Xử phúc thẩm Hà Văn Thắm và đồng phạm: 5 bị cáo rút kháng cáo

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/4/2018 | 2:20:09 PM

Ngày 18/4, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội bắt đầu phiên xét xử phúc thẩm vụ án Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) cùng các đồng phạm, xảy ra tại OceanBank.

Các bị cáo tại phiên tòa.
Các bị cáo tại phiên tòa.

Chủ tọa Phiên tòa phúc thẩm là Thẩm phán Ngô Hồng Phúc. Đáng chú ý, trong 32 bị cáo kháng cáo sau phiên tòa sơ thẩm, có năm bị cáo đã rút đơn kháng cáo trước phiên phúc thẩm. Bên cạnh đó, bốn bị cáo xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe.

Phiên tòa có sự tham gia của 32 luật sư và triệu tập trên 120 người khác tham gia tố tụng. Riêng bị cáo Hà Văn Thắm có bốn luật sư bào chữa.

Cũng tại Phiên tòa, Hội đồng xét xử công bố bốn bị cáo có đơn xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe gồm Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thiên Thanh), Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ), Nguyễn Văn Đức (nguyên Giám đốc Oceanbank Chi nhánh Thanh Hóa), Nguyễn Viết Hiền (nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Âu Cơ - Oceanbank).

Trước đó, từ ngày 28/8 đến 29/9/2017, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở Phiên tòa xét xử sơ thẩm Hà Văn Thắm cùng 50 bị cáo liên quan về các tội "Tham ô tài sản," "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản,” "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến vụ án tại Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank).

Sau khi Tòa sơ thẩm tuyên án, 32 bị cáo kháng cáo xin được xem xét lại tội danh, xin giảm nhẹ hình phạt, được hưởng án treo và xin được miễn trách nhiệm hình sự. Ngoài kháng cáo của các bị cáo, ba tổ chức và cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có đơn kháng cáo dân sự về vấn đề bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, trước phiên phúc thẩm, năm bị cáo đã rút đơn kháng cáo xin được miễn trách nhiệm hình sự. Theo đó, các bị cáo rút kháng cáo gồm Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Nguyễn Văn Trỗi của OceanBank, nay là Phòng giao dịch Lý Thường Kiệt); Phan Thị Lan (nguyên Giám đốc OceanBank Chi nhánh Hà Tĩnh); Bùi Đức Quỳnh (nguyên Giám đốc OceanBank Chi nhánh Đồng Nai); Đỗ Quốc Trình (nguyên Giám đốc OceanBank Phòng giao dịch Phú Mỹ Hưng) và Nguyễn Quốc Trưởng (nguyên Giám đốc OceanBank Chi nhánh Cần Thơ).

Trước đó, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên mức án 20 tháng tù treo đối với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Phan Thị Lan, Bùi Đức Quỳnh; hai bị cáo Nguyễn Quốc Trưởng, Đỗ Quốc Trình cùng nhận mức án phạt 24 tháng cải tạo không giam giữ.

Theo đơn kháng cáo, bị cáo Hà Văn Thắm xin giảm hình phạt mà Tòa sơ thẩm đã tuyên. Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn kháng cáo kêu oan. Bị cáo Nguyễn Minh Thu (nguyên Phó Tổng Giám đốc Oceanbank) đề nghị cấp phúc thẩm giảm hình phạt.

Đối với các bị cáo có kháng cáo tiếp theo, từng là thuộc cấp của bị cáo Hà Văn Thắm và làm việc tại OceanBank đã kháng cáo xin được xem xét lại tội danh và giảm nhẹ hình phạt; xin được hưởng án treo và xin được miễn trách nhiệm hình sự.

Theo bản án sơ thẩm đã tuyên của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, bị cáo Hà Văn Thắm bị tuyên phạt 19 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng,” 18 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng,” tù chung thân về tội "Tham ô tài sản,” 20 năm tù về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.” Tổng hợp hình phạt chung, Hà Văn Thắm bị phạt tù chung thân về cả bốn tội danh.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) bị phạt 17 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng;” tù chung thân về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;” tử hình về tội "Tham ô tài sản;” tổng hợp buộc bị cáo Nguyễn Xuân Sơn phải chấp hành hình phạt chung của ba tội là: tử hình.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Minh Thu (nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank) 13 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; 9 năm tù về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; tổng hợp, buộc bị cáo Nguyễn Minh Thu phải chấp hành hình phạt chung của 2 tội là 22 năm tù.

Trong các bị cáo bị Tòa sơ thẩm tuyên án tù giam còn có Phạm Công Danh bị phạt 14 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Bị cáo Hứa Thị Phấn 17 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Phiên tòa phúc thẩm tại Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian 12 ngày, bắt đầu từ ngày 18/4/2018, dự kiến kéo dài đến ngày 29/4/2018 (nghỉ ngày Thứ bảy và Chủ nhật). Dự kiến tuyên án sau ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Trong phiên sáng 18/4, Tòa tiến hành kiểm tra căn cước, lý lịch cá nhân của các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Phiên chiều 18/4, Tòa phúc thẩm sẽ bắt đầu phần xét hỏi.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng được Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng chỉ đạo và dư luận xã hội rất quan tâm. Vụ án xảy ra trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tại Oceanbank; hành vi phạm tội của các bị cáo gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến việc thực hiện chính sách quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng, gây mất uy tín của các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là hệ thống ngân hàng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến Ngân hàng Đại Dương.

Theo nhận định của Hội đồng xét xử sơ thẩm, hậu quả của các hành vi phạm tội là một chuỗi các mắt xích hoạt động liên kết với nhau, từ người lãnh đạo đề ra chủ trương, ý tưởng, chỉ đạo, triển khai trên toàn hệ thống, từ Tổng Giám đốc đến các Phó Tổng Giám đốc, các khối, ban ở Hội sở xuống các chi nhánh, phòng giao dịch đến từng cán bộ, nhân viên của OceanBank.

Bị cáo Hà Văn Thắm được xác định là người ra chủ trương trên toàn hệ thống OceanBank, trực tiếp chỉ đạo các Phó Tổng Giám đốc Oceanbank và các khối, ban, chi nhánh, phòng giao dịch chi trả lãi ngoài cho các khách hàng trên toàn hệ thống.
 
(Theo TTXVN)

Các tin khác
Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Sáng 28/3, tại Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái, Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Yên Bái (TPYB) tổ chức Phiên tòa lưu động xét xử 5 vụ án hình sự liên quan đến các tội danh: buôn bán, tàng trữ ma túy; sản xuất, buôn bán hàng cấm và vô ý làm chết người…

Bị can Phạm Hoàng Anh.

Ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị Cơ quan điều tra khởi tố về tội Nhận hối lộ trong vụ án liên quan đến chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu.

Ông Lê Viết Chữ tại cơ quan điều tra

Ông Lê Viết Chữ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra sai phạm liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Bị cáo Đỗ Anh Dũng rời phiên tòa sau khi nghe bản án sơ thẩm.

Tòa ghi nhận toàn bộ thiệt hại hơn 8.600 tỷ đồng của 6.630 bị hại đã được Tân Hoàng Minh nộp khắc phục đầy đủ nên cho ông Dũng và 14 bị cáo hưởng mức án thấp nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục