Bị cáo Đinh La Thăng xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/1/2018 | 11:48:08 AM

Sáng 17-1, trước khi Hội đồng xét xử (HĐXX) nghỉ nghị án, các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng các đồng phạm nói lời cuối cùng.

Bị cáo Đinh La Thăng.
Bị cáo Đinh La Thăng.

Bị cáo Đinh La Thăng nói lời cuối cùng

Nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Đinh La Thăng là bị cáo đầu tiên được trình bày lời cuối cùng.

Bị cáo đã gửi lời cảm ơn tới Chủ toạ, HĐXX trong suốt những này qua đã điều hành phiên toà theo tinh thần đổi mới, dân chủ, công khai, khách quan theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013; cảm ơn các luật sư với tinh thần trách nhiệm cao đã đưa ra nhiều ý kiến bào chữa sắc sảo.

Bị cáo nhấn mạnh đến quá trình 35 năm công tác, trải qua nhiều đơn vị, nhiều cương vị công tác đã luôn nỗ lực cố gắng cùng tập thể đơn vị phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

"Trong công việc, bị cáo luôn làm việc hết trách nhiệm, quyết liệt, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm, làm việc không có ngày nghỉ lễ, nghỉ tết. Mỗi dịp Tết đến đều đi công trường chứ không ở nhà. Kể cả khi vợ bị cáo sinh con, bị cáo cũng đi vắng không có nhà...

Được Đảng giáo dục, rèn luyện, bị cáo luôn nỗ lực cố gắng để làm tròn trách nhiệm của mình ở một số cương vị công tác với trách nhiệm là người đứng đầu. Tuy nhiên, ở PVN xảy ra những khuyết điểm, tồn tại và cả những vi phạm mà đến hôm nay, một số người nguyên là lãnh đạo đứng trước toà để nhận trách nhiệm, nhận tội của mình.

Sau 5 năm giữ trách nhiệm đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải, bị cáo nợ nhân dân tuyến đường cao tốc Bắc Nam, Sân bay quốc tế Long Thành, tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh; nợ người dân vùng sâu vùng xa hàng nghìn cây cầu dân sinh để họ có thể đi lại được an toàn, thuận tiện.

Ở thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM), bị cáo nợ người dân khát vọng đưa thành phố trở thành "Hòn ngọc Viễn Đông" mới; nợ nhân dân  về một thành phố bình an, không trộm cắp, cướp giật, không tệ nạn xã hội và không có thực phẩm bẩn... vì tất cả mới chỉ là ý tưởng, mới chỉ bắt đầu" - Bị cáo Đinh La Thăng nói.

Đứng trước toà, nói lời cuối, đối mặt với án phạt nghiêm khắc, bị cáo Đinh La Thăng một lần nữa cúi đầu xin lỗi Đảng, Nhà nước, xin lỗi nhân dân cả nước và tập thể công nhân lao động ngành Dầu khí, ngành giao thông vận tải và người dân TP HCM.

Sau vụ án này, sắp tới, bị cáo Đinh La Thăng sẽ phải đối mặt với một án phạt khác cũng xảy ra tại PVN về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian bị cáo là Chủ tịch HĐTV từ năm 2016-2011. Do đó, bị cáo cũng mong muốn HĐXX đánh giá đúng phạm vi, bản chất sự việc, xem xét đến hoàn cảnh cụ thể của bị cáo để xử lý có tình có lý, thể hiện tính nhân văn, để bị cáo còn đủ thời gian chấp hành các án phạt.

"Mỗi vị trí, đơn vị công tác, mọi việc bị cáo còn dang dở, còn nợ nhân dân quá nhiều về những ước mơ, khát vọng mà chưa kịp làm.... Đối với bị cáo, mọi ước mơ, mọi khát vọng hầu như bị khép lại, nhưng dù bất kỳ hoàn cảnh nào, bị cáo luôn luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; tin tưởng vào đường lối xử lý công tâm, khách quan, công bằng của HĐXX " - Bị cáo Đinh La Thăng nói.

Bị cáo cũng mong muốn HĐXX, cơ quan tố tụng xem xét cho thay đổi biện pháp ngăn chặn để có điều kiện chăm sóc bố đã 87 tuổi bị mắc bệnh hiểm nghèo và được ăn một cái tết cuối cùng với gia đình, người thân.

Bị cáo cũng một lần nữa mong HĐXX xem xét cho mình được nhận trách nhiệm thay các bị cáo khác liên quan đến dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 không vì động cơ cá nhân, để các bị cáo đó hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.

Nhiều bị cáo khóc nghẹn nhận tội

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam-PVC) mong muốn HĐXX thận trọng khi xem xét tội trạng của bị cáo, đặc biệt cân nhắc những chứng cứ thực tiễn, chứng cứ vật chất và chứng cứ ngoại phạm mà không thể là những suy đoán, suy luận để buộc tội bị cáo về "tham ô tài sản".

"Trong thời gian 2 năm vừa qua, bị cáo vướng vào nhiều chuyện tạo dư luận không tốt trong xã hội, bị cáo rất hối hận và mong muốn tại phiên toà này, được chuyển lời xin lỗi, bày tỏ sự hối hận của mình tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước" - bị cáo Trịnh Xuân Thanh nói.

Khi nhắc tới hoàn cảnh gia đình khó khăn khi vợ bị cáo hiện đang nuôi 3 con nhỏ, bị cáo đã nghẹn ngào khóc và bày tỏ nguyện vọng có cơ hội được gần gũi những người thân trong gia đình.

Bị cáo Phùng Đình Thực, nguyên Tổng Giám đốc PVN trong lời cuối đã bày tỏ, trong công tác điều hành chung của Tập đoàn PVN, bị cáo luôn giải quyết công việc công khai minh bạch, không tham gia lợi ích nhóm; bị cáo không ưu ái ai, không bàn bạc riêng tư với cấp trên, không chỉ đạo riêng tư cấp dưới.

Bị cáo trình bày: "Các chứng cứ tại cơ quan điều tra cũng như chứng cứ bổ sung tại phiên toà đủ để chứng minh bị cáo không cố ý làm trái. Trong ý thức, bị cáo luôn tâm niệm việc nào đúng, việc nào sai. Trong hành động bị cáo không bao giờ thấy sai mà làm. Tuy nhiên, là Tổng Giám đốc Tập đoàn, bị cáo đã có sơ suất trong kiểm tra giám sát. Bị cáo đã tập trung giải quyết khó khăn vướng mắc trong thăm dò dầu khí, là vấn đề cốt lõi của PVN, là lĩnh vực bị cáo có thế mạnh và đạt nhiều kết quả cho ngành dầu khí và đất nước".

Bị cáo mong muốn HĐXX xem xét toàn diện, đánh giá đầy đủ chứng cứ buộc tội, chứng cứ vô tội và cá thể hoá được hành vi và trách nhiệm, xem xét xử lý công minh cho bị cáo và bị cáo khác.

"Qua quá trình xử án đã xác định rõ sự tham gia của bị cáo tương đối hạn chế. Bị cáo không tham gia đàm phán ký kết Hợp đồng EPC 33 và tạm ứng vốn cho nhà thầu. Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình, bị cáo chưa đủ bản lĩnh đấu tranh, chưa kiểm tra, giám sát, đôn đốc bên dưới, để xảy ra vi phạm. Tuy nhiên, bị cáo hoàn toàn không có tư lợi, xâm phạm tài sản của Nhà nước. Bị cáo cũng đã nhờ gia đình giúp bị cáo khắc phục một phần thiệt hại. Đó cũng là ý nguyện của bị cáo để lương tâm thanh thản, là bài học cho tất cả người khác tránh khỏi lỗi lầm như bị cáo phạm phải" - bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó Tổng giám đốc PVN trình bày.

Nguyên Tổng Giám đốc PVC, bị cáo Vũ Đức Thuận đã khóc nghẹn khi nhận trách nhiệm của mình khi để xảy ra những sai phạm tại PVC và xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác là đồng phạm trong vụ án.

Tiếp đó, các bị cáo còn lại lần lượt nói lời cuối, bày tỏ sự thành khẩn nhận tội và mong muốn HĐXX xem xét, cân nhắc các yếu tố, tình tiết giảm nhẹ để các bị cáo được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, có cơ hội làm lại cuộc đời.

Toà sẽ tuyên án với ông Đinh La Thăng và 21 bị cáo vào ngày 22/1

Theo luận tội của Viện kiểm sát (VKS), mặc dù biết rõ PVC đang gặp khó khăn rất lớn về tài chính và chưa có năng lực, kinh nghiệm để thi công những Dự án nhiệt điện lớn nhưng vì lợi ích và động cơ cá nhân, bị cáo Đinh La Thăng với vai trò là Chủ tịch của PVN vẫn giao cho PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2- một công trình trọng điểm quốc gia theo hình thức chỉ định thầu. 

Mặt khác, trong khi dự án đầu tư hiệu chỉnh chưa được phê duyệt; chưa có thiết kế FEED, tổng dự toán, thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu và một loạt các thủ tục pháp lý khác có liên quan, bị cáo Đinh La Thăng vẫn chỉ đạo cấp dưới ký kết Hợp đồng EPC số 33 ngày 28/2/2011 và Hợp đồng chuyển đổi chủ thể số 4194 ngày 13/5/2011 với giá trị lên tới 1,2 tỷ USD. 

Theo quan điểm của VKS, thực chất việc ký kết các hợp đồng này chỉ nhằm mục đích lấy tiền của PVN để chuyển cho PVC đang chìm đắm trong nợ nần. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày từ 23-31/5/2011 thông qua việc xin tạm ứng, PVC đã rút của PVN 1.000 tỷ đồng trên tổng số 1312 tỷ và 6,6 triệu USD tạm ứng trái quy định, sau đó PVC đã sử dụng không đúng mục đích số tiền lên tới 1.115 tỷ đồng gây thiệt hại cho PVN 119,8 tỷ đồng. Việc chỉ định nhà thầu thiếu năng lực về kinh nghiệm cũng như tài chính là PVC thực hiện dự án còn để lại hệ lụy rất lớn khác.

Bên cạnh đó để có tiền chi tiêu và chiếm hưởng cá nhân, Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch PVC cùng Vũ Đức Thuận - nguyên TGĐ PVC đã đề ra chủ trương và giao cho Nguyễn Anh Minh - nguyên Phó TGĐ PVC chỉ đạo Lương Văn Hòa đã cùng thuộc cấp lập khống hồ sơ thiết kế, dự toán, thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán 4 hạng mục phụ trợ của dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 rút  số tiền hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành.

Ngày 11/1, VKS đã đề nghị mức án với từng bị cáo về hai nhóm tội:

Tội cố ý làm trái: 

1. Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN) 14-15 năm tù.

2. Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam PVC) 13-14 năm tù về tội cố ý làm trái, chung thân về tội tham ô. Tổng hình phạt hai tội là chung thân.

3. Phùng Đình Thực (nguyên TGĐ PVN) 12-13 năm tù.

4. Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó TGĐ PVN) 10-11 năm tù.

5. Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó TGĐ PVN) 10-11 năm tù.

6. Vũ Đức Thuận (nguyên TGĐ PVC) 8-9 năm tù về tội cố ý làm trái, 18-19 năm tù về tội tham ô. Tổng hình phạt từ 26-28 năm tù.

7. Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN) 10-11 năm tù.

8. Lê Đình Mậu (nguyên Phó Trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN) 7-8 năm tù 

9. Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng Ban quản lý Dự án điện lực Dầu khí Thái Bình 2) 2-3 năm tù cho hưởng án treo.

10. Trần Văn Nguyên (nguyên Kế toán trưởng Ban Quản lý Dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2) 2-3 năm tù cho hưởng án treo.

11. Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC) năm tù 8-9 năm tù.

12. Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó TGĐ PVC) 7-8 năm tù.

13. Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC) 6-7 năm tù.

14. Trương Quốc Dũng (nguyên phó TGĐ PVC) 17-18 tháng tù.

Tội tham ô tài sản

15. Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó TGĐ PVC) 18-19 năm tù.

16. Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh Văn phòng PVC) 13-14 năm tù.

17. Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) 13-14 năm tù.

18. Nguyễn Thành Quỳnh (Giám đốc Kỹ thuật Công nghệ, Tổng Công ty CP Miền Trung - Công ty Cổ phần (Đà Nẵng) 8-9 năm tù.

19. Lê Thị Anh Hoa (Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa) 30-36 tháng cho hưởng án treo.

20. Nguyễn Đức Hưng (nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, Ban điều hành Vũng Áng - Quảng Trạch) 30-36 tháng cho hưởng án treo.

21. Lê Xuân Khánh (Nguyên Trưởng phòng kinh tế Kế hoạch, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch) 30-36 tháng tù cho hưởng án treo.

22. Nguyễn Lý Hải (nguyên Trưởng phòng kỹ thuật, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch) 30-36 tháng tù cho hưởng án treo.

Tuy nhiên, tại phiên đối đáp ngày 15/1, đại diện VKS đã bổ sung một số tình tiết giảm nhẹ cho một số bị cáo; đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt so với mức án đề nghị đối với các bị cáo: Lương Văn Hoà, Bùi Mạnh Hiển, Lê Đình Mậu, Phạm Tiến Đạt, Nguyễn Ngọc Quý.

 
(Theo HNMO - VOV)

Các tin khác

Theo cơ quan Công an, dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm 2024 sẽ kéo dài 5 ngày liên tục cũng là thời điểm các chiêu trò lừa đảo liên quan đến hoạt động du lịch bắt đầu nở rộ, khiến nhiều người dân bị sập bẫy.

Bị cáo Trần Quí Thanh

HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Quí Thanh 8 năm tù, 2 con gái Trần Uyên Phương 4 năm tù, Trần Ngọc Bích từ 3 năm tù treo.

Các bị can bị khởi tố: Nguyễn Văn Khước, Chu Quốc Hải, Hoàng Văn Nhiệm, Cao Đại Nghĩa, Đinh Thị Thu Hương, Nguyễn Ngọc Huy (theo thứ tự từ trái sang phải, từ trên xuống dưới). Ảnh: Bộ Công an

Mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan, CQĐT vừa bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Khước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Khu vực Nhà máy xi măng Yên Bái, nơi xảy ra vụ tại nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng.

Liên quan đến vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Mạnh Hùng (sinh năm 1980), là nhân viên cân băng liệu của Nhà máy xi măng về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động” để điều tra làm rõ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục