Dạy thêm học thêm ở thành phố Yên Bái: Cần có cách quản lý khoa học

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/4/2012 | 9:58:09 AM

YBĐT - Việc dạy thêm, học thêm (DTHT) không phải là xấu nhưng cách tổ chức, chất lượng dạy như thế nào, học ra làm sao thực sự rất đáng bàn.

Cô và trò lớp 2D, Trường Tiểu học Kim Đồng trong giờ học toán.
Cô và trò lớp 2D, Trường Tiểu học Kim Đồng trong giờ học toán.

Nhu cầu thực tế

Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT tỉnh Yên Bái, đến ngày 16.5.2012, học sinh tiểu học bắt đầu chính thức nghỉ hè. Như vậy, từ nay đến lúc đó, thời gian chỉ còn chưa đầy một tháng và học sinh tiểu học đang bước vào những tuần học cuối, ôn tập và kiểm tra học kỳ II.

Với khối lượng chương trình học hiện nay của học sinh tiểu học, phần lớn các em có thói quen học thuộc lòng chứ chưa có ý thức tư duy tự học. Các bậc phụ huynh luôn mong muốn con mình học tập để có kiến thức thực sự chứ không chỉ đơn giản học để thi. Do vậy, nhiều gia đình đã tìm thầy về dạy thêm cho con.

Thực tế gần một tháng nay, từ khi có quy định về việc cấm DTHT đối với học sinh tiểu học kể cả trong kỳ nghỉ hè nên các cô giáo đang tổ chức dạy thêm đều đã dừng lại. Các địa điểm tổ chức DTHT cũng không còn nhộn nhịp. Vấn đề này được nhiều phụ huynh học sinh tiểu học và dư luận xã hội đồng tình.

Tuy nhiên, ở vào thời điểm cuối năm học như thế này, điều đó đã khiến không ít  phụ huynh lo lắng. Chị Tuyết ở tổ 32, phường Minh Tân bày tỏ rằng, đã gần tháng nay, con gái chị không còn đi học thêm vì cô giáo xin nghỉ, lớp học đóng cửa. Chị thực sự lo lắng vì con năm nay học cuối cấp tiểu học, chuẩn bị lên trung học cơ sở, kiến thức ngày càng nhiều mà bây giờ nghỉ giữa chừng khiến cháu bị hẫng.

Cùng suy nghĩ ấy, chị Hằng ở tổ 6, phường Đồng Tâm chia sẻ, con trai chị đang học lớp 1, mới bắt đầu làm các phép tính toán và ghép câu. Chị đã mời cô giáo đến nhà kèm thêm để giúp cho con nắm chắc hơn các kiến thức.

Tuy nhiên, từ khi có quy định cấm DTHT, cô giáo không dám đến và con chị cũng chơi suốt, không học hành gì nữa... Giải thích về việc nghỉ dạy thêm, các cô giáo đã từng đi dạy thêm giãi bày, để học sinh nghỉ học giữa chừng như vậy cũng cảm thấy áy náy nhưng nếu cứ tiếp tục thì cũng không thể được.

Bởi nếu thanh tra Phòng GD-ĐT thành phố đi kiểm tra phát hiện ra sẽ bị lập biên bản gửi về nhà trường xử lý, nhẹ cũng chuyển việc khác, nặng thì ra khỏi ngành.

Ý kiến nhà quản lý
Bà Đặng Thị Kim Oanh - Trưởng phòng GD-ĐT thành phố Yên Bái cho biết, hiện nay, Phòng đã triển khai và thực hiện tốt Quyết định số 03 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Quyết định số 02 của UBND tỉnh, Công văn số 76 của Sở GD-ĐT tỉnh về việc hướng dẫn thực hiện quy định dạy thêm.

Theo bà Oanh, khi DTHT được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của học sinh sẽ không có gì phải bàn cãi. Nếu như việc quản lý học sinh ngoài giờ xuất phát từ yêu cầu của gia đình hoặc phụ đạo cho học sinh yếu, kém hay bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, thể thao, rèn luyện kỹ năng sống... thì rất tốt cho các em.

Điều đáng phê phán là một số giáo viên do vụ lợi đã bằng nhiều cách khác nhau ép học sinh học thêm, gây bức xúc cho phụ huynh đồng thời ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Ngọc Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng cho hay, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã ra nghị quyết nghiêm cấm giáo viên tổ chức DTHT đồng thời phải ký cam kết thực hiện.

Hàng tháng, Ban giám hiệu, Chi bộ và Hội đồng nhà trường họp kiểm tra tư cách nhà giáo gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhà trường sẽ thực hiện nghiêm túc các quyết định, hướng dẫn của Bộ, Sở và Phòng GD-ĐT thành phố về việc cấm DTHT.

Đến thời điểm này, tất cả giáo viên trong trường không tổ chức, không tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Để bảo đảm chất lượng dạy và học, nhà trường sẽ tiến hành khảo sát, phân xếp loại học sinh và giáo viên chủ nhiệm phải chịu trách nhiệm về học sinh của lớp mình.

Thời gian tới, nhà trường sẽ tổ chức mỗi tuần ba buổi chiều và mỗi buổi học hai tiếng để giáo viên chủ nhiệm ôn luyện kiến thức cho học sinh - bà Lan khẳng định.

Cũng theo bà Lan, những năm trước, DTHT được thực hiện trong nhà trường vào dịp hè theo nguyện vọng của các phụ huynh. Còn năm nay, học sinh muốn học thêm phải tự viết đơn; cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ phải ký, ghi nội dung cam kết với nhà trường về DTHT và chịu trách nhiệm thực hiện nội dung đó.

Nhà trường tiếp nhận đơn, phân loại học sinh và tổ chức dạy thêm theo nhóm trình độ (không tổ chức DTHT theo các lớp học chính khóa). Giáo viên nếu muốn dạy thêm phải có đơn đăng ký, trong đó cam kết với nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ của người giáo viên theo qui định chung và các nhiệm vụ khác do nhà trường phân công đồng thời thực hiện nghiêm túc các qui định DTHT trong nhà trường.

Trên cơ sở đó, nhà trường sẽ xét duyệt danh sách giáo viên được dạy thêm, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu phù hợp. Tất nhiên, đây cũng chỉ là dự kiến vì học sinh chưa nghỉ hè.

Quy định về cấm DTHT ở bậc tiểu học trên địa bàn thành phố Yên Bái đã và đang triển khai thực hiện nghiêm túc nhưng sự nghiêm túc ấy duy trì được bao lâu thì chưa ai có thể trả lời...

Trong khi đó, việc DTHT là một nhu cầu thực tế và có “cầu” ắt sẽ có “cung”. Nếu làm quá cứng nhắc, không phù hợp thì rất có thể, việc DTHT sẽ “biến hóa” theo những cách thức tiêu cực hơn.

Như vậy, điều đáng bàn là ngành GD-ĐT nên nghiên cứu, có biện pháp quản lý một cách khoa học để phát huy được những mặt tích cực đồng thời hạn chế mặt tiêu cực của việc DTHT.

Thanh Thủy

Các tin khác

Ban Tổ chức lễ tang và gia đình đồng chí Tiêu Đức Hội -nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn xin trân trọng cảm ơn:

Các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh.

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, tính đến 7 giờ ngày 3-5, các bệnh viện tại TP Long Khánh đã tiếp nhận cấp cứu 469 ca ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại cơ sở bánh mì Băng.

Ngày càng nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh quan tâm tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mô hình "Nhà sạch, vườn đẹp", "Nhà sạch, ngõ sạch", góp phần thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “5 có, 3 sạch” được các cấp hội phụ nữ Yên Bái triển khai trong nhiều năm qua đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi rộng khắp của hội viên, phụ nữ và nhân dân. Phong trào không chỉ tạo một diện mạo mới cho nông thôn, nâng cao chất lượng không gian sống mà còn giúp người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh tại gia đình cũng như cộng đồng.

Phường Hợp Minh trao tặng thùng phân loại rác cho các hộ nghèo, hộ khó khăn.

Vài tháng nay, người dân thành phố Yên Bái đã thực hiện phân loại rác tại hộ gia đình, kể cả những hộ trong ngõ xóm. Người dân không chỉ phân loại rác đúng cách mà còn biết cách tái chế và tận dụng tối đa các loại rác tái chế như chai lọ, giấy báo và vỏ hộp...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục