Cần nâng cao nhận thức về phòng chống xâm hại trẻ em
- Cập nhật: Thứ ba, 19/10/2010 | 2:30:25 PM
YBĐT - Phòng chống xâm hại trẻ em là công việc hàng ngày, thường xuyên và cần sự đồng thuận của các cấp, các ngành, đồng thời cần xây dựng quy chế hợp lý để phát huy hiệu quả công tác này, tránh việc các cơ quan đùn đẩy trách nhiệm và đổ lỗi cho nhau mỗi khi sự việc xảy ra.
Thay vì được vui đùa với chúng bạn, những đứa trẻ vùng cao phải theo mẹ lên nương.
|
"...Do cán bộ luân chuyển, kiêm nhiệm nhiều việc, hơn nữa do những yếu tố khách quan của việc sáp nhập, giải thể Ủy ban Dân số gia đình và trẻ em mà công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em (CS&BVTE) ở Văn Chấn có sự xáo trộn nhất định. Một văn bản triển khai xuống xã phải đôn đốc mãi cán bộ mới hoàn thành dẫn đến hiệu quả công việc thấp. Công tác CS&BVTE ở đây có thời gian dường như bị buông lỏng, công tác tuyên truyền cũng chỉ mang tính hình thức. Vì vậy thời gian vừa qua tình trạng trẻ bị xâm hại tại cộng đồng, trẻ em vi phạm pháp luật ở huyện Văn Chấn có chiều hướng gia tăng”. Đó là trao đổi của bà Võ Thị Kim Sao - phụ trách công tác CS&BVTE Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Văn Chấn.
Theo báo cáo của Phòng Lao động thương binh và Xã hội huyện Văn Chấn, năm 2008, trên địa bàn huyện xảy ra 3 vụ trẻ bị xâm hại. Trong đó, xâm hại về sức khoẻ 2 vụ, tình dục 1 vụ; năm 2009, là 4 vụ trong đó, xâm hại tình dục 2, buôn bán 2, 9 tháng đầu năm 2010 chưa có trường hợp trẻ bị xâm hại tại cộng đồng. Tuy nhiên đó là kết quả báo cáo của Công an huyện. Còn thực tế cũng khó mà nói, bởi đâu đó, trong các bản làng xa xôi, các em luôn phải đối mặt với những nguy cơ bị xâm hại, bị dụ dỗ làm trái pháp luật - Bà Sao tâm sự thêm. Nguyên nhân cũng do trình độ nhận thức của người dân, sự phát triển kinh tế không đồng đều dẫn đến sự phân biệt khoảng cách giàu nghèo.
Ở Văn Chấn không có trường hợp trẻ bỏ học, bỏ nhà lang thang để kiếm sống như các tỉnh, thành phố lớn, song trước những cám dỗ của xã hội, các em còn quá nhỏ để có thể tự bảo vệ mình. Mặc dù hàng tháng, hàng quý Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện đều xây dựng chương trình phối hợp với Đài Truyền thanh huyện tuyên truyền các kiến thức về công tác CS&BVTE cũng như việc ngăn ngừa tình trạng trẻ bị xâm hại, lạm dụng tại cộng đồng.
Cùng với đó, đơn vị đã phối hợp với đoàn thanh niên, hội cha mẹ học sinh tổ chức các buổi tư vấn ngoại khoá, nói chuyện, giáo dục tâm sinh lý lứa tuổi vị thành niên trong trường học, cũng như nâng cao nhận thức cho các em về kỹ năng tự bảo vệ mình; phối hợp với Công an huyện xây dựng các mô hình quản lý giáo dục trẻ em làm trái pháp luật tại cộng đồng. Tuy nhiên qua thực tế khảo sát hầu như vẫn chỉ là khẩu hiệu chung chung mang tính hình thức còn thực chất việc triển khai chỉ là lấy phong trào.
Nguyên nhân của thực trạng này là thiếu kinh phí hoạt động. Vào tháng hè, các em được giao về cho chi đoàn quản lý, song cũng chỉ tổ chức được buổi tiếp nhận các em từ nhà trường về và một buổi tổng kết, bàn giao từ chi đoàn về nhà trường là xong, trả lại nhiệm vụ về nhà trường và chính quyền địa phương quản lý. Nhà trường chỉ quản lý các em trên lớp còn ngoài giờ học thì lại trả các em về gia đình, các gia đình lại mải mê công việc, cán bộ làm công tác thương binh, xã hội cấp xã lại kiêm thêm công việc CS&BVTE, vừa công việc chính, thiếu sâu sát là chuyện dễ hiểu. Cứ như vậy, cái vòng luẩn quẩn giữa nhà trường gia đình và xã hội, dẫn đến việc thiếu thống nhất trong công tác CS&BVTE.
Khi hậu quả xảy ra, không bên nào chịu nhận trách nhiệm về mình, mà tìm cách đỗ lỗi cho nhau, vì sợ mất thành tích, sợ bị phê bình mà nhiều địa phương dã giấu chuyện trẻ bị xâm hại tại cộng đồng. Do đó đã vô tình tiếp tay cho kẻ ác có thêm cơ hội hoành hành. Bên cạnh đó các thiết chế như cơ sở hạ tầng, khu vui chơi dành cho trẻ hầu như chưa đáp ứng đủ yêu cầu cho các em ngoài giờ học ở trường. Có chăng chỉ là những tụ điểm nhà văn hoá thôn bản. Thiếu các điểm vui chơi lành mạnh sẽ là những hậu quả không nhỏ dẫn đến việc các em vi phạm pháp luật...
Phòng chống xâm hại trẻ em là công việc hàng ngày, thường xuyên và cần sự đồng thuận của các cấp, các ngành, đồng thời cần xây dựng quy chế hợp lý để phát huy hiệu quả công tác này, tránh việc các cơ quan đùn đẩy trách nhiệm và đổ lỗi cho nhau mỗi khi sự việc xảy ra. Có như vậy mục tiêu về phòng chống xâm hại trẻ em ở Văn Chấn mới phát huy hiệu quả.
Lệ Thanh
Các tin khác
YBĐT - Là huyện vùng cao, địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, giao thông đi lại giữa các xã, thôn, bản và việc canh tác gặp rất nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng cho huyện Trạm Tấu (Yên Bái), đặc biệt là Chương trình 135 (giai đoạn II) từ 2006 đến nay, đã góp phần quan trọng cho bộ mặt vùng cao ngày càng khởi sắc.
Theo thống kê mới nhất, mưa lũ đã làm 35 người chết, 2 người mất tích. Ngoài ra, 19 người trên ô tô khách bị trôi tại khu vực Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vẫn bặt tin. Trong khi đó, siêu bão Megi đang hoành hành trên biển Đông đe dọa miền Trung.
YBĐT - Kết quả trong 4 năm thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, 100% tổ chức Hội CCB cấp trên cơ sở ở tỉnh Yên Bái hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt trong sạch vững mạnh, không có tổ chức cơ sở Hội yếu kém.
Là một trong những huyện cần hoàn thành số nhà cho hộ nghèo nhiều nhất trong năm 2010, thời gian qua, huyện Văn Chấn đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở.