Thượng tá Trần Ngọc Tuấn - Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết: "Vũ khí, vật liệu nổ, trong đó có súng tự chế đã để lại nhiều hậu quả nặng nề, gây mất ổn định trật tự an ninh. Bà con nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao từ lâu vẫn chế tạo và sử dụng vũ khí. Nhiều người đàn ông người Tày, Dao, Mông… coi cây súng kíp là tài sản quý để giữ nhà, giữ bản, săn bắn chim, thú làm thức ăn. Những tai nạn đáng tiếc, những vụ án nghiêm trọng đã xảy ra mà hung khí chính là những khẩu súng ấy. Giờ là lúc chúng tôi vận động bà con mang vũ khí, vật liệu nổ giao nộp, làm vậy sẽ bớt tang thương, là chấp hành tốt chủ trương, chính sách”.
Có thể nói, những năm qua, việc triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có nhiều chuyển biến tích cực; công tác vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thu được nhiều kết quả, góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên địa bàn một số tỉnh, thành đã xuất hiện tình trạng sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để gây án, trả thù cá nhân, tranh giành địa bàn hoạt động với tính chất manh động, coi thường pháp luật, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân; việc người dân tự ý đào bới, tìm kiếm, chế tạo, mua bán vũ khí, vật liệu nổ tiếp tục diễn ra.
Vừa qua, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Văn bản số 798 về việc tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động nhân dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Theo đó, Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động nhân dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Công an các huyện, thị, thành phố chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức vận động nhân dân; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong công tác quản lý; trong đó, phối hợp với lực lượng quân sự trong việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy; phối hợp với Sở Công Thương trong kiểm tra, đánh giá, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong khai thác khoáng sản tại địa phương.
Đến nay, lực lượng công an chính quy đã đảm nhiệm các chức danh công an xã tại tất cả các địa phương trong tỉnh. Với sự có mặt của lực lượng này, tình hình an ninh trật tự chắc chắn sẽ có chuyển biến tích cực.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chiến sĩ công an ở cơ sở chính là xây dựng và phát triển Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 798, cán bộ, chiến sĩ ở cơ sở sẽ tăng cường tuyên truyền cho nhân dân giao nộp và tích cực phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ với các hình thức linh hoạt, hiệu quả; biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt; đồng thời, phát hiện nhanh chóng, xử lý nghiêm đối với những trường hợp bao che hoặc cố tình vi phạm.
Được biết, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, ban, ngành và chính quyền các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp chặt chẽ và có giải pháp nhằm tổ chức thực hiện việc tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân hiểu rõ việc tàng trữ, sử dụng, mua bán vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là vi phạm pháp luật; tiếp tục thực hiện việc quản lý có hiệu quả vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ một cách nề nếp, tuân thủ các quy định hiện hành, coi đó là một trong những giải pháp đảm bảo cuộc sống bình yên.
Lê Phiên