Yên Bái chủ động đối phó với mưa lũ, ngập úng
- Cập nhật: Thứ tư, 31/7/2013 | 10:25:47 AM
YBĐT - Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua cùng với nước sông Hồng dâng cao trên mức báo động 3 đã gây ngập úng cục bộ một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Yên Bái. Hàng trăm ha lúa, ngô và hoa màu của nhân dân các huyện Văn Yên, Trấn Yên...cũng đối diện với nguy cơ mất trắng do ngập nước.
Người dân tổ 7, phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái) chủ động chuyển đồ đạc đến nơi an toàn.
|
Trên các tuyến đường Thanh Niên, Yết Kiêu phường Hồng Hà, đường Bách Lẫm - phường Yên Ninh, khu vực tổ 76 - phường Nguyễn Thái Học, thôn Cửa Ngòi - xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái… thời điểm gần 8 giờ sáng 30/7, mực nước sông Hồng dâng cao tràn lên đường đã khiến nhiều khu dân cư bị cô lập, ách tắc giao thông, hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân gặp khó khăn, nhiều diện tích hoa màu ngập chìm trong nước...
Ông Phan Văn Tần, tổ 7, phường Hồng Hà cho biết: “Bắt đầu từ 3 giờ sáng, mực nước sông Hồng dâng cao đã khiến tuyến đường này dần ngập chìm trong nước, so với mặt đường đã dâng cao khoảng 40cm”. Là địa phương bị ngập nặng nhất trên địa bàn thành phố, phường Hồng Hà có 7/9 khu dân cư bị ảnh hưởng, các tổ 1a, 1b, 2, 4a, 4b nước đều láng vào nền nhà.
Ông Ngô Kim Ngọc - Chủ tịch UBND, Trưởng ban phòng chống lụt bão (PCLB) phường cho biết: “Từ 4 giờ chiều ngày 29/7, mực nước bắt đầu dâng, đến 7 giờ 30 phút sáng nay mực nước sông Hồng ở mức 31,98m khiến hai tuyến đường trên địa bàn phường đã bị ngập hoàn toàn”.
Theo báo cáo nhanh của UBND thành phố, đến 9 giờ ngày 30/7 đã có 57 hộ dân bị ngập trong đó thôn Cửa Ngòi - xã Âu Lâu ngập 3 hộ, thôn Nhà Giát - xã Văn Tiến 5 hộ, thôn 4, 5 - xã Văn Phú 4 hộ, tổ 76- phường Nguyễn Thái Học 10 hộ, tổ 1,2,4- phố Hồng Yên - phường Hồng Hà 35 hộ. Hiện tại có 12 hộ đã di dời. Bên cạnh đó mưa lớn gây ngập úng 139 ha lúa, hoa màu tập trung tại các xã Tuy Lộc, Hợp Minh, Âu Lâu…
Mực nước trên sông Hồng đã ở mức báo động 3 nên trên địa bàn huyện Trấn Yên, theo ông Nguyễn Thành Lê -Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban PCLB huyện Trấn Yên cho biết: “Mưa lớn đã gây ngập 2 nhà dân tại xã Quy Mông, hơn 500 ha lúa tại các xã ven sông như: Nga Quán, Cổ Phúc, Việt Thành, Đào Thịnh, Y Can, Quy Mông...cũng chìm trong biển nước. Tuyến đường Yên Bái - Khe Sang bị ách tắc tại khu vực thôn 1 xã Đào Thịnh (mực nước sâu khoảng trên 1 mét)”.
Nước ngập khắp các tuyến phố của đường Thanh niên (thành phố Yên Bái). (Ảnh: Thanh Miền)
Theo dự báo của Ban chỉ huy PCLB huyện Trấn Yên, mực nước trên sông Hồng sẽ còn tiếp tục lên khoảng 50 cm nữa và ở mức này sẽ có 50 nhà dân và trên 1.000 ha lúa và hoa màu tiếp tục bị ngập úng. Tuyến đường bộ Yên Bái - Khe Sang sẽ bị ách tắc nhiều vị trí và tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai qua địa phận Trấn Yên sẽ bị ách tắc tại khu vực Đào Thịnh và Nga Quán.
Trước tình hình mưa lũ kéo dài, ngay trong đêm 29/7, ban chỉ huy PCLB các địa phương đã có công điện khẩn gửi các cơ quan, đơn vị và các xã, phường trên địa bàn yêu cầu lực lượng PCLB, đặc biệt là lực lượng vũ trang tăng cường công tác ứng trực, chủ động di dân khỏi vùng nguy hiểm. Theo ghi nhận của chúng tôi, chính quyền và người dân đã cảnh giác cao với tình hình mưa lũ, thông tin liên lạc giữa chính quyền và cơ sở được duy trì liên tục, mọi diễn biến đều được báo cáo kịp thời, nhiều nhà dân ở gần sông, suối đã chủ động chuyển lương thực và tài sản đến nơi an toàn.
Ông Nguyễn Thanh Miền - tổ 15, phường Hồng Hà cho biết: “Rút kinh nghiệm từ những mùa mưa bão trước, nhất là trận lũ lịch sử năm 2008 nên ngay khi mực nước dâng cao gần 30cm so với mặt đường, tức lúc gần 6h sáng, gia đình tôi đã chủ động chuyển hết đồ đạc lên tầng hai và chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm đề phòng nước dâng cao hơn”.
Cũng theo ông Ngô Kim Ngọc, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, phường đã nhanh chóng họp Ban chỉ huy PCLB, phân công nhiệm vụ cụ thể, trực 24/24 giờ, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ ứng cứu khi có diễn biến xấu. Cụ thể, ngoài 50 áo phao, 2 thuyền của Ban PCLB phường còn trưng tập thêm toàn bộ thuyền của các hộ dân làm nghề đánh bắt cá trên sông, liên hệ với các cửa hàng chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men sẵn sàng ứng cứu.
Trước diễn biến của thời tiết, các địa phương trong tỉnh cần tích cực theo dõi diễn biến của mưa lũ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khắc phục triệt để bệnh chủ quan; chủ động phòng, chống với phương châm “4 tại chỗ”; nghiêm cấm nhân dân vớt củi trên sông, suối, các bến đò ngang chở khách qua sông; bố trí lực lượng cảnh giới ở các đoạn đường bị ngập, ngầm tràn; kiểm tra và kiên quyết sơ tán các hộ dân nằm trong khu vực có khả năng bị sạt lở đất, ngập úng, lũ quét đến nơi an toàn.
Thời tiết vẫn đang diễn biến phức tạp, mưa ở thượng nguồn có thể tiếp diễn khiến mực nước sông Hồng tiếp tục dâng cao. Vì vậy, người dân ở gần sông, suối cần di dời đồ đạc, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men… đề phòng có thể bị cô lập. Các hộ dân gần taluy cần chủ động di dời tránh sạt lở đất… nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Nhóm P.V Kinh tế
Các tin khác
YBĐT - Trong những năm vừa qua, Hội Phụ nữ tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo hội phụ nữ các cấp tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ thực hành tiết kiệm bằng nhiều hình thức như: tiết kiệm bằng tiền mặt, tiết kiệm qua chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày, tiết kiệm chi phí sản xuất, đặc biệt là trong sử dụng các nguồn tài nguyên.
Để chấn chỉnh và tăng cường an toàn tiêm chủng, đảm bảo quyền lợi cho người dân được phòng bệnh chủ động theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc số 4619/BYT-DP gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về sử dụng vắcxin.
YBĐT - Tính đến thời điểm này, huyện Trấn Yên đang có 9 xã ven sông Hồng bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ với khoảng 500 ha lúa bị ngập úng. Lũ quét tại xã Việt Cường và Hồng Ca đã vùi lấp 1,5 ha lúa; gió lốc làm tốc mái nhà 6 hộ dân tại xã Minh Quân; giao thông trên tuyến đường Yên Bái - Khe Sang bị gián đoạn...