Vụ góp 800 tỷ vào OceanBank: Góp vốn khi chưa rõ tiềm lực tài chính

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/3/2018 | 2:34:36 PM

Sáng 20/3, phiên tòa xét xử vụ án góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) tiếp tục với phần xét hỏi.

Bị cáo Đinh La Thăng trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử.
Bị cáo Đinh La Thăng trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử.

Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố đã xét hỏi các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhằm xác định rõ các bị cáo có thực hiện đầy đủ các điều kiện cần thiết để quyết định đầu tư góp vốn vào OceanBank.

Trả lời trước Tòa, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng không có quy định nào quy định trước khi ban hành nghị quyết phải có ý kiến phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Các nghị quyết của PVN chỉ mang tính nội bộ, còn đầu tư vốn ra ngoài mới cần báo cáo Thủ tướng. Chỉ khi nào có ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ thì PVN mới thực hiện đầu tư.

Theo Viện Kiểm sát, Nghị định 142/2007/NĐ-CP đã quy định "... trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và xây dựng, đầu tư ra ngoài Công ty mẹ...,” tuy nhiên, khi Nghị quyết 7289 góp vốn lần thứ nhất 400 tỷ đồng được thông qua nhưng chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về văn bản số 121441 ngày 14/10/2008 của Bộ Tài chính yêu cầu PVN báo cáo rõ tình hình hoạt động của OceanBank, đặc biệt là danh mục cho vay, danh mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán cũng như việc trích lập các khoản dự phòng các hoạt động kinh doanh của OceanBank, xác định giá trị thực cổ phiếu của OceanBank để tránh rủi ro trước khi quyết định việc đầu tư. Viện Kiểm sát nêu câu hỏi PVN có thực hiện những yêu cầu của Bộ Tài chính không?

Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng văn bản đó là của Bộ Tài chính trả lời theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, nên PVN không có trách nhiệm phải trả lời Bộ Tài chính. Còn thực tế những việc Bộ Tài chính yêu cầu thì PVN đã làm từ 2/10/2008.

Theo cáo trạng truy tố, trên cơ sở Thỏa thuận số 6934/TTHT ngày 18/9/2008 giữa PVN và OceanBank, ngày 30/9/2008 Đinh La Thăng có tờ trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ số 7224/DKVN-HĐQT về việc góp vốn mua cổ phần Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương. Mặc dù Thủ tướng chưa cho phép nhưng ngày 1/10/2008, Đinh La Thăng đã ký Nghị quyết 7289/NQ-DKVN về việc tham gia góp vốn mua cổ phần OceanBank. Đến ngày 17/10/2008, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 6987/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đồng ý về chủ trương, còn trình tự thủ tục do các bộ, ngành chuyên môn hướng dẫn PVN thực hiện. Ngày 30/9/2008 Đinh La Thăng có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính xin ý kiến về việc góp vốn vào OceanBank.

Tại văn bản số 121441 ngày 14/10/2008 Bộ Tài chính có ý kiến: Để đảm bảo tính hiệu quả đề nghị PVN cần báo cáo rõ tình hình hoạt động của OceanBank, PVN chịu trách nhiệm về hiệu quả của hoạt động đầu tư này.

Ngày 16/10/2008, PVN có văn bản số 7698/DKVN-TCKT gửi OceanBank để yêu cầu cung cấp tài liệu, số liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh, nhưng OceanBank không trả lời và Đinh La Thăng cũng không báo cáo theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Đến ngày 25/12/2008, Ninh Văn Quỳnh đã chỉ đạo Ban Tài chính kế toán tham mưu trình Nguyễn Ngọc Sự ký văn bản số 9650/DKVN-TCKT gửi OceanBank về việc chấp thuận nộp 400 tỷ đồng mua cổ phần tăng vốn điều lệ của OceanBank bằng nguồn tiền được rút trước hạn trong tổng số 600 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn của PVN tại OceanBank.

Cùng ngày 25/12/2008, OceanBank thực hiện cắt chuyển số tiền 400 tỷ đồng từ tài khoản tiền gửi của PVN sang tài khoản phong tỏa của Oceanbank để hoàn tất việc PVN mua 20% cổ phần tại OceanBank.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Phó tổng giám đốc PVN phát biểu làm rõ một số nội dung vụ án. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Liên quan đến vấn đề này, Nguyễn Ngọc Sự cho biết thực hiện ý kiến của Bộ Tài chính, PVN đã có văn bản số 7698 yêu cầu OceanBank cung cấp tài liệu, số liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh nhưng không nhận được trả lời từ OceanBank.

Mặc dù chưa có những tài liệu, số liệu đó nhưng Hội đồng thành viên PVN đã ra nghị quyết đầu tư. Theo Nguyễn Ngọc Sự, do các nghị quyết đó mang tính chất bắt buộc thực hiện nên Nguyễn Ngọc Sự thấy không cần phải báo cáo về việc OceanBank không trả lời lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
 
(Theo TTXVN)

Các tin khác
Lực lượng chức năng có mặt trước nhà ông Lê Tiến Phương.

Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 5 trường hợp, trong đó có ông Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.

Theo cơ quan Công an, dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm 2024 sẽ kéo dài 5 ngày liên tục cũng là thời điểm các chiêu trò lừa đảo liên quan đến hoạt động du lịch bắt đầu nở rộ, khiến nhiều người dân bị sập bẫy.

Bị cáo Trần Quí Thanh

HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Quí Thanh 8 năm tù, 2 con gái Trần Uyên Phương 4 năm tù, Trần Ngọc Bích từ 3 năm tù treo.

Các bị can bị khởi tố: Nguyễn Văn Khước, Chu Quốc Hải, Hoàng Văn Nhiệm, Cao Đại Nghĩa, Đinh Thị Thu Hương, Nguyễn Ngọc Huy (theo thứ tự từ trái sang phải, từ trên xuống dưới). Ảnh: Bộ Công an

Mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan, CQĐT vừa bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Khước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục