Khó khăn trong công tác phòng chống bệnh dại ở Lục Yên

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/2/2012 | 3:03:29 PM

YBĐT - Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Lục Yên (Yên Bái), năm 2011, toàn huyện có 415 người đến khám do tiếp xúc với chó mèo nghi dại và bị chó, mèo cắn. (Hầu hết những con chó, mèo này chưa được tiêm vắcxin phòng dại).

Trong đó chỉ có 233 người điều trị dự phòng, còn lại do nhiều nguyên nhân mà không đến Trung tâm Y tế để tiêm phòng. Qua tìm hiểu, được biết nhiều người vẫn còn tin vào những ông thầy lang, tin thuốc nam có thể chữa được bệnh dại, trong khi chỉ có tiêm vắcxin phòng bệnh dại mới là cách duy nhất để giữ được mạng sống con người đã mang trong mình vi rút dại.

Huyện Lục Yên là địa bàn có bệnh dại lưu hành phổ biến, đặc biệt là ở xã Vĩnh Lạc, Minh Tiến, Liễu Đô, Mai Sơn, Minh Xuân, Thị trấn Yên Thế. Nguyên nhân tử vong do bệnh dại theo ông Hoàng Văn Hơn - Phó giám đốc Trung Tâm Y tế huyện thì người dân vẫn còn chủ quan, thiếu hiểu biết và chưa có những chuyển biến trong nhận thức về những nguy hiểm của bệnh dại nên khi bị chó cắn thường chủ quan không tiêm phòng, hoặc chỉ tìm các ông thầy lang để "xét nghiệm", trường hợp quá nặng mới đưa vào bệnh viện điều trị dẫn đến những cái chết đáng tiếc. Khó khăn nữa là mỗi liều vắcxin phòng bệnh dại hết từ 1 – 1,5 triệu đồng/người. Đây là số tiền khá lớn đối với đồng bào vùng cao, vùng sâu vùng xa, do đó có người muốn tiêm, song cũng không có đủ khả năng, đành phó mặc cho số phận”.

Ngoài ra việc tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó mèo cũng gặp không ít những khó khăn do người nuôi chó còn chủ quan. Họ nuôi chó, song không chăm sóc, không gần gũi, không nuôi nhốt nên khi cán bộ thú y đến thì chính người chủ nuôi chó cũng không bắt được chó để tiêm phòng. Nhiều chủ hộ không chấp hành quy định nuôi chó phải nhốt, xích, chó ra đường phải có rọ mõm, phải diệt chó chạy rông và chó vô chủ, tổ chức bắt giữ, tiêu huỷ chó, mèo thả rông khi có bệnh dại xảy ra tại địa phương. Chỉ khi nào có người bị chết do tiếp xúc với chó hay bị chó cắn thì những người xung quanh mới để ý đến chuyện tiêm phòng cho chó.

 Điển hình như năm 2008, toàn huyện có trên 13 nghìn con chó, khi dịch chó dại bùng phát tại xã Mai Sơn làm chết 3 người ở thôn Sơn Trung thì năm đó cả huyện có trên 10 ngìn con chó được tiêm phòng dại (riêng xã Mai Sơn có trên 1.000 con chó được tiêm phòng). Đến năm 2009, 2010 số chó được tiêm phòng dại ngày càng giảm đi. Hiện nay, Trạm Thú y huyện Lục Yên đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêm vắcxin phòng dại cho đàn chó. Vì vậy, khi mầm dịch xuất hiện, việc khống chế không để lan ra diện rộng gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Trương Văn Khoa - Phó trưởng Trạm Thú ý huyện Lục Yên cho biết: “ Việc triển khai công tác phòng chống bệnh dại chưa được thường xuyên liên tục, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành đoàn thể. Do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế nên năm 2011 đã có 4 trường hợp tử vong do bệnh dại ”.

Được biết, 1 con chó mang vi rút dại có thể di chuyển được vài chục km từ khi phát hiện bệnh đến khi chết. Trong quá trình di chuyển đó, nó có thể điên cuồng cắn và truyền bệnh cho bất cứ ai hoặc con vật nào nó gặp trên đường trước khi chết. Có những con chó chỉ bỏ ăn, nằm một chỗ nhưng chỉ cần nước dãi của nó tiếp xúc với vết trầy xước trên cơ thể người đều có thể lây nhiễm.

Có thể nói, bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây bệnh ở động vật và người. Khi động vật mắc bệnh dại cào, cắn, liếm vào người, vi rút từ nước bọt sẽ lây truyền qua da và niêm mạc bị tổn thương. Nếu trong quá trình tiếp xúc như khi giết mổ chó, mèo bị bệnh dại, chân tay có vết trầy xước thì vi rút dại cũng sẽ qua đó thâm nhập vào cơ thể người nếu không được tiêm phòng sớm sẽ dẫn đến tử vong.

Để công tác phòng chống bệnh dại trên địa bàn đạt hiệu quả, huyện Lục Yên cần tăng cường hơn nữa về công tác truyền thông phòng, chống bệnh dại; cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các ban ngành đoàn thể. Đẩy mạnh công tác giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn chó nuôi. Không bán chạy chó mèo tại địa phương có dịch lưu hành sang địa phương khác. Cần tuân thủ quy định phải xích, nhốt, rọ mõm, tiêm phòng cho chó. Tiêu diệt chó nghi nhiễm vi rút dại, chó vô chủ chạy rông. Tuyệt đối không được tiếp súc, giết mổ chó mèo, súc vật ốm để ăn thịt.

Ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng, rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, người dân để hạn chế bệnh lây sang người. Đặc biệt khi bị chó cắn nên nặn máu ở chỗ bị cắn ra, rửa sạch vết cắn bằng chất sát trùng hoặc xà phòng, sau đó nhất thiết phải đến Trung tâm y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng. Không được thử bằng thuốc nam, không được xem bói… tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Hoài Thu 

Các tin khác

Bộ GD-ĐT cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) của BCH Trung ương Đảng và triển khai chỉ thị 6036/CT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm học 2011 – 2012, Bộ GD-ĐH tổ chức hội nghị Hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng vào ngày 14-2 tới, tại Hà Nội.

Thanh niên tình nguyện cùng nhân dân xã Nậm Có (Mù Cang Chải) làm đường giao thông. (Ảnh: Tô Anh Hải)

YBĐT - Đầu xuân Nhâm Thìn này, khắp các thôn, xóm, khu phố ở huyện Trấn Yên (Yên Bái) đều sôi nổi không khí của “Chương trình Tình nguyện mùa đông và Xuân tình nguyện 2012” do Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện Trấn Yên tổ chức.

Do chịu ảnh hưởng của lưỡi cao lạnh lục địa chi phối thời tiết các tỉnh miền Bắc nên các khu vực thuộc Bắc Bộ hôm nay và trong vài ngày tới trời nhiều mây, đêm và sáng có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù rải rác. Gió đông bắc cấp 3. Trời rét.

Bộ GD&ĐT dự kiến không áp dụng dạy thêm, học thêm đối với học sinh được nhà trường tổ chức dạy học hai buổi/ngày. Không dạy thêm cho học sinh tiểu học, trừ một số trường hợp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục