Vụ án Hồ Duy Hải kéo dài 12 năm nhưng đến nay chưa thi hành được do còn nhiều quan điểm khác nhau xung quanh bản án tử hình. Đến cuối năm 2019, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm và phúc thẩm, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao mở phiên giám đốc thẩm để xem xét lại vụ án này. Phiên giám đốc thẩm đối với bị cáo Hồ Duy Hải dự kiến diễn ra trong khoảng 3 ngày (từ ngày 6/5 đến 8/5/2020).
Ngày 6/5, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tiến hành xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm đối với vụ án Hồ Duy Hải bị kết án về tội "Giết người" và tội "Cướp tài sản" do có kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm chủ tọa.
Đại diện VKSND tối cao cho biết, căn cứ để kháng nghị là do Bản án đối với bị cáo Hồ Duy Hải có nhiều nội dung chưa phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, việc thu thập, đánh giá các chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ, nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn. Đó là mâu thuẫn về hành vi tấn công nạn nhân, hành vi hiếp dâm nạn nhân của bị cáo. Không có nhân chứng nào khẳng định được Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường vụ án. Chưa điều tra làm rõ được địa điểm, người tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có theo lời khai của bị cáo. Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa ra một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án.
Để đảm bảo khách quan, đúng pháp luật, tránh oan, sai, không bỏ lọt tội phạm, ngoài đại diện các cơ quan Trung ương như: Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì Tòa án nhân dân tối cao còn mời đại diện các cơ quan tố tụng tỉnh Long An và luật sư Trần Hồng Phong, người tham gia bảo vệ quyền lợi cho phạm nhân, tới tham dự phiên tòa.
Sáng 7/5, phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải tiếp tục diễn ra. Đáng chú ý, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị cần thực nghiệm lại hiện trường để xác định thời gian, thời điểm Hồ Duy Hải có mặt tại bưu điện buổi tối diễn ra án mạng. Đây cũng là nội dung liên quan đến kháng nghị của Viện Kiểm sát và chứng cứ đưa ra của Luật sư Trần Hồng Phong.
Tại phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải chiều 7/5, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhấn mạnh, kháng nghị không khẳng định Hồ Duy Hải bị oan. Tuy nhiên, kháng nghị nêu lên những sai lầm nghiêm trọng về mặt điều tra, tố tụng, từ đó đề nghị hủy bản án để điều tra lại.
Trong nội dung kháng nghị, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như: Bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án, dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án.
Vì vậy, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng, những vấn đề trên cần phải khắc phục để bảo đảm việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm.
Phiên giám đốc thẩm chiều 7/5 tập trung vào làm rõ những chứng cứ, tài liệu, bút lục, lời khai,... Trong đó, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng, kháng nghị không chỉ nêu ra những vi phạm trong thủ tục tố tụng, mà còn muốn làm rõ phần hậu quả của vi phạm đó.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, sau khi có kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã giao cơ quan điều tra của Bộ thành lập một tổ công tác điều tra độc lập để thẩm định lại vụ án này. Tổ công tác này đã trình bày báo cáo trước Hội đồng Thẩm phán.
Sáng ngày 8/5, phiên xét xử giám đốc thẩm sẽ tiến hành nội dung trình bày quan điểm về vụ án. Chiều ngày 8/5, Hội đồng Thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết.
(Theo VTV)