Động đất 7 lần tấn công liên tiếp Bắc Trà My

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/9/2012 | 8:15:13 AM

Chỉ trong vòng 13 giờ đồng hồ, từ đêm 22 cho đến trưa 23/9, đã xảy ra 7 trận động đất tại khu vực Bắc Trà My, gần xấp xỉ bằng số trận động đất xảy ra trong vòng gần 300 năm qua…

Trận động đất đầu tiên xảy ra vào khoảng 22 giờ đêm 22/9, với dư chấn tương đối nhẹ. Sau đó, liên tục xảy ra 3 trận động đất nữa, trong đó có những trận làm lắc lư đồ vật trong nhà.

 

Theo Trung tâm cảnh báo động đất sóng thần, Viện Vật lý địa cầu, vào hồi 10 giờ 57 phút sáng nay 23/9, lại có một trận động đất có độ lớn 4.1 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (15.358 độ vĩ Bắc, 108.069 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 6 km. Chấn tâm cách đập thủy điện Sông Tranh 2 khoảng 7km.

 

Theo đánh giá động đất gây nên rung động cấp VI (theo thang MSK-64) ở khu vực gần thị trấn Bắc Trà My và lân cận, tỉnh Quảng Nam.

 

Còn theo bản tin thời sự 19h của VTV1, trước và sau 11 giờ trưa nay 23/9, hai trận động đất có dư chấn lớn nhất từ trước đến nay từng xảy ra trên địa bàn này lên tới 4,8 độ richter khiến người dân ở các khu vực khác cũng cảm nhận được dư chấn của các trận động đất này, làm lắc lư và rơi một số đồ vật.

 

Hiện chính quyền địa phương đã phải tập trung để hướng dẫn người dân cách ứng phó với thảm họa động đất.

 

Theo báo cáo của UBND huyện Bắc Trà My, các trận động đất đã làm nứt tường, nền nhà, hư hỏng trần của 17 nhà dân và 3 trụ sở công cộng, chủ yếu ở các khu tái định cư.

 

300 năm chỉ có… 8 trận động đất

 

Theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu, từ năm 1715 đến năm 2003 (trong gần 300 năm và trước khi có thủy điện Sông Tranh 2) tại khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2 và lân cận chỉ xảy ra có 8 trận động đất.

 

Theo số liệu này, ở khu vực Bắc Trà My trước khi có thủy điện Sông Tranh 2, mức độ hoạt động đất là không cao nhưng cũng đã có động đất xảy ra. Trong số này, trận động đất ngày 25/7/1957 có độ lớn M=4,8 độ richter gây nên chấn động cấp 6 là trận lớn nhất quan sát được.

 

Trong khi đó, từ ngày 7/9 đến ngày 12/9, đoàn cán bộ của Viện Vật lý địa cầu và Viện Địa chất do TS. Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát, đánh giá về hoạt động động đất cũng như tác động của chúng ở khu vực Bắc Trà My và lân cận.

 

Kết quả cho thấy, tổng hợp số liệu ghi được tại các trạm địa chấn quốc gia và các số liệu máy gia tốc đặt ở khu vực đập thủy điện cho thấy, từ ngày 3/11/2011 đến ngày 7/9/2012, đã ghi nhận được cả thảy 59 trận động đất ở khu vực Bắc Trà My và lân cận. Tuy nhiên, theo đoàn công tác, số trận động đất trong thời gian này thực tế là lớn hơn, vì các máy không ghi được đầy đủ.

 

Theo TS Lê Huy Minh, đoàn công tác cũng đã đối sánh số liệu mực nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 từ tháng 1/2011 đến 7/9/2012 với số liệu các trận động đất ghi nhận được từng tháng, từ tháng 11/2011 đến nay. Từ số liệu mực nước cho thấy, các tháng mức nước ở độ cao cực đại có khá nhiều động đất xảy ra, tuy nhiên tới đầu tháng 9/2012, khi hồ đã ở mực nước chết, cũng vẫn có khá nhiều động đất xảy ra.

 

Do vậy, theo TS Lê Huy Minh, thực tế chuỗi số liệu về hoạt động động đất và độ cao mực nước chưa đủ dài để khẳng định mối liên quan giữa mực nước tích với tần suất và độ lớn của hoạt động động đất.

 

Động đất có thể mạnh hơn, nhưng không quá cấp 6

 

Từ những kết quả nêu trên, Viện Vật lý địa cầu đã đưa ra kết luận rằng, các trận động đất xảy ra trong thời gian gần đây ở khu vực Bắc Trà My được tái khẳng định là động đất kích thích liên quan tới việc tích nước hồ thủy điện Sông Tranh 2.

 

Kết luận cũng cho thấy, các vùng chấn động cực đại của các trận động đất lớn nhất đã xảy ra trong thời gian gần đây ở khu vực Bắc Trà My đều không vượt quá cấp 6 (thang chấn động MSK64 - thang 12 cấp) và kéo dài theo phương tây bắc – đông nam, bao gồm cả khu vực đập thủy điện.


Đặc biệt, Viện Vật lý địa cầu khẳng định, trong thời gian tới, tại khu vực Bắc Trà My và lân cận, động đất kích thích vẫn tiếp tục xảy ra, thậm chí có thể mạnh hơn, nhưng khó có thể vượt quá giá trị động đất cực đại đã đánh giá M=5,5 độ richter.

 

Trước thực trạng này, Viện Vật lý địa cầu vừa có kiến nghị, đề nghị chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 là Tập đoàn điện lực Việt Nam lắp đặt bổ sung thêm 2 máy gia tốc đặt ở ngoài xa khu vực đập để có số liệu gia tốc nền khu vực đập và phối hợp với Viện Vật lý Địa cầu triển khai ngay việc lắp đặt các trạm quan sát động đất khu vực Bắc Trà My và lân cận.

 

Viện cũng đề xuất cần thiết phải nghiên cứu chi tiết và toàn diện hơn về quy luật biểu hiện động đất và các điều kiện địa chất kiến tạo khu vực Bắc Trà My và lân cận, đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố này tới ổn định đập thủy điện Sông Tranh 2, làm cơ sở cho việc vận hành an toàn công trình này.

 

Theo Tiến sĩ Lê Huy Minh, hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt Đề tài nghiên cứu và giao cho Viện Vật lý Địa cầu chủ trì thực hiện.

 

(Theo VnMedia)

Các tin khác

YBĐT - Tối 21/9, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái tổ chức hội thi “Phụ nữ với pháp luật” năm 2012.

Ngày 21-9, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, chính thức phát lệnh triển khai cấp Chứng minh nhân dân (CMND) mẫu mới (ảnh) trên địa bàn quận Hoàng Mai, quận Tây Hồ và huyện Từ Liêm (Hà Nội).

Trung tướng Phạm Quý Ngọ (bìa phải) kiểm tra công tác cấp CMND theo mẫu mới

Sáng 21-9, tại Hà Nội, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) đã tổ chức lễ triển khai cấp chứng minh nhân dân theo công nghệ mới.

Người dân xã Sông Trà, H.Hiệp Đức (Quảng Nam) đang lo lắng khi biết thông tin, 84 trường hợp đang cai nghiện ma túy tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội (GDLĐXH) Quảng Nam đã trốn trại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục