Viện Kiểm sát đề nghị bác kháng cáo kêu oan của Vũ "Nhôm"

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/5/2019 | 2:46:32 PM

Vũ không thừa nhận chiếm đoạt 200 tỷ đồng của DAB nhưng VKS cho rằng hồ sơ vụ án có đủ cở sở buộc tội.

Vũ
Vũ "Nhôm" ra khỏi phòng xử án trưa nay.

Sáng 29/5, phiên phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "Nhôm", Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79) và Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á – DAB) cùng đồng phạm, kết thúc phần xét hỏi.

Nêu quan điểm về vụ án, đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM cho rằng, Phan Văn Anh Vũ không thừa nhận hành vi phạm tội, nói đây là tiền vay của cá nhân ông Bình, không liên quan đến ngân hàng. Tuy nhiên, quá trình điều tra và xét xử, ông Bình thừa nhận chỉ đạo nhân viên cho Vũ vay tiền - phù hợp với lời khai của các bị cáo khác cũng như kết quả giám định chữ ký của Phan Văn Anh Vũ... Do đó, có đủ căn cứ xác định Vũ phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản.

"Cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án 17 năm tù là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật", đại diện VKS nói.

Đối với ông Trần Phương Bình, VKS xác định, bị cáo là Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch HĐTD nhưng liên tục khiến DAB thua lỗ. Để che giấu, ông Bình đã thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư tại DAB, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 3.600 tỷ đồng.

Trong đó, thiệt hại 1.160 tỷ thông qua việc ông Bình mua hơn 74.000 cổ phần DAB, 437 tỷ và 650 lượng vàng chi lãi ngoài, hơn 24 triệu USD và hơn 15.000 lượng vàng trong việc kinh doanh ngoại hối cùng kinh doanh vàng tài khoản trái phép...

Bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến, biết rõ tình trạng thua lỗ của DAB và những sai phạm của ông Bình nhưng vẫn giúp sức tích cực, thực hiện hàng loạt hành vi trái pháp luật. Xuyến còn lợi dụng chức vụ và sai phạm của ông Bình để chiếm đoạt tài sản của DAB.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo kêu oan cho rằng không chiếm đoạt 40 tỷ đồng bởi số tiền này đã được chuyển trả cho ông Bình bằng cổ phần. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo liên quan đã đủ căn cứ xác định Xuyến phạm tội.

Nguyên trung tá Công an TPHCM Nguyễn Hồng Ánh bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 10 năm tù vì chiếm đoạt 53 tỷ đồng của DAB, VKS cho rằng mức án này quá nhẹ so với tính chất và hậu quả bị cáo gây ra. Sau phiên sơ thẩm gia đình bị cáo khắc phục thêm 500 triệu đồng, song không đáng kể.

Đối với các bị cáo nguyên là cán bộ của DAB, VKS xác định họ là đồng phạm giúp sức cho Bình và Xuyến gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Hậu quả của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng nên cần xử lý nghiêm để răn đe. Tuy nhiên, hầu hết các bị cáo đều được cấp sơ thẩm xử dưới khung hình phạt, cho thấy đã được xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ, có sự phân hóa cụ thể hành vi đối với từng bị cáo.

Từ đó, VKS đề nghị HĐXX bác toàn bộ kháng cáo của Vũ "Nhôm", Xuyến, Nguyễn Hồng Ánh... cũng như kháng cáo phần dân sự của ông Bình; giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Ngoài ra, VKS cho rằng, trong vụ án còn có Phạm Văn Tân (trợ lý của ông Bình, sau này là Phó tổng giám đốc DAB) đã đứng tên sở hữu 5 triệu cổ phần, nhiều khoản vay... giúp Bình chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, Tân chưa bị điều tra, truy tố nên Viện kiến nghị Bộ Công an tiếp tục xử lý.

Theo bản án sơ thẩm, trong 10 năm điều hành hoạt động của DAB, ông Bình và đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng.

Cụ thể: chiếm đoạt hơn 2.000 tỷ, bao gồm việc chuyển cho Vũ hơn 200 tỷ đồng qua việc ký khống hồ sơ mua bán cổ phần, mua giúp 13,4 triệu USD nhưng Vũ chưa trả lại cho DAB; hơn 1.500 tỷ đồng xuất quỹ sai nguyên tắc chi lãi ngoài huy động vốn, kinh doanh ngoại hối, vàng tài khoản, tất toán khống khoản vay 1.900 lượng vàng cho bị cáo Nguyễn Hồng Ánh.

Cuối năm ngoái, TAND TP HCM tuyên phạt Vũ 17 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp với bản án 8 năm tù TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên trước đó (đã có hiệu lực), bị cáo phải nhận 25 năm tù. 

Ông Bình nhận án tù chung thân cho hai tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo khác nhận 2 năm tù cho hưởng án treo đến 30 năm tù.

Quá trình điều tra và xét xử sơ thẩm, Phan Văn Anh Vũ đã "khắc phục" 203 tỷ đồng. Ông ta kháng cáo kêu oan, cho rằng không biết số tiền đó của DAB mà là vay cá nhân ông Bình, nên không phạm tội.

Còn ông Bình kháng cáo xin nhận toàn bộ trách nhiệm bồi thường thay các bị cáo vốn là cấp dưới, cho rằng họ không vụ lợi, chỉ làm theo chỉ đạo của ông Bình.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Cảnh sát giao thông huyện Mù Cang Chải kiểm tra giấy phép lái xe và tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân.

Huyện đã lựa chọn các văn bản pháp luật để phổ biến, thông tin tuyên truyền và tổ chức thi hành pháp luật trong những lĩnh vực đang được nhân dân cả nước và thế giới quan tâm như: bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ rừng, phòng chống ma túy, phòng chống tham nhũng, công tác an toàn giao thông...

3 đối tượng bị khởi tố liên quan đến đường dây mua bán thận.

Ngày 28-5, cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ba đối tượng về hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận trên cơ thể người theo điều 154 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan công an đã khởi tố bắt giam 9 đối tượng. Riêng đối tượng cầm đầu là Trần Quang Trường hiện đã bỏ trốn, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra lệnh truy nã toàn quốc.

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ.

Vũ “nhôm” tiếp tục kêu oan và tha thiết khẩn cầu được trình bày về khoản 200 tỷ đồng mà bị cáo bị vay của Trần Phương Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục