Mất đất loay hoay việc làm cho nông dân
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/12/2010 | 9:13:13 AM
YBĐT - Ngày càng có nhiều con đường, nhà máy, công trình mới được quy hoạch xây dựng và mở rộng. Để có mặt bằng thực hiện dự án, Nhà nước tiến hành thu hồi đất và đền bù cho nhân dân trong đó bao gồm cả tiền hỗ trợ về nhà ở, chuyển đổi nghề nghiệp. Nhưng thay vì có một nghề phụ ổn định thì việc ra thành phố làm thuê vẫn là lựa chọn của nhiều nông dân không có đất làm ruộng.
Một ngày phụ hồ, người lao động kiếm được số tiền từ 70.000 - 100.000 đồng.
|
Cách đây vài năm, cuộc sống của những người dân thôn Lương Thịnh 2 (xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái) gắn chặt với đồng ruộng cùng hai vụ lúa và một vụ màu mỗi năm. Mỗi gia đình ở đây có vài sào ruộng, vài sào chè, cộng thêm phát triển chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò. Cuộc sống sẽ cứ thế trôi đi nếu như thôn Lương Thịnh 2 không nằm trong diện quy hoạch của rất nhiều dự án. Đầu tiên là dự án đường Km 5 - Yên Bình đã đưa nhiều nhà “từ làng ra phố”. Nhưng có một công việc ổn định, phù hợp với độ tuổi “trẻ đã qua mà già chưa tới” của nhiều người dân ở đây không hẳn đã dễ dàng.
Trưởng thôn Lương Thịnh 2, ông Trần Phi Khải cho biết: “Sắp tới thôn này sẽ chẳng còn đất đâu mà canh tác và trồng cấy gì, dự án đường Km 5 – Yên Bình vừa xong lại chuẩn bị đo đạc, lên phương án đền bù cho các dự án Km10 - cầu Văn Phú, dự án Trường bắn của Trường Quân sự Ấp Bắc, của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật, công trình kè chống sạt lở. Sau đợt này là thôn sẽ gần như mất hết đất sản xuất nông nghiệp. Có còn một số diện tích nhưng lại bị ngập úng, bị đất đỏ trôi sạt hoặc mất nước đầu nguồn không trồng cấy được, nên hàng ngày người dân ở đây đi làm thuê trong thành phố, ai thuê gì làm nấy để kiếm tiền đong gạo”.
Thôn Lương Thịnh 2 hiện nay có khoảng 150 người trong độ tuổi lao động nhưng chỉ còn 3 ha ruộng và 20 ha rừng. Nghề chăn nuôi vài năm nay cũng mai một dần do không còn chủ động được nguồn thức ăn tại chỗ nên cả thôn chỉ còn khoảng chục con lợn và vài con trâu. Sau khi nhận tiền đền bù, một số hộ cũng mua vài sào ruộng, tiếp tục trồng cấy còn lại hầu như đều đi làm thuê. Sáng sáng, phân nửa số người trong độ tuổi lao động của thôn vào thành phố làm thuê và chỉ trở về khi trời đã nhập nhoạng tối.
Ông Khải cho biết thêm: “Vì không còn ruộng nên bây giờ tất cả các hộ gia đình trong thôn đều đi ăn đong cả. Như gia đình nhà tôi, ngày trước mỗi vụ cũng thu được chừng 1,2 tấn thóc vậy là có gạo ăn và chăn nuôi rồi, nhưng bây giờ mọi thứ đều phải ra chợ mua hết. Cả thôn nhà nào cũng như vậy, được Nhà nước đền bù cho ít nhiều nếu không khéo tính toán là lại nghèo ngay đấy vì lúc đó tiền thì hết mà đất thì không còn”. Những người dân trong thôn ra thành phố làm phụ hồ, thợ xây, mỗi ngày cũng kiếm được từ 70.000 - 100.000 đồng.
Đã hơn 50 tuổi nhưng ông Trần Văn Yên ngày ngày vẫn cần mẫn đi làm thợ xây. Ông cho biết: “Người làm thuê bây giờ cũng đông, công trình thì ít, trung bình mỗi tháng đi làm được khoảng 15 - 20 ngày vì còn trừ ngày nắng, ngày mưa, những lúc ốm đau. Nếu không phải là thợ lành nghề thì không có việc đều đặn đâu. So với làm ruộng thì vẫn khá hơn nhưng vất vả và sau này không đủ sức khoẻ đi làm thuê nữa thì cũng lo đấy”.
Để hướng nghiệp cho nông dân khi mà diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp, UBND xã Tân Thịnh phối hợp cùng Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm mở các lớp dạy nghề như: điện, xây dựng dân dụng, cắt may… nhưng cũng chỉ mới dừng lại ở đào tạo nghề còn người dân vẫn phải tự mình bươn chải và loay hoay tìm việc. Thanh niên thì có thể dễ dàng tìm việc tại các thành phố lớn, còn những người trong độ tuổi từ 40 trở lên vẫn chỉ quanh đi quẩn lại rồi ra thành phố Yên Bái làm phụ hồ, làm thợ xây, bởi công ty nào khi tuyển người cũng đưa ra yêu cầu về trình độ, độ tuổi.
Rồi đây, không chỉ có thôn Lương Thịnh 2, mà cả thôn Lương Thịnh 3, Thanh Hùng 2, Trấn Ninh 2 của xã Tân Thịnh cũng như rất nhiều địa phương khác sẽ thêm nhiều diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để phục vụ cho các dự án, các công trình. Cơ hội mở ra nhiều nhưng thách thức cũng không ít. Áp lực đầu tiên là việc làm cho nông dân khi những “bờ xôi ruộng mật” không còn. Nếu như có thêm nghề phụ mang lại thu nhập ổn định, thường xuyên hay phát triển những mô hình kinh tế hiệu quả trên diện tích đất không lớn sẽ là hướng đi bền vững cho những người nông dân này.
Hồng Khanh
Các tin khác
YBĐT - Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện cuộc vận động " Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" và 10 năm cuộc vận động " Ngày vì người nghèo", UBND huyện Lục Yên đã khen thưởng 23 tập thể và 15 cá nhân có nhiều thành tích thực hiện 2 cuộc vận động.
YBĐT - Trong 2 ngày 27 và 28/11, 122 học sinh đến từ các trường tiểu học đại diện cho 9 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh đã tham gia Giao lưu học sinh giỏi cấp tiểu học tỉnh Yên Bái lần thứ nhất năm 2010 do Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức.
YBĐT - Dự án đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng cho các xã và thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện trong Chương trình 135 giai đoạn II có tổng vốn được giao hơn 3 tỷ đồng, trong đó dự ước thực hiện giai đoạn 2006 - 2010 hơn 1,6 tỷ đồng.
YBĐT - Đến nay, trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã có trên 97% số phòng học được kiên cố hóa, trong đó: 88,3% số phòng học kiên cố và 9,94% phòng học bán kiên cố; 100% các trường có đủ công trình vệ sinh đảm bảo quy định và sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; có sân chơi bóng mát là sân bê tông; 40% số lớp học đạt tiêu chuẩn thân thiện.