Vụ trộn lõi pin vào phế phẩm càphê: Các bị cáo lĩnh án từ 7-8 năm tù

  • Cập nhật: Thứ bảy, 29/12/2018 | 9:15:22 AM

Chiều 28/12, sau một ngày xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông đã tuyên phạt các bị cáo trong vụ trộn lõi pin vào phế phẩm càphê tổng cộng 36 năm 6 tháng tù về tội "Vi phạm về quy định an toàn thực phẩm” theo điều 317, Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Loan, chủ cơ sở trộn tạp chất càphê với nước pha bột pin lĩnh án 7 năm 6 tháng tù; Phan Thị Dung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thảo Dung (huyện Lộc Ninh, Bình Phước), 7 năm tù; Lê Thị Hồng Thơ, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tịnh Thơ (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông), 7 năm tù; Nguyễn Xuân Bảo, người trực tiếp phối trộn tạp chất vào phế phẩm càphê, bị tuyên mức nặng nhất là 8 năm tù; Trần Ngưỡng, người giao hỗn hợp tạp chất lĩnh án 7 năm tù. 

Trước đó, cả năm bị cáo này đều bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông đề nghị từ 7-10 năm tù. Khi nói lời cuối cùng trước tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình. 

Hội đồng xét xử khẳng định hành vi của các bị cáo vi phạm nghiêm trọng những quy định về an toàn thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng và uy tín, thương hiệu nông sản, nhất là mặt hàng hồ tiêu. 

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông, thông qua việc kinh doanh mua bán hạt tiêu, Phan Thị Dung (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thảo Dung ở Bình Phước) quen biết với Lê Thị Hồng Thơ (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tịnh Thơ tại tỉnh Đắk Nông).


Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Loan, chủ cơ sở trộn tạp chất càphê với nước pha bột pin tại tòa. 

Khoảng giữa năm 2015, Thơ biết một đối tượng mua bán tạp chất trộn vào hạt tiêu để bán và đưa mẫu tạp chất cho Dung xem. Sau đó, cả hai tìm người làm tạp chất. Dung trả tiền vận chuyển trực tiếp cho lái xe, tiền mua tạp chất trả cho Thơ và Thơ được hưởng chênh lệch 1.000 đồng/kg.

Thơ liên hệ với Loan đặt mua 3 tấn tạp chất. Sau đó, Loan lấy vỏ càphê lẫn sỏi đá nhỏ được sàn, quạt ra từ một lô hàng càphê vỡ có lẫn vỏ, rồi tưới nước, ủ một thời gian khi tạp chất chuyển sang màu đen, phơi khô đóng bao thuê xe tải chở đến giao cho Thơ.

Để tránh bị phát hiện, Thơ tiếp tục vận chuyển sang xe tải khác chở đến giao cho Dung. Sau đó, Dung đem trộn tạp chất này vào hạt tiêu khô đã mua được của người dân rồi bán ra thị trường. Thấy lợi nhuận cao, Dung tiếp tục nhờ Thơ mua tạp chất của Loan trộn vào hạt tiêu để bán theo hợp đồng với một số bạn hàng.

Đến khoảng tháng 9/2015, Bảo và Loan cùng làm hàng tạp chất bán cho Thơ. Trong quá trình mua bán, Dung trả lại cho Thơ một số chuyến hàng vì tạp chất không đạt màu sắc với tiêu hạt khô. Sau đó Loan và Bảo đi mua pin Con ó về, đập ra lấy bột pin cho vào thùng nước pha trộn đem tưới lên tạp chất. Tạp chất vào máy trộn bê tông quay trộn đều, đưa ra lò sấy khô tạp chất đúng theo yêu cầu của Dung.

Đến ngày 15/4, Dung biết Loan và Bảo bị cơ quan điều tra phát hiện nên Dung gọi em chồng đem hơn 9 tấn tạp chất trên chở ra rẫy cao su trộn với lân, vôi và phân heo ủ làm phân bón. Tại kho còn có khoảng 4 tấn hạt tiêu đã trộn với tạp chất, Dung cho trộn thêm vào khoảng 5 tấn hạt tiêu để bán, dự kiến giao hàng vào ngày 23/4. Tuy nhiên, ngày 22/4, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Công an tỉnh Bình Phước đã tạm giữ tại kho hàng của Dung cả 9 tấn hạt tiêu trộn tạp chất nói trên.

Theo kết luận giám định của Viện khoa học hình sự, Bộ Công an, trong mẫu tiêu hạt gửi giám định có thành phần chính là tiêu hạt, hàm lượng gần 82%; ngoài ra có tìm thấy các tạp chất gồm vụn vỏ càphê, vụn đá, bột pin (có thành phần mangan đioxít, kẽm clorua, amoni clorua) với hàm lượng tổng tạp chất là 18,34%.

Vụ phế phẩm càphê trộn cát sỏi, lõi pin là một vụ việc nghiêm trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Sau khi vụ việc bị phát hiện vào tháng 4/2018, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc và điều tra làm rõ. Việc xử lý nghiêm minh các đối tượng liên quan là việc làm cần thiết, đảm bảo sự nghiêm minh và tính răn đe của pháp luật.

(Theo TTXVN)

Các tin khác
Ảnh minh họa

Với hành vi phát sóng trực tiếp trận đấu có hình ảnh quảng bá, quảng cáo các website cá độ vi phạm pháp luật Việt Nam, FPT Telecom và VTV vừa bị phạt hành chính lần lượt 85 triệu đồng và 50 triệu đồng.

Tiểu phẩm “Lầm lỡ” do học sinh trường THCS Lê Hồng Phong, huyện Lục Yên biểu diễn tại chương trình ngoại khóa tuyên truyền phòng chống ma túy học đường mang đến thông điệp: Nói không với chất gây nghiện và ma túy.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền pháp luật trong trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn xã hội, hình thành ý thức, thói quen tuân thủ nội quy, quy chế cho các em.

Bị cáo Phạm Đình Cự (đứng) và Đỗ Duy Vinh (ngồi) tại phiên toà.

Ông Phạm Đình Cự (SN 1956, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên) đã bị toà xử phạt 3 năm tù cho hưởng án treo vì gây thất thoát tài sản Nhà nước hơn 10 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Từ lời trình báo của nữ kế toán bị chiếm đoạt hơn 19,9 tỷ đồng, vào cuộc điều tra, cơ quan Công an phát hiện đường dây tội phạm xuyên quốc gia, chuyên hoạt động lừa đảo, rửa tiền.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục