Bệnh dại - nỗi lo không của riêng ai

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/4/2011 | 2:44:42 PM

YBĐT - Những năm gần đây, bị chó dại tấn công luôn là nỗi lo của nhiều người. Mặc dù các ngành, địa phương đã có nhiều biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân nhưng thời gian qua ở Yên Bái vẫn còn những cái chết thương tâm do bị chó dại cắn.

Tiêm phòng cho động vật cũng là một biện pháp hiệu quả giảm thiểu nguy cơ phát bệnh dại.
Tiêm phòng cho động vật cũng là một biện pháp hiệu quả giảm thiểu nguy cơ phát bệnh dại.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dậu – Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm - Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Mỗi năm Yên Bái có khoảng 1.000 ca bị chó, mèo cắn nhưng chỉ có gần 700 ca đi tiêm phòng. Từ năm 1999 - 2010 có 59 trường hợp tử vong, 3 tháng đầu năm 2011 có  2 trường hợp tử vong do bệnh dại.

Nguyên nhân là do còn nhiều người nhận thức chưa đầy đủ về sự nguy hiểm của bệnh dại, dẫn đến chủ quan không đi tiêm phòng. Có người bị chó, mèo dại cắn còn đến các thầy lang để điều trị bằng thuốc nam. Nguy hiểm hơn có những bệnh nhân sau khi tiêm vắc xin phòng dại, còn uống các loại thuốc không theo quy định của bác sĩ dẫn đến vắc xin mất tác dụng. Mặt khác, một bộ phận người dân còn khó khăn về kinh tế nên không có đủ điều kiện đi tiêm phòng.

Thực tế, bệnh dại thường bùng phát từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Bệnh dại chủ yếu do động vật có vú mang vi - rút truyền vào cơ thể người bằng các vết cắn, cào xước hay liếm trên da bị thương. Mồm há, nước dãi chảy, tai rủ, đuôi cụp, giọng khàn… là dấu hiệu bệnh dại ở chó. Còn sợ nước, sợ gió, đau đớn, sùi bọt mép… là những biểu hiện của người lên cơn dại, do bị súc vật dại cắn.

Hiện tại, bệnh dại vẫn có những diễn biến phức tạp tại Lục Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái và một số huyện khác như: Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn. Do chưa giải quyết được ổ dịch bệnh dại trên đàn chó nên nguy cơ tái bùng phát dịch trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái còn rất cao.

Đến nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc điều trị nên khi đã lên cơn dại thì nguy cơ tử vong là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, khi bị chó, mèo cắn, bệnh nhân cần nhanh chóng vệ sinh vết thương bằng cách rửa nhiều lần bằng nước xà phòng đặc sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát khuẩn bằng cồn, tuyệt đối không được băng kín vết thương và lập tức đưa đến cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời. Nếu vết cắn nặng, gần thần kinh trung ương (đầu, mặt, cổ, đầu các chi…) cần tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt. Nếu vết cắn nhẹ và xa thần kinh trung ương thì tiêm vắc xin phòng dại và thôi tiêm nếu ngày thứ 15 súc vật cắn vẫn sống bình thường.

Mục đích của việc tiêm huyết thanh kháng dại là làm tăng hiệu quả tiêm vắc xin phòng dại. Trong trường hợp bị súc vật cắn nặng, vết cắn gần thần kinh trung ương, thời gian ủ bệnh ngắn, huyết thanh kháng dại có tác dụng kéo dài thời gian ủ bệnh, để có đủ thời gian sản sinh ra kháng thể chủ động do tiêm vắc xin. Dùng huyết thanh càng sớm càng có hiệu quả cao (tốt nhất là trước 24 giờ. Sau 7 ngày mới tiêm thì huyết thanh không còn tác dụng).

Hiện nay, ngoài Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh mới chỉ có Trung tâm Y tế Lục Yên và Trung tâm Y tế thị xã Nghĩa Lộ có chức năng tiêm phòng bệnh dại. Thực trạng trên đã gây khó khăn và nguy hiểm đến tính mạng của những người bị súc vật dại cắn. Bởi lẽ người dân ở các địa phương khác bị súc vật dại cắn phải mất nhiều thời gian mới đến được điểm tiêm. Đã vậy, theo quy trình điều trị, người dân phải tiêm đủ 5 mũi trong vòng 4 tuần nên rất tốn kém cho chi phí đi lại, ăn ở…

Trong khi đó, phí tiêm phòng cao (trung bình từ 800 - trên 1 triệu đồng/bệnh nhân). Vì vậy, một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn ngại đi tiêm phòng, phó mặc tính mạng cho sự may rủi. Công tác tuyên truyền mặc dù đã được đẩy mạnh nhưng chưa làm thay đổi được nhận thức của người dân vì vậy vẫn còn tồn tại tư tưởng chủ quan, lơ là trong việc tiêm phòng dại khi bị chó, mèo cắn.

Nhằm giúp người dân hiểu rõ cách phòng, chống dịch từ súc vật dại, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cùng với các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố, các ban, ngành liên quan và các xã trong tỉnh không ngừng tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh dại như: không ăn thịt, không giết mổ chó ốm, khi bị chó cắn phải đến ngay các cơ sở y tế để tiêm phòng, đồng thời tổ chức tốt việc tiêm huyết thanh kháng dại hoặc vắc xin phòng bệnh dại cho các đối tượng có nguy cơ cao.

Bích Thuý

Các tin khác

Tuần lễ Toàn cầu hành động Giáo dục cho mọi người tại Việt Nam năm 2011 sẽ diễn ra từ ngày 2-5 đến 8-5 với chủ đề: “Giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái thiệt thòi”.

YBĐT - Trong các ngày từ 18-23/4/2011, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng bầu cử cho trên 70 nữ ứng cử viên lần đầu tham gia ứng cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Huyện Lục Yên thực hiện nghiêm túc cuộc vận động cán bộ, đảng viên, công chức gương mẫu đi đầu không uống rượu, bia trong giờ và ngày làm việc.

YBĐT - Đến Lục Yên thời điểm này, từ các cơ quan, đơn vị cấp huyện đến các xã, thị trấn và nhân dân các dân tộc trong huyện, ai ai cũng ủng hộ và hưởng ứng chủ trương của tỉnh về việc vận động cán bộ, đảng viên, công chức gương mẫu đi đầu không uống rượu, bia trong giờ và ngày làm việc.

YBĐT - Huyện Văn Chấn vừa tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch hoạt động Dự án “Phát triển thị trường vệ sinh” giai đoạn 2011 - 2013.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục