhất của đợt mưa này là Thạch Quảng, huyện Thạch Thành với lượng mưa đo được là 77mm.

 

Ông Lương Qúy Hội, Phó chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: “Đến thời điểm này, tình hình mưa bão trên địa bàn huyện chưa có vấn đề gì. Những cơn mưa từ tối 17/7 do ảnh hưởng bão đã giúp địa phương được giải nhiệt do khô hạn kéo dài”.

 

Tại huyện Tĩnh Gia, nơi được coi là “chảo lửa” của Miền Trung và nơi nắng hạn gay gắt nhất cả nước trong những ngày vừa qua cũng đã có mưa, với lượng mưa đo được là 32,3ml.

 

(Theo Dân Trí)

Các tin khác

YBĐT - Nhằm đối phó với cơn bão Conson, ngày sau khi có Công điện số 11/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh, UBND huyện Văn Yên đã ra công điện khẩn chỉ đạo các cấp các ngành, xã thị trấn thực hiện ngay các biện pháp phòng tránh bão lũ.

Lãnh đạo huyện Văn Chấn và xã Cát Thịnh kiểm tra các khu vực xung yếu trên địa bàn.

YBĐT-Mặc dù Yên Bái không nằm trong tâm bão ConSon nhưng lại nằm trong vùng hoàn lưu của bão, do vậy từ chiều tối ngày 17/7 đến sáng 18/7 trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có mưa và có nơi mưa rất to, nguy cơ sạt lở đất và lũ quét xảy ra là rất lớn.

20h tối 17/7, trời Hà Nội bắt đầu mưa, gió lớn khiến đường phố Hà Nội vắng tanh

Dù không nằm ở tâm bão nhưng những cơn gió to do ảnh hưởng của bão quét qua cũng khiến một số cây đại thụ ở Hà Nội bị quật ngã.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tối (17.7), vùng tâm bão số 1 đã đi vào địa phận các tỉnh Hải Phòng - Thái Bình. Vùng gần tâm bão gió mạnh cấp 12, 13, độ cao sóng biển hơn 5m, gây mưa lớn trên diện rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục