Gia tăng bệnh nhân mắc tay chân miệng
- Cập nhật: Thứ năm, 8/9/2011 | 8:33:17 AM
Bộ Y tế Việt Nam và Tổ chức Y tế Thế giới phối hợp chặt chẽ trong việc xác định nguyên nhân của sự tăng cao bất thường về số mắc và tử vong.
Số người mắc bệnh tay chân miệng ở mức rất cao .
|
Ngày 7/9, Bộ Y tế Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới sau khi họp bàn và đã ra Thông cáo chung giữa Bộ Y tế Việt Nam và Tổ chức Y tế Thế giới về tình hình dịch tay chân miệng.
Theo thông cáo, từ đầu năm 2011 đến ngày 4/9/2011, trên toàn quốc đã ghi nhận 42.673 trường hợp mắc, trong đó có 98 trường hợp tử vong. Trên 3/4 số trường hợp tử vong là trẻ em từ 0-3 tuổi.
Việt Nam đã triển khai các biện pháp phòng chống với nỗ lực giảm sự lây nhiễm bệnh tay chân miệng trong cộng đồng. Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo chính quyền tất cả các tỉnh, thành phố, các Bộ liên quan tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dịch tay chân miệng. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh tay chân miệng, hướng dẫn điều trị bệnh tay chân miệng và triển khai tại các cơ sở y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: "Số trường hợp mắc có thể gia tăng trong những tháng tới khi các trường mầm non, mẫu giáo bắt đầu khai giảng”.
Bệnh tay chân miệng là bệnh do virus gây ra chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi và có thể xảy ra đối với người lớn. Virus thường gây sốt, đau họng và mụn nước ở bàn tay, bàn chân. Bệnh thường ở mức độ nhẹ và hồi phục trong vòng 7-10 ngày. Bệnh do virus đường ruột gây ra (EV). Một trong các chủng gây bệnh là EV71 có thể gây các biến chứng nặng như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp. Tại Việt Nam, tình hình dịch tễ học bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp, EV71 chiếm gần 50% số trường hợp xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh tay chân miệng.
Virus gây bệnh tay chân miệng có thể lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với virus tiết ra từ dịch mũi, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng, phân bệnh nhân hoặc người lành mang trùng. Virus thường lây truyền qua bàn tay và tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm bẩn. Người bị nhiễm virus thường dễ truyền bệnh cho người khác trong tuần đầu mắc bệnh. Virus gây bệnh tay chân miệng có thể tồn tại trong cơ thể một vài tuần sau khi hết các triệu chứng của bệnh. Điều này có nghĩa là người bệnh sau khi đã phục hồi sức khỏe trong thời gian đầu vẫn có thể làm lây truyền bệnh cho người khác.
Nhìn chung, bệnh tay chân miệng ghi nhận ở hầu hết các tỉnh, thành phố nhưng tập trung chủ yếu ở các tỉnh khu vực miền Nam và miền Trung. Số trường hợp mắc có xu hướng tăng cao vào các từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12.
Ngành Y tế đã triển khai 84 lớp tập huấn về giám sát, phòng chống bệnh tay chân miệng cho cán bộ y tế dự phòng tuyến tỉnh, tuyến huyện, xã và cho các giáo viên mầm non. Chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng cũng đang được tập trung triển khai.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng với Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC) đang phối hợp với Cục Y tế dự phòng trong các hoạt động phòng chống bệnh dịch.
TS. Graham Harrison, Quyền trưởng đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu: “WHO và USCDC đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc xác định nguyên nhân của sự tăng cao bất thường về số mắc và tử vong do bệnh tay chân miệng đồng thời điều tra các đặc điểm dịch tễ học của bệnh tay chân miệng tại Việt Nam.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
YBĐT - Phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo” do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động đã thu hút đông đảo đồng bào công giáo trên địa bàn huyện Lục Yên nhiệt tình hưởng ứng.
YBĐT - Ngày xưa, chỉ khi gần đến Tết Trung thu người ta mới làm đèn kéo quân, làm ông tiến sỹ giấy, các loại đèn ông sao, đèn xếp, đầu sư tử, trống, mặt nạ hoặc những đồ chơi khác...
Ngày 6-9, Bộ Y tế có công văn số 5466/BYT-PC gửi các cơ quan báo chí, cho biết Cục Quản lý dược đã cấp phép nhập khẩu tiền chất PSE trong thời gian qua là chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật.