Giữ vững vị trí hàng đầu

  • Cập nhật: Thứ ba, 31/1/2012 | 3:13:17 PM

YBĐT - Khi những đóa hoa cúc quỳ nở vàng rực trên các triền núi cao thì cũng là thêm một mùa xuân nữa em Giàng A Sông, học sinh lớp 8, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Bản Công (Trạm Tấu) đón tết cùng thầy, cô giáo và các bạn ở trường. A Sông đã vượt qua quãng đường 60 cây số từ nhà ở xã Làng Nhì để đến trường.

Một giờ học của các cháu lớp mẫu giáo 3 tuổi Trường Mầm non Bông Sen, xã Túc Đán (Trạm Tấu).
(Ảnh: Quỳnh Nga)
Một giờ học của các cháu lớp mẫu giáo 3 tuổi Trường Mầm non Bông Sen, xã Túc Đán (Trạm Tấu). (Ảnh: Quỳnh Nga)

Trong xã Làng Nhì còn có 3 bạn khác cũng đang học tập ở đây với A Sông. Ngoài việc học tập, A Sông cùng các bạn tham gia hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống. A Sông cho biết: “Một năm, thường em chỉ về nhà từ một đến hai lần, bố mẹ em ít có điều kiện lên thăm ở trường. Em được các thầy, cô luôn quan tâm, chăm sóc nên cũng thấy đỡ nhớ nhà. Em sẽ cố gắng học tập thật giỏi để sau này phục vụ cho quê hương Trạm Tấu”.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Bản Công hiện có 597 học sinh theo học cấp tiểu học và trung học cơ sở, trong đó bậc tiểu học có 363 em, bậc trung học cơ sở 234 em và 100% học sinh đều là con em đồng bào Mông. Đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, địa bàn dân cư thưa thớt, giao thông cách trở, gây khó khăn cho việc đi lại của học sinh.

Trong những năm qua, nhà trường là một trong những đơn vị sớm triển khai mô hình bán trú, tạo điều kiện tốt nhất cho các em học sinh yên tâm học tập. Học sinh của trường là con các hộ nghèo hiện được hưởng mức trợ cấp theo Quyết định 112 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài các chính sách hỗ trợ chung của Nhà nước, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã tích cực phát huy nội lực, huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho công tác giáo dục - đào tạo ở địa phương.

Cùng các hoạt động chính khóa, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, thu hút học sinh tham gia hoạt động tập thể để thêm gắn bó với trường, với thầy cô như thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, thi trang phục đẹp, thi gấp chăn màn.

Vào cuối tuần, các thầy, cô giáo cùng học sinh trồng rau để cải thiện bữa ăn cho các trò. Nhà trường đã huy động nhân dân ở 5 thôn trong xã đào xả đất, đá, san tạo khu vườn trồng rau rộng hàng trăm mét vuông; khu chăn nuôi cũng được kiên cố hóa, tăng thêm nguồn thực phẩm tươi sống tại chỗ; kho dự trữ thực phẩm thường xuyên có trên 1 tấn bầu, bí.

Thầy giáo Trần Văn Cường - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Bản Công cho biết: “Nhà trường tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục đào tạo đồng thời huy động mọi nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi nhất về vật chất cũng như tinh thần giúp học sinh yên tâm học tập, rèn luyện. Các em phải tự túc gạo, thực phẩm; nhà trường tổ chức tăng gia, hỗ trợ tất cả nguồn rau xanh và các đồ gia vị, khẩu phần ăn tối thiểu có một bữa cá hoặc bữa thịt mỗi tuần. Nhà trường hiện đã huy động được dự án của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới xây dựng cơ sở vật chất như tường rào, bếp ăn, phòng ngủ cho học sinh. Ngoài ra, còn có nhiều tổ chức thường xuyên ủng hộ về vật chất để giúp đỡ học sinh nhà trường”.

Những năm qua, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú xã Bản Công đã huy động tối đa học sinh trên địa bàn ra lớp, tỷ lệ học sinh chuyên cần ngày càng nâng cao: bậc tiểu học là 95% - 98%, bậc trung học cơ sở từ 85% - 90% trong khi tỷ lệ này trước đây chỉ duy trì dưới 50%.

 Ông Trần Văn Sa - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu cho biết: “Phong trào xây dựng trường, lớp học bán trú xuất hiện tự phát ở địa phương từ những năm 1990. Sau 5 năm thực hiện phong trào này đã đem lại hiệu quả thiết thực, nhiều  em có hoàn cảnh gia đình khó khăn được giúp đỡ, có điều kiện học tập, nay trở thành cán bộ có năng lực của địa phương. Từ đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo tất cả các trường xây dựng mô hình bán trú. Đến nay, ở 10 xã của huyện Trạm Tấu đều có mô hình trường bán trú, trong đó nổi bật nhất là Trường Phổ thông Dân tộc bán trú xã Bản Công. Nhà trường đã xây dựng được cơ sở vật chất khang trang, phục vụ tốt việc giảng dạy,học tập, sinh hoạt cán bộ, giáo viên và học sinh. Chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường ngày càng nâng cao, thu hút nhiều con em của các địa phương khác tới học tập, rèn luyện”.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú xã Bản Công đang tiếp tục đầu tư san tạo thêm một vườn rau, huy động các nguồn lực đầu tư để mở rộng khu nhà ở đồng thời nâng cấp trang thiết bị phục vụ học tập, sinh hoạt của học sinh bán trú. Mới đây, nhà trường đã hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận là trường phổ thông dân tộc nội trú. Đây cũng là cơ sở để nhà trường tiếp tục phấn đấu đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia, giữ vững vị trí hàng đầu của ngành giáo dục và đào tạo vùng cao Trạm Tấu.

Nguyễn Thanh Nghị

Các tin khác
Nhiều học sinh, giáo viên trong khu vực điều chỉnh giờ học giờ làm vẫn chưa nắm được nội dung của phương án đổi giờ học giờ làm mà thành phố đưa ra.

Bắt đầu từ ngày 1/2, Hà Nội sẽ đổi giờ học, giờ làm. Nhưng đến thời điểm này, thông tin cụ thể về việc đổi giờ học giờ làm, đặc biệt là giờ học đang gây nhiều lo lắng cho các bậc phụ huynh.

Truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại xã Nghĩa An.

YBĐT - Năm 2011, Trung tâm Y tế thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền nhiều giải pháp cụ thể để đẩy mạnh công tác xã hội hóa phòng, chống HIV/AIDS.

YBĐT - Thực hiện Quyết định 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2008 đến nay, huyện Yên Bình đã hoàn thành 449 nhà ở cho hộ nghèo, trong đó riêng năm 2011 đã thực hiện được 149 nhà.

Theo báo cáo của Bộ Y tế được tổng hợp nhanh từ 23 bệnh viện và 51 Sở Y tế, trong 3 ngày Tết Nguyên đán (từ mùng 1 đến mùng 3), đã có 87.541 bệnh nhân đến khám, trong đó, 30.409 trường hợp cấp cứu do tai nạn (chiếm 34,7% số trường hợp đến khám).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục