Tết của Đồng bào Thái ở Nghĩa An
- Cập nhật: Thứ ba, 3/1/2012 | 2:42:51 PM
YBĐT - Khi những làn mưa bụi lất phất bay, cũng là lúc những cành hoa ban, hoa đào đua nhau đâm chồi, nảy lộc, báo hiệu một mùa xuân mới đang về, chúng tôi có dịp trở lại Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) - nơi có trên 90% đồng bào Thái sinh sống để tận mắt chúng kiến một cái tết no ấm và ý nghĩa.
Hạn Khuống - nét văn hóa truyền thống của đồng bào Thái.
|
Tết Nguyên đán không phải là tết chính của người Thái vùng Mường Lò nói chung và người Thái Nghĩa An nói riêng, song không biết chính xác từ bao giờ tết Nguyên đán được coi như là tết chính giống như tết Xíp xí vậy. Từ đó, đồng bào Thái cùng vui đón tết theo người Kinh thể hiện tinh thần anh em một nhà, cùng vui với niềm vui chung mỗi khi tết đến, xuân về. Vào đêm giao thừa, người Thái Nghĩa An quan niệm đây là dịp thể hiện lòng thành kính nhất đối với các thần linh và tổ tiên.
Bởi vậy sắp đến giờ giao thừa thì Chẩu Mường (Chúa Mường) sẽ đánh trống, chiêng báo hiệu và sau đó sẽ là tiếng chiêng trống của các bản làng, nếu bản làng nào đánh trước sẽ bị phạt. Về lễ cúng trong đêm giao thừa, khác với văn hóa của người Kinh là phải có gà để cúng thì người Thái thay bằng lợn, đó có thể là cả một con lợn nhỏ hoặc lợn to thì sắp lễ gồm thủ lợn, đuôi và chân.
Người Thái cũng đốt hương thắp các hướng của nhà để cảm ơn thần linh đã phù hộ cho gia đình trong năm cũ. Bà Hoàng Thị Phượng ở bản Đêu 2, xã Nghĩa An cho biết: “Điều đặc biệt vào đêm giao thừa, người Thái có một phong tục rất đặc sắc đó là tục lấy nước mới, trước giao thừa một vài phút những người lớn trong gia đình hoặc cô gái, chàng trai sẽ ra đầu nguồn nước của bản để lấy nước với tâm niệm lấy nước trước con rồng (tiếng Thái gọi là: Au nặm cón luống) để đem về nhà với nhiều lộc như nguồn nước mát và một năm mới may mắn và thuận lợi.
Các cô gái thì rửa mặt để xinh đẹp hơn còn các chàng trai sẽ uống nguồn nước đó để khoẻ mạnh cường tráng và tài giỏi hơn. Giờ đây, tục lấy nước vẫn được duy trì nhưng nguồn nước ở các thôn bản không còn nhiều và được thay thế bằng giếng nước của mỗi gia đình”.
Ngày trước người Thái thường nghỉ chơi xuân với thời gian kéo dài hơn một tháng, từ tết Nguyên đán đến Rằm tháng Giêng để tổ chức các trò chơi dân gian và lễ hội, sau đó 20 ngày lại vui chơi lễ hội Hang Thẩm Lé. Vào khoảng 13 - 14/1 (Âm lịch) thường tổ chức lễ hội Xên Mường (Cúng Mường), sau đó là lễ hội Xên bản (Cúng bản), tiếp đó là lễ hội Xên Đông (Cúng rừng) lễ hội này gần như năm nào cũng được tổ chức.
Về các trò chơi, nam thanh nữ tú thích chơi ném còn, leo cột mỡ, các bà, các mẹ thì chơi Tó mắc lẹ, người trung tuổi chơi đẩy gậy, bắn nỏ, trẻ con thì chơi leo cầu khỉ, kéo co... Nét văn hoá mang tính cộng đồng không thể thiếu đó là đêm hội xòe bập bùng ánh lửa.
Bà Điêu Thị Xiêng - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa An, nghệ nhân dân ca duy nhất của xã cho biết: “Gần như bản làng nào của người Thái cũng có một đội múa xoè. Những thiếu nữ Thái với áo cỏm mềm mại, váy nhung huyền tràn căng sức trẻ, thướt tha như bước ra từ trong truyện cổ tích. Những điệu xoè cổ còn lưu truyền nơi đây như đưa ta về thủa hồng hoang. Câu hát mời gọi đưa nhịp chân du khách cuốn vào vòng xoè. Bên đống lửa hồng, đôi má em gái Thái hây hây, tay trong tay múa xòe, cả đất trời uyển chuyển, đắm say trong vòng xoè bất tận.
Không khí lễ hội đầu xuân đã đến với những nhịp xòe nồng say rộn ràng ánh lửa, những vò rượu cần thơm lừng mời gọi. Đây đó vang lên những điệu khèn, điệu pí hay những làn điệu dân ca như: bài “Xống trụ xôn xao”, (Tiễn dặn người yêu) chuyện kể bản mường làm say đắm lòng người khiến người nghe muốn tìm về cội nguồn câu hát.
Trần Minh
Các tin khác
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, từ 1/1/2012, tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động và doanh nghiệp sẽ tăng 1% so với năm 2011.
Không khí lạnh tăng cường sẽ gây rét đậm nhất tại Bắc Bộ kể từ đầu mùa rét đến nay. Theo đó, nhiệt độ ban ngày tại Hà Nội có thể xuống tới 10 độ C - chuyên gia khí tượng thuỷ văn cho biết.
Theo quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục đến năm 2020 Bộ Giáo dục – Đào tạo vừa ban hành, dự báo, nhu cầu nhân lực của giáo dục mầm non đến năm 2020 khoảng 240.000 người (trong đó có 33.000 cán bộ quản lý, 159.000 giáo viên, 48.000 nhân viên).
YBĐT - Các em học sinh bán trú ở điểm trường Trung Tâm của Trường Tiểu học Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái)) đón nhận một niềm vui lớn ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2012. Từ nay, các em sẽ được ăn, ở trong những căn phòng khang trang, sạch, đẹp. Đó chính là món quà ý nghĩa của tập thể cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Yên Bái trao tặng.