Xét xử Trịnh Xuân Thanh: Các luật sư phân tích chứng cứ gỡ tội

  • Cập nhật: Thứ bảy, 13/1/2018 | 9:25:24 AM

Ngày 12/1, ngày thứ năm diễn ra phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC) và đồng phạm được tiếp tục với phần tranh luận.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm tại phiên tòa.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm tại phiên tòa.

Các luật sư đã tập trung phân tích nhiều chứng cứ và đưa ra các luận điểm nhằm gỡ tội cho thân chủ của mình.

Thẩm quyền của Trịnh Xuân Thanh trong việc chỉ đạo ký Hợp đồng EPC số 33

Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, quan điểm buộc tội của Viện kiểm sát nêu rõ bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC) ký Hợp đồng EPC số 33 để PVC được nhận tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỷ đồng.

Để có tiền chi tiêu và chiếm hưởng cá nhân, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cùng Vũ Đức Thuận đề ra chủ trương và giao cho Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC), chỉ đạo Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng-Quảng Trạch) đã cùng thuộc cấp lập khống hồ sơ thiết kế, dự toán, thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán 44 hạng mục phụ trợ của Dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 rút số tiền hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành.

Số tiền này, bị cáo Trịnh Xuân Thanh chiếm hưởng 4 tỷ đồng đồng thời chiếm hưởng sử dụng chung 1,5 tỷ đồng cùng Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh Văn phòng PVC).

Về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, luật sư Nguyễn Văn Quynh, bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng, theo điều lệ của PVC, bị cáo Trịnh Xuân Thanh không có thẩm quyền chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận ký Hợp đồng EPC số 33 trái pháp luật, bởi đây là một hợp đồng có tổng giá trị rất lớn, do đó Tổng Giám đốc buộc phải thông qua Hội đồng quản trị, mà lúc đó Hội đồng quản trị PVC có tới 5 người.

Do đó, quy buộc bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận ký Hợp đồng EPC số 33 là khiên cưỡng.

Luật sư cũng cho rằng nội dung bản luận tội của Viện Kiểm sát quy kết bị cáo Trịnh Xuân Thanh quanh co chối tội là không phù hợp với Điều 13 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 về nguyên tắc suy đoán vô tội.

Luật sư cho rằng trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan điều tra và bị cáo không có trách nhiệm làm việc đó. Thậm chí nhiều bị cáo tại các vụ án khác còn được áp dụng quyền im lặng trong giai đoạn điều tra.

Tiếp tục bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, luật sư Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cho đến nay, không có tài liệu chứng cứ nào thể hiện bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo lập quỹ đối nội, đối ngoại tại PVC.

Bằng chứng là các bị cáo khác cũng khai bị cáo Trịnh Xuân Thanh không hề chỉ đạo bằng văn bản hoặc bằng miệng về việc lập quỹ này.

Về hành vi tham ô tài sản, các luật sư cũng cho rằng không có bằng chứng để chứng minh việc bị cáo Trịnh Xuân Thanh chiếm hưởng, sử dụng chung 1,5 tỷ đồng.

Viện dẫn lời khai của các bị cáo khác, luật sư trình bày, 1,5 tỷ đồng được bị cáo Lương Văn Hòa chỉ đạo người khác rút vào ngày 1/8/2011 rồi gửi vào tài khoản của cá nhân khác.

Trong đó, 1,1 tỷ đồng đã được hoàn ứng cho các nhân viên của PVC (ứng trước để lãnh đạo PVC chi đối ngoại), 400 triệu đồng còn lại đưa cho bị cáo Bùi Mạnh Hiển.

Đối với cáo buộc chiếm hưởng 4 tỷ đồng, luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh) phân tích​ lời khai về việc chuyển tiền qua lại giữa các lái xe của Trịnh Xuân Thanh và Nguyễn Anh Minh đầy nghi vấn, mâu thuẫn với lịch trình làm việc của Trịnh Xuân Thanh, nhất là vào ngày 13/1/2012 (ngày Lương Văn Hòa rút số tiền 5 tỷ đồng) bị cáo Trịnh Xuân Thanh đi công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Vai trò của bị cáo Phùng Đình Thực trong việc cấp tạm ứng cho PVC

Đối với nội dung Viện Kiểm sát cáo buộc bị cáo Phùng Đình Thực (nguyên Tổng Giám đốc PVN), mặc dù biết PVC không đủ năng lực kinh nghiệm và năng lực tài chính, nhưng vẫn chỉ đạo PVPower ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC, luật sư Hoàng Huy Được (bào chữa cho bị cáo Phùng Đình Thực) cho rằng, căn cứ để PVN kiến nghị giao cho PVC làm Tổng thầu gói thầu EPC Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là bởi thời điểm đó, PVC đã và đang thực hiện trong lĩnh vực xây lắp các Nhà máy điện Vũng Áng 1 (với tư cách nhà thầu phụ) và Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 (với tư cách là liên danh tổng thầu EPC với LILAMA).

Trong đó, dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 có công suất 750 MW đã hoàn thành vượt tiến độ và được chủ đầu tư đánh giá cao.

Ngoài ra, PVC còn thi công các công trình trọng điểm như​ Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1, Nhiệt điện Cà Mau 2, Lọc hóa dầu Dung Quất.

Phân tích thêm về nội dung này, luật sư Đinh Anh Tuấn bào chữa cho bị cáo Phùng Đình Thực, nêu dẫn chứng ngày 15/10/2010, bị cáo Đinh La Thăng đã ký Nghị quyết phê duyệt phương án thành lập liên danh tổng thầu EPC Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Theo luật sư, sở dĩ bị cáo Đinh La Thăng phải thay đổi từ PVC làm tổng thầu sang liên danh tổng thầu là bởi ngày 10/9/2010, bị cáo Phùng Đình Thực đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo các dự án nhiệt điện-than, trong đó yêu cầu Ban này xây dựng phương án liên danh tổng thầu cho Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Điều này là do bị cáo Thực nhận thấy PVC chưa có năng lực làm tổng thầu, nên cần triển khai từng bước, trước hết PVC cần tham gia vào liên danh tổng thầu. Đây là chứng cứ có giá trị gỡ tội cho bị cáo Phùng Đình Thực.

Từ những trình bày và phân tích trên, luật sư Hoàng Huy Được đã đề nghị với Hội đồng xét xử xem xét việc PVC không phải là không có đủ năng lực thi công như nhìn nhận và đánh giá của đại diện Viện Kiểm sát.

Luật sư cũng đề nghị Viện Kiểm sát xem xét lại quy buộc đối với bị cáo Phùng Đình Thực về hành vi biết PVC không đủ năng lực kinh nghiệm nhưng vẫn chỉ đạo PVPower và ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC.

Liên quan đến việc cấp tạm ứng cho PVC, Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo Phùng Đình Thực đã chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban Quản lý dự án căn cứ vào Hợp đồng EPC số 33 để cấp số tiền 6.607.500 USD và hơn 1.312 tỷ đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng không đúng mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 120 tỷ đồng.

Theo luật sư Hoàng Huy Được, tại Tòa, bị cáo Phùng Đình Thực đã khai về việc trong 4 lần PVN chuyển tiền cho Ban Quản lý Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 để tạm ứng cho PVC, có duy nhất lần thứ hai là bị cáo Thực có chỉ đạo.

Tuy nhiên, lần chỉ đạo này của bị cáo Phùng Đình Thực đã không được thực hiện và cũng không có bất kỳ ai báo cáo lại cho bị cáo Thực.

Đối với 3 lần chuyển tiền còn lại, bị cáo Phùng Đình Thực không ký, không chỉ đạo miệng nhưng việc chuyển tiền cho PVC vẫn được thực hiện.

Điều này cho thấy vai trò của bị cáo Phùng Đình Thực không có mấy ý nghĩa trong việc chuyển tiền tạm ứng cho PVC.

* Luật sư nêu quan điểm bào chữa cho ông Đinh La Thăng 

Trước đó, chiều 11-1, luật sư Nguyễn Huy Thiệp bào chữa cho ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN nêu quan điểm cho thân chủ của mình. Theo luật sư Thiệp, cáo trạng kết luận ông Thăng có vai trò chính trong việc ký hợp đồng EPC số 33 và cho PVC ứng tiền sai quy định, gây thiệt hại gần 120 tỷ đồng cho PVN là chưa chính xác. Bởi lẽ, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn gửi PVN đồng ý về nguyên tắc chỉ định thầu, giao Hội đồng quản trị PVN quyết định chỉ định thầu theo pháp luật. Do đó, PVN áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là đúng quy định pháp luật. Luật sư cũng cho biết thêm, việc ký hợp đồng EPC số 33 là do Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) ký với PVC, không cần thông qua HĐTV của PVN. Bị cáo Đinh La Thăng chỉ thừa nhận do áp lực hoàn thành nhà máy đúng tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo cấp dưới phải thực hiện đúng tiến độ, không trực tiếp chỉ đạo phải ký hợp đồng 33.

Về việc tạm ứng 1.312 tỷ đồng trái quy định cho PVC, luật sư Thiệp cho rằng các bị cáo khác không có lời khai nào thể hiện ông Thăng chỉ định ứng tiền cho PVC.

Ngày 13/1, phiên tòa tiếp tục phần tranh tụng. 
(Theo TTXVN - Nhân Dân)

Các tin khác
Tiểu phẩm “Lầm lỡ” do học sinh trường THCS Lê Hồng Phong, huyện Lục Yên biểu diễn tại chương trình ngoại khóa tuyên truyền phòng chống ma túy học đường mang đến thông điệp: Nói không với chất gây nghiện và ma túy.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền pháp luật trong trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn xã hội, hình thành ý thức, thói quen tuân thủ nội quy, quy chế cho các em.

Bị cáo Phạm Đình Cự (đứng) và Đỗ Duy Vinh (ngồi) tại phiên toà.

Ông Phạm Đình Cự (SN 1956, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên) đã bị toà xử phạt 3 năm tù cho hưởng án treo vì gây thất thoát tài sản Nhà nước hơn 10 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Từ lời trình báo của nữ kế toán bị chiếm đoạt hơn 19,9 tỷ đồng, vào cuộc điều tra, cơ quan Công an phát hiện đường dây tội phạm xuyên quốc gia, chuyên hoạt động lừa đảo, rửa tiền.

Quang cảnh khu vực nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Yên Bình.

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Quyết định số 676 ngày 12/4/2024 về xử phạt vi phạm xả nước thải vượt quy chuẩn với doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn xuất khẩu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục