Thu hồi tài sản phạm tội của bị cáo Phan Sào Nam đạt gần 90,7%

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/11/2018 | 2:13:53 PM

Đầu giờ phiên xét xử sáng 19/11, Hội đồng xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ tiếp tục xét hỏi đối với bị cáo Phan Sào Nam (nguyên Chủ tịch Công ty VTC Online), sau đó tiến hành thẩm vấn Nguyễn Văn Dương (nguyên Chủ tịch Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC).

Lực lượng chức năng đưa bị cáo Phan Sào Nam vào tòa.
Lực lượng chức năng đưa bị cáo Phan Sào Nam vào tòa.

Hai bị cáo cầm đầu đường dây tổ chức đánh bạc qua game bài Rikvip/Tip.club này cùng bị truy tố về các tội "Tổ chức đánh bạc" và "Rửa tiền."

Thu hồi tài sản phạm tội của Phan Sào Nam đạt gần 90,7%; Nguyễn Văn Dương mới khắc phục được 15%

Tại phiên tòa, Chủ tọa công bố nội dung lá đơn được Phan Sào Nam gửi đến Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ trước ngày xét xử. Trong đơn, Nam cho biết với số tiền kiếm được từ việc tổ chức đánh bạc, nếu gửi ngân hàng, mỗi ngày bị cáo này có thể kiếm được 200 triệu đồng tiền lãi. 

Tuy nhiên, do nhận thức được sai phạm của mình, bị cáo đã hợp tác với cơ quan An ninh điều tra để khắc phục hậu quả.

Kết quả là Nam và gia đình đã nộp lại 1.337 tỷ đồng trong tổng số 1.475 tỷ đồng có được từ việc tổ chức đánh bạc.

Cũng tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát cho biết đến nay việc thu hồi tài sản và khắc phục hậu quả vụ án của Phan Sào Nam đã đạt gần 90,7%. Trong khi đó, Nguyễn Văn Dương mới khắc phục được gần 15% (đã nộp hơn 244 tỷ đồng trên tổng số tiền được hưởng lợi bị truy tố là hơn 1.655 tỷ đồng).

Tại tòa, Phan Sào Nam cho biết bản thân cũng không thể ngờ việc tổ chức đánh bạc lại có thể mang lại nhiều tiền đến như vậy. Do nhận thức được sai phạm, bị cáo Nam đã hợp tác với cơ quan An ninh điều tra để khắc phục hậu quả.

Trong lời khai trước tòa, bị cáo Nguyễn Văn Dương cũng cho rằng, khi phát hành hệ thống, không ngờ game bài lại thu hút số lượng con bạc tham gia và số tiền thu được lớn như vậy.

Bị cáo Nguyễn Văn Dương cho rằng mình tôn trọng bản cáo trạng của Viện Kiểm sát và thừa nhận hoàn toàn có cơ sở truy tố mình về hai tội danh "Tổ chức đánh bạc" và "Rửa tiền."

Bị cáo Dương cũng xác nhận số tiền được hưởng lợi theo cáo trạng truy tố và mong muốn được tiếp tục khắc phục hậu quả vụ án. Đồng thời, Nguyễn Văn Dương đề nghị cơ quan chức năng "giúp mình" tiến hành thu hồi một số tài sản, nguồn vốn đã đầu tư tại một số công ty để khắc phục hậu quả.

Theo cáo trạng, tổng số tiền phải truy thu của Nguyễn Văn Dương đã hưởng lợi là hơn 1.655 tỷ đồng. Bản cáo trạng cũng quy kết Nguyễn Văn Dương phạm tội "Rửa tiền" với số tiền hơn 329 tỷ đồng nộp Công ty UDIC, để chuyển vào Công ty BOT Bắc Giang-Lạng Sơn.

Dương xác nhận nội dung cáo trạng truy tố những hành vi cùng bị cáo Phan Sào Nam vận hành game bài Rikvip là đúng. 

Chủ tọa phiên tòa đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc vận hành game bài Rikvip khi chưa được cấp phép, bị cáo Nguyễn Văn Dương liên tục trả lời rằng "đang xin cấp phép." Tuy nhiên, sau đó Dương cũng thừa nhận, khi hợp tác với Phan Sào Nam phát hành và vận hành game bài thì chưa được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.

Dì ruột Phan Sào Nam khai vì tin tưởng mà cất giữ tiền hộ 

Sau khi kết thúc xét hỏi đối với bị cáo Phan Sào Nam, Hội đồng xét xử tiến hành xét hỏi đối với bị cáo Phan Thu Hương (dì ruột của bị cáo Phan Sào Nam).

Bị cáo Phan Thu Hương cho biết tình cảm giữa bị cáo với Phan Sào Nam không khác gì tình mẫu tử. Thực chất việc giúp Nam cất giữ số tiền hơn 236 tỷ đồng và đầu tư sinh lời vì tin tưởng Nam. 

Bị cáo Hương cho rằng bản thân luôn nghĩ đó là số tiền hợp pháp, chỉ đến khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết đó là tiền do phạm tội mà có. Bị cáo đã nhận ra lỗi lầm của "người mẹ," người dì ruột đối với Phan Sào Nam khi không tìm hiểu nguồn gốc của số tiền rất lớn như vậy. Đến nay, bị cáo Hương đã khắc phục hoàn toàn số tiền mà cơ quan điều tra thông báo cho bị cáo biết, là hơn 236 tỷ đồng.

Tổng cộng Phan Sào Nam chỉ đạo nhân viên và đối tác chuyển vào tài khoản của Phan Thu Hương số tiền hơn 236 tỷ đồng và nhờ bà Hương kinh doanh sinh lời. Sau khi nhận được số tiền trên, Phan Thu Hương gửi tiết kiệm ngắn hạn, sau đó rút ra mua vàng, đôla Mỹ rồi bán kiếm lời.

Bên cạnh đó, Phan Thu Hương sử dụng một phần nguồn tiền này và tiền vốn tự mình tích cóp được mua các căn hộ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bị cáo Phan Thu Hương bị truy tố về tội "Rửa tiền".

(Theo TTXVN)

Các tin khác
Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Sáng 28/3, tại Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái, Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Yên Bái (TPYB) tổ chức Phiên tòa lưu động xét xử 5 vụ án hình sự liên quan đến các tội danh: buôn bán, tàng trữ ma túy; sản xuất, buôn bán hàng cấm và vô ý làm chết người…

Bị can Phạm Hoàng Anh.

Ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị Cơ quan điều tra khởi tố về tội Nhận hối lộ trong vụ án liên quan đến chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu.

Ông Lê Viết Chữ tại cơ quan điều tra

Ông Lê Viết Chữ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra sai phạm liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Bị cáo Đỗ Anh Dũng rời phiên tòa sau khi nghe bản án sơ thẩm.

Tòa ghi nhận toàn bộ thiệt hại hơn 8.600 tỷ đồng của 6.630 bị hại đã được Tân Hoàng Minh nộp khắc phục đầy đủ nên cho ông Dũng và 14 bị cáo hưởng mức án thấp nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục