Giáo dục mầm non Văn Chấn: Nhu cầu thừa, điều kiện thiếu

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/7/2013 | 8:49:49 AM

YBĐT - Chỉ còn hơn một tuần nữa là học sinh toàn tỉnh Yên Bái bước vào năm học mới. Vài năm học trước, để vận động các cháu nhà trẻ, mẫu giáo đến trường, nhiều giáo viên các trường mầm non ở Văn Chấn phải vã mồ hôi hột đi vận động, chiêu sinh. Thế mà giờ đây, những cảnh chen lấn, xô đẩy để kiếm được một bộ hồ sơ xin cho con em mình vào lớp mầm non giống như cảnh ở các thành phố lớn đã không còn hiếm.

Buổi học của các cháu mẫu giáo Trường mầm non Sơn Thịnh.
Buổi học của các cháu mẫu giáo Trường mầm non Sơn Thịnh.

Toàn huyện có trên  15.000 học sinh trong độ tuổi mầm non nhưng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chỉ đáp ứng  21% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 82% số trẻ trong độ tuổi mẫu giáo.

Nhu cầu tăng cao

Những ngày trung tuần tháng 7, thời tiết oi bức cũng không ngăn nổi dòng người chờ đợi trước cổng Trường mầm non Sơn Thịnh để mua được hồ sơ xin cho con, cháu đi học.  Nhà trường thông báo bán hồ sơ trong 10 ngày với chỉ tiêu 102 cháu, nhưng trong đó độ tuổi từ 3 đến 4 chỉ bổ sung vỏn vẹn 17 cháu. Nhiều người chưa kịp đến đã hết hồ sơ. Bức xúc, có phụ huynh to tiếng với cán bộ, giáo viên của Trường rồi đòi lên Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) để hỏi cho ra nhẽ. 

Chậm chân một chút, bà Trần Thị Cương, thôn Thác Hoa buồn rầu:  “Bố mẹ cháu đi làm hết, tưởng như mọi năm tôi đến mua hồ sơ cho đứa cháu 2 tuổi nhưng không kịp. Năm nay không mua được thì sang năm cháu lên 3 tuổi làm sao có cơ hội, hai bố mẹ nó đều làm nông nghiệp tiền đâu mà thuê người trông. Mà tôi lo nhất là nó ở nhà chơi nghịch rồi lại xảy ra tai nạn đáng tiếc, vả lại đi học muộn sau này nhút nhát, sợ không theo kịp bạn bè”.

Là đơn vị mầm non khu vực trung tâm huyện, Trường mầm non Sơn Thịnh đã được công nhận đạt chuẩn năm 2010. Tuy nhiên, trước nhu cầu học tập của các cháu, nhà trường vẫn phải mở thêm 3 phòng tạm ở  2 khu lẻ là bản Lềnh và thôn Hà Thịnh.

Theo khảo sát nhu cầu, năm học 2013 – 2014, toàn xã Sơn Thịnh có trên 600 trẻ có nhu cầu đến trường. Nhà trường đã chủ động lập kế hoạch đề nghị Phòng GD&ĐT huyện bổ sung biên chế, hỗ trợ kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất, đồng thời vận động phụ huynh đóng góp kinh phí bổ sung trang thiết bị. Song do nhu cầu quá lớn, việc điều chỉnh cũng chỉ đáp ứng trên 70%, số còn lại đành chờ phương án chỉ đạo của cấp trên.

Theo cô Lê Thị Tư - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Thịnh: “ Nhà trường đã lập kế hoạch và được cấp ủy, chính quyền xã Sơn Thịnh và Phòng GD&ĐT huyện đồng ý về mặt chủ trương cho mở một lớp xã hội hóa tại thôn Thác Hoa 3. Nhà trường đã có phòng học tạm, nhưng việc nâng cấp, sửa chữa và mua sắm bổ sung trang thiết bị cũng lên trên 60 triệu đồng. Vì vậy, huy động kinh phí cũng như bố trí nhân lực đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhà trường đang vận động các bậc phụ huynh đóng góp nâng cấp phòng học để một số hộ có hoàn cảnh khó khăn được gửi con em vào học”.

Điều kiện không đáp ứng nhu cầu…

Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Văn Chấn, năm học 2013 – 2014, toàn huyện có trên  15.000 học sinh trong độ tuổi mầm non nhưng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chỉ đáp ứng   21% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 82% số trẻ trong độ tuổi mẫu giáo. Với đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên 687 người, so với các tiêu chí quy định hiện vẫn còn thiếu 75 giáo viên, trong khi nguồn giáo viên hiện chỉ có 40 và vẫn chưa được bổ sung. Điều kiện cơ sở vật chất càng thiếu hụt hơn: trong tổng số 245 phòng học vẫn còn 72 phòng học nhờ, học tạm các hội trường thôn và hầu hết các trường mầm non đều thiếu 1 đến 2 phòng học cùng các phòng chức năng, phòng phụ trợ khác. Một số địa phương có nhu cầu bậc học mầm non tăng cao như Thượng Bằng La, Chấn Thịnh, Cát Thịnh, thị trấn Nông trường Trần Phú, Sơn Thịnh và Nậm Búng, số cần bổ sung lên tới 4 - 5 phòng.

Theo ông Lê Quang Minh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Chấn thì: “Giải pháp tình thế, huyện Văn Chấn đã chỉ đạo các trường khảo sát cho dồn các lớp ghép, các điểm lẻ về trung tâm nhằm tiết kiệm cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Đối với các xã, thị trấn có điều kiện, khuyến khích thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục. Ngoài ra, Phòng cũng đề nghị cho tuyển thêm trẻ trong độ tuổi 3 đến 4 ở những nơi có đủ điều kiện về cơ sở vật chất”.

 

Lãnh đạo xã Sơn Thịnh và Trường mầm non kiểm tra trang thiết bị phòng học tạm tại thôn Thác Hoa.

Thực tế những năm trước , do địa bàn rộng, nhận thức của một bộ phận nhân dân về công tác giáo dục mầm non còn hạn chế nên việc huy động trẻ em ra lớp gặp rất nhiều khó khăn.  Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hỗ trợ kinh phí học tập cho các cháu vùng đặc biệt khó khăn và việc tổ chức các lớp học tại các thôn bản đã góp phần huy động trẻ em đến lớp đúng độ tuổi, duy trì phổ cập trẻ 5 tuổi.

Trước nhu cầu học bậc mầm non tăng đột biến, huyện Văn Chấn đã chỉ đạo tập trung ưu tiên việc học cho trẻ ở độ tuổi 4 đến 5 tuổi tạo tiền đề cho các cháu vào bậc tiểu học. Tuy nhiên, trước những áp lực ngày càng gia tăng số lượng các cháu trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, việc tập trung ưu tiên các cháu 4 đến 5 tuổi sẽ dẫn đến nguy cơ không hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy Yên Bái và Nghị quyết 42 của HĐND tỉnh khóa XVII đề ra đến năm 2015  là huy động trẻ dưới 3 tuổi đạt 25 – 27%, trẻ 3 - 5 tuổi đạt 85 - 88% trong và trẻ 5 tuổi đạt 99%.
  
Nhà nước và nhân dân cùng làm...

Một trong những giải pháp khả thi nhất đang được triển khai khá hiệu quả tại một số thành phố, thị xã trong tỉnh là xây dựng các trường mầm non tư thục, tăng cường xã hội hóa giáo dục mầm non. Tuy nhiên, đối với huyện Văn Chấn, việc làm này còn rất nhiều khó khăn, trở ngại, nhất là các khu vực vùng 2, vùng 3. Địa bàn rộng, điều kiện kinh tế hạn chế, trình độ dân trí không đồng đều, sẽ không có mấy phụ huynh có điều kiện đóng góp cho con vào các trường tư thục.

Việc xã hội hóa tuy kinh phí ít hơn, nhưng việc học ở các điểm lẻ, điều kiện khó có thể đầy đủ và đảm bảo như ở khu vực trung tâm, trong khi việc xem xét biên chế cho các giáo viên cũng cần sự quan tâm của Nhà nước. Mặc dù huyện Văn Chấn đã chỉ đạo các địa phương rà soát, quy hoạch quỹ đất để xây dựng bổ sung các điểm trường mầm non, tuy nhiên tìm được quỹ đất hợp lý, với nhiều địa phương, là điều không đơn giản. 

Có thể thấy, bậc học mầm non luôn có những biến động về nhu cầu học tập. Việc lập kế hoạch, bổ sung cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đòi hỏi phải có quá trình và phù hợp với cả giai đoạn. Vì vậy, trong một thời điểm nhất định nào đó không tránh khỏi áp lực thừa, thiếu ở nơi này, nơi khác. Theo kế hoạch khảo sát của ngành giáo dục huyện Văn Chấn, giai đoạn 2012 – 2015, nhu cầu, số lượng trẻ bậc học mầm non vẫn có chiều hướng gia tăng.

Để thực hiện tốt các mục tiêu Nghị quyết  số 10 của Tỉnh ủy Yên Bái và Nghị quyết 42 của HĐND tỉnh khóa XVII đề ra, các cấp, các ngành cần có kế hoạch cụ thể, phù hợp hướng dẫn chỉ đạo các trường thực hiện, tạo điều kiện tối đa cho trẻ đến lớp. Cùng với việc bổ sung biên chế, đầu tư kinh phí của Nhà nước là việc huy động nhân dân đóng góp cho con em mình để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành học mầm non nói  riêng và ngành giáo dục nói chung.

Trần Van

Các tin khác

Ngày 22/7, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định phê duyệt Đề án “Cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội giai đoạn 2013 - 2020” và giao Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội (QLHC về TTATXH) chủ trì, theo dõi, đôn đốc Công an các đơn vị, địa phương thực hiện đề án này.

Gần 30 trường ĐH, CĐ đã công bố kết quả thi tuyển sinh. Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT, hội đồng tuyển sinh chỉ nhận đơn xin phúc khảo các môn văn hóa của thí sinh trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công bố điểm thi.

Chiều 22/7, đoàn công tác của bộ Y tế do Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Trưởng Ban quản lý dự án tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cùng đại diện Viện Pasteur Nha Trang đã có buổi làm việc với lãnh đạo và các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị để tìm nguyên nhân 3 trẻ sơ sinh bị tử vong sau khi tiêm vắcxin viêm gan B tại bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Ngày 22/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao quyết định thăng cấp bậc hàm Thượng tướng cho 3 đồng chí cán bộ cao cấp của lực lượng Công an nhân dân

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục