Khắc tinh của tội phạm ma tuý

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/7/2010 | 2:47:07 PM

YBĐT - Hơn 15 năm công tác trong ngành công an, tôi vẫn tự hào là mình có thể đọc vanh vách từng nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị, từng lực lượng trong ngành, có thể hiểu tâm tư, nguyện vọng hay những khó khăn vất vả, những hy sinh thầm lặng của đồng đội. Nhưng tôi đã lầm... Trong Hội nghị điển hình tiên tiến Công an tỉnh vừa qua, khi trung tá Phạm Song Tùng - Đội trưởng Đội 3 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (CSĐT TPVMT) báo cáo tham luận, tôi đã lặng người trước những hy sinh lớn lao không chỉ của anh, của đồng đội mà cả những hy sinh của vợ con, gia đình họ phải gánh chịu...

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng trao bằng khen cho Phòng CSĐTPVTTXH Công an Yên Bái (Bên trái Phó Thủ tướng).
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng trao bằng khen cho Phòng CSĐTPVTTXH Công an Yên Bái (Bên trái Phó Thủ tướng).

Với tôi, Phạm Song Tùng không phải người xa lạ. Những năm 1999 - 2000 khi làm phóng sự về công tác đấu tranh với tội phạm ma tuý ở huyện Lục Yên, tôi đã có cảm tình với một trinh sát trẻ luôn nhanh nhẹn, hoạt bát.

Thượng tá Vũ Viết Thoại - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội khi đó là Phó trưởng Công an huyện Lục Yên giới thiệu: “Đây là Tùng, khắc tinh của tội phạm ma tuý ở Lục Yên đấy!”. Hầu như các vụ án liên quan đến ma tuý ở Lục Yên ngày ấy đều do Tùng làm cả. Có nhiều gia đình ma tuý, Tùng bắt đến 4,5 người...

Sau khi Phòng CSĐTTPVMT Công an tỉnh được thành lập, Phạm Song Tùng được điều động về làm trinh sát và được đề bạt làm Đội trưởng Đội 3 - đội chuyên đấu tranh với các đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý. Lãnh đạo phòng nhận xét: “Phạm Song Tùng là  trinh sát dạn dầy kinh nghiệm, bản lĩnh vững vàng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được phân công, không ngại khó khăn gian khổ, dám chấp nhận hy sinh”.

Rất nhiều lần Tùng và đồng đội phải hành quân trong đêm, mưa phùn gió rét đến nơi tập kết, đón bắt đối tượng, nhiều khi chỉ chậm một vài giây là trả giá bằng tính mạng, hoặc là thành công hay thất bại. Phạm Song Tùng cho biết: “Tội phạm ma tuý là loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm, nó “hội tụ” đủ các yếu tố của các loại tội phạm khác như: sự liều lĩnh, manh động, sẵn sàng chống trả quyết liệt bằng các loại “vũ khí nóng”, “vũ khí lạnh”, bơm kim tiêm dính máu nhiễm HIV. Chúng sẵn sàng dùng vật chất mua chuộc các lực lượng chức năng. Tội phạm về ma tuý có tính liên kết, tổ chức rất cao trong gia đình, dòng họ, người thân... Do vậy đấu tranh với tội phạm ma tuý có thể coi là đối tượng đấu tranh nguy hiểm và phức tạp nhất.

 5 năm (từ 2006 - 2010), Phạm Song Tùng đã trực tiếp và tham gia đấu tranh triệt phá 149 vụ án, bắt giữ trên 200 đối tượng phạm tội về ma tuý, thu giữ khoảng 2,5 kg hêrôin, 3,5 kg thuốc phiện và nhiều vật chứng liên quan khác.

Anh giấu vợ chuyện mình bị phơi nhiễm vì sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ của vợ và đứa con trong bụng. Khi thấy chồng được đơn vị cho nghỉ ở nhà để dưỡng bệnh, vợ anh đã nghi ngờ. Và anh đã phải nói ra cái điều mình không muốn nói. Vợ anh lặng lẽ khóc, chị an ủi anh rằng đó chỉ là tai nạn nghề nghiệp. Chị bảo, anh cứ ôm hôn đứa con lớn 4 tuổi của mình đi, bệnh không lây nhiễm sang con được đâu. Anh cũng biết thế, nhưng mỗi khi động vào làn da con trẻ, anh vẫn cứ sợ, nhỡ ra...

Cả hội trường hôm ấy đã lặng đi vì xúc động khi Phạm Song Tùng nói về vụ án làm anh bị phơi nhiễm HIV. Đấy là vụ án Lò Văn Xương hoạt động phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý ở xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn.

Ngày 24/4/2006, khi Tùng và đồng đội triển khai đội hình bắt đối tượng tại nhà riêng. Thấy động, Lò Văn Xương bỏ chạy, với quyết tâm không để đối tượng chạy thoát, Tùng đã lao theo rồi quật ngã đối tượng. Trong lúc vật lộn, đối tượng đã cắn vào bả vai trái của Tùng làm rách da, chảy máu. Khi xét nghiệm, phát hiện Lò Văn Xương đã nhiễm HIV.

Tùng tâm sự: “Lúc nhận được kết quả tôi thực sự bàng hoàng, bởi khi đó vợ tôi đang mang thai đứa con thứ hai”. Tùng bảo, anh may mắn có được người vợ cảm thông, cùng sự quan tâm của lãnh đạo Công an tỉnh, của đồng đội đã giúp anh vượt qua những lúc khó khăn nhất! Sau 3 lần xét nghiệm, kết quả  âm tính với HIV. Đó là kết quả có hậu cho anh. Tùng lại cùng đồng đội lao vào những trận đánh mới.

Tháng 12/2008, Tùng nhận nhiệm vụ trinh sát một tuyến đường dây mua bán trái phép chất ma tuý trong chuyên án mang bí số 808H ở địa bàn huyện Mù Cang Chải. Sau một thời gian trinh sát, được lãnh đạo đồng ý, Tùng đã tiếp cận vào đường dây ma tuý này. Bọn chúng đã dùng nhiều biện pháp để thử thách như: kiểm tra giấy tờ tuỳ thân, hành lý mang theo, tiền mặt, lôi kéo sử dụng ma tuý...

Khi yêu cầu xem “hàng”, chúng đồng ý nhưng chỉ được đi một mình vào một khe suối heo hút, xa khu dân cư. Trước tình huống nguy hiểm này, đối tượng có 3 tên mang theo vũ khí, sẵn sàng thủ tiêu "đối tác” bất cứ lúc nào. Tùng đã mưu trí báo được cho đồng đội vùng ngoài chuẩn bị hỗ trợ và đưa chúng đến điểm phục kích. Vụ này cơ quan Công an bắt gọn 3 đối tượng cùng hung khí và 2 bánh hêrôin. Vụ án đã được đưa ra xét xử với 1 án tử hình, 2 án chung thân.

3 năm được bầu là chiến sĩ thi đua cơ sở, 2 năm là chiến sĩ tiên tiến, được nhận bằng khen của Bộ Công an, của UBND Tỉnh, giấy khen của Tổng cục Cảnh sát, của Giám đốc Công an tỉnh, nhưng phần thưởng cao quý nhất của Tùng là sự tin yêu của đồng đội. Áp lực công việc, hiểm nguy luôn rình rập, nỗi trăn trở của người thân... luôn đè nặng, nhưng “máu nghề nghiệp” và ánh mắt, niềm tin của những người được giải thoát khỏi ma tuý đã giúp trung tá Phạm Song Tùng vững vàng trên con đường gập ghềnh, chông gai nhưng cũng đầy vinh quang mà anh lựa chọn...

Nguyễn Chí Dân

Các tin khác

YBĐT - Nhờ tăng cường tuần tra, kiểm soát, trong 6 tháng đầu năm 2010, các lực lượng chức năng tỉnh Yên Bái đã phát hiện 25 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tăng 18 vụ so với cùng kỳ năm 2009.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 73 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, thay thế Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12-12-2005.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành thông tư quy định nội dung, trình tự, thủ tục chuyển đổi loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục. Theo đó, từ ngày 1/9/2010, tất cả các trường ĐH Dân lập phải chuyển sang Tư thục.

YBĐT - Ngày 19/7/2010, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Tỉnh Đoàn thanh niên và Sở Giáo dục & Đào tạo đã tổ chức Lễ xuất quân "Học kỳ quân đội" năm 2010.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục