Xử phúc thẩm ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Viện Kiểm sát đề nghị y án sơ thẩm đối với bị cáo Đinh La Thăng
- Cập nhật: Thứ năm, 10/5/2018 | 4:14:39 PM
Sáng 10-5, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã nêu quan điểm công tố đối với các bị cáo có kháng cáo trong Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án "Tham ô tài sản”, "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC.
Bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVN trả lời các câu hỏi của luật sư.
|
Xét trên các tình tiết mới tại Phiên phúc thẩm, Viện Kiểm sát đề nghị bác kháng cáo của các bị cáo: Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVN); Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng Ban quản lý Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2); Trần Văn Nguyên (nguyên Kế toán trưởng Ban quản lý Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2); Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC); Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng PVN); Trương Quốc Dũng (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC).
Theo đại diện Viện Kiểm sát, tại Phiên tòa phúc thẩm xét thấy hầu hết các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, bị cáo Đinh La Thăng không thừa nhận trách nhiệm như bản án sơ thẩm quy buộc, bị cáo cho rằng, để xảy ra các sai phạm trong việc ký kết hợp đồng và tạm ứng cho PVC là trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trực tiếp thực hiện. Bị cáo chỉ thừa nhận trách nhiệm là Chủ tịch Hội đồng thành viên, do sức ép về tiến độ nên nôn nóng, chưa chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên nên để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Viện Kiểm sát xét thấy không có tình tiết giảm nhẹ mới do vậy đề nghị giữ nguyên quyết định bản án sơ thẩm đối với bị cáo Đinh La Thăng.
Trước đó, bị cáo Đinh La Thăng bị cấp sơ thẩm tuyên 13 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Cũng theo Viện Kiểm sát, các bị cáo Vũ Hồng Chương, Trần Văn Nguyên, Nguyễn Ngọc Quý, Ninh Văn Quỳnh, Trương Quốc Dũng tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo không có tình tiết mới do vậy cần giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm đối với các bị cáo.
Xét thấy vai trò của bị cáo Phùng Đình Thực (nguyên Tổng Giám đốc PVN) trong vụ án, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Thực. Trước đó, bị cáo Phùng Đình Thực bị Tòa sơ thẩm tuyên phạt 9 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Tại Phiên phúc thẩm, bị cáo Phùng Đình Thực thừa nhận là chưa chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ thường xuyên nên để xảy ra hậu quả đáng tiếc trong vụ án nhưng cho rằng sau này bị cáo mới biết Hợp đồng EPC 33 là không đúng quy định, không chỉ đạo việc tạm ứng do đã phân cấp phụ trách tài chính cho Nguyễn Xuân Sơn. Ngoài ra, bị cáo Thực khai rằng mình không nhận được 4 văn bản báo cáo về dự án như bản án sơ thẩm quy kết.
Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát kiến nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo và giảm nhẹ 1 phần hình phạt cho các bị cáo: Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN); Lê Đình Mậu (nguyên Phó Trưởng ban Kế toán và Kiểm toán của PVN); Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC); Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC); Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh Văn Phòng PVC); Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC).
Viện Kiểm sát cũng đề nghị bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch, thuộc PVC), tuy nhiên đề nghị chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hòa về phần trách nhiệm dân sự.
Cũng theo đại diện Viện Kiểm sát, tại phần tranh luận tiếp theo, Viện Kiểm sát sẽ tiếp tục xem xét các tình tiết mới mà các bị cáo và các luật sư bào chữa đưa ra liên quan đến nội dung kháng cáo.
Trước đó, đại diện của nguyên đơn dân sự là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN cho biết PVN không kháng cáo nhưng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Ninh Văn Quỳnh, Lê Đình Mậu vì đã có những thành tích đối với tập đoàn trong quá trình công tác. Các bị cáo đều có cống hiến và nhân thân tốt.
Từ chiều ngày 10-5, Tòa phúc thẩm chuyển sang phần tranh luận.
Các tin khác
YBĐT - Năm 2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 220 vụ xuất cảnh trái phép; riêng những tháng đầu năm 2018 là hơn 60 vụ.
Sáng 8/5, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi trong phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án "Tham ô tài sản,” "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC.
YBĐT - Công an thành phố Yên Bái, Công an phường Nguyễn Thái Học phối hợp với dân phòng tổ 55, phường Nguyễn Thái Học vừa bắt quả tang 2 đối tượng Đào Xuân Giáp và Phạm Ngọc Châu đang có hành vi truyền đạo trái phép.
Sáng 7/5, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã bắt đầu xét xử phúc thẩm vụ án "Tham ô tài sản” và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC.