Ngày 18-12, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ sai phạm trong chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương chuyển sang phần tranh luận.
Mở đầu phần tranh luận, đại diện viện kiểm sát (VKS) giữ quyền công tố tại phiên tòa đã nêu quan điểm về vụ án và đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Theo đó, Dự án đường cao tốc TPHCM – Trung Lương (giai đoạn 1) được hình thành từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng Đề án chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương (gọi tắt là Đề án) để hoàn trả ngân sách nhà nước kinh phí đã đầu tư cho dự án. Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, xuất phát từ động cơ cá nhân, bị cáo Đinh La Thăng đã gọi điện thoại cho lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (đơn vị trực thuộc Bộ GTVT, được giao tiếp nhận Đề án) giới thiệu Đinh Ngọc Hệ tiếp cận Đề án, sau đó tạo điều kiện cho công ty của bị cáo Hệ trúng đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương.
Xuyên suốt quá trình triển khai xây dựng Đề án, Quy chế bán đấu giá quyền thu phí, tổ chức bán đấu giá và quản lý việc thực hiện Hợp đồng mua bán quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, các bị cáo Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường cùng đồng phạm ở từng cương vị, từng giai đoạn đã làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Cụ thể là quyết định cho đơn vị trúng thầu thanh toán làm 3 lần (quy định là 2 lần); xây dựng giá khởi điểm và phê duyệt giá khởi điểm để bán đấu giá khi không thành lập Hội đồng định giá tài sản; không tiến hành kiểm tra năng lực thực tế của đơn vị tham gia đấu thầu; tổ chức bán đấu giá, phê duyệt kết quả bán đấu giá là tài sản nhà nước khi chỉ có 1 người tham gia…
Đại diện VKS khẳng định, cáo trạng của Viện KSND Tối cao truy tố các bị cáo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, có căn cứ.
Với vai trò Bộ trưởng Bộ GTVT vào thời điểm đó, là người đứng đầu được giao quản lý tài sản tại Bộ GTVT, trong đó có quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, bị cáo Đinh La Thăng đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị tiếp nhận lại Đề án chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương.
Bị cáo nắm rõ các quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước và quy định về việc chuyển giao quyền thu phí, nhưng xuất phát từ mối quan hệ với bị cáo Đinh Ngọc Hệ nên giới thiệu công ty của Hệ tham gia mua quyền thu phí dù công ty này không có năng lực tài chính.
Tại phiên tòa, bị cáo Thăng không thừa nhận mối quan hệ với bị cáo Hệ, và phủ nhận việc giới thiệu bị cáo Hệ tham gia thu phí. Dù vậy, đại diện VKS cho rằng, có đủ căn cứ xác định bị cáo đã thực hiện các hành vi như cáo trạng truy tố. Bị cáo Thăng phải chịu trách nhiệm chính về toàn bộ các sai phạm của các cán bộ tại Bộ GTVT trong việc tổ chức bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương. Tuy nhiên, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ (có nhiều đóng góp, được nhận nhiều bằng khen, giấy khen) nên đại diện VKS đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét giảm một phần hình phạt đối với bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Hồng Trường (thời điểm đó là Thứ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương), trong quá trình triển khai thực hiện việc bán đấu giá quyền thu phí, biết bị cáo Đinh La Thăng và bị cáo Đinh Ngọc Hệ có mối quan hệ cá nhân, xuất phát từ động cơ nể nang giữa cấp trên và cấp dưới nên đã có nhiều hành vi sai phạm, dẫn đến Công ty Yên Khánh chiếm đoạt hơn 725 tỷ đồng. Đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét giảm một phần hình phạt đối với bị cáo Trường vì bị cáo thành khẩn khai báo trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử; có nhiều cống hiến, đóng góp cho xã hội; gia đình bị cáo có công với cách mạng...
Dù bị cáo Đinh Ngọc Hệ tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng từ những tài liệu, chứng cứ và lời khai của các bị cáo khác tại phiên tòa cho thấy, bị cáo đóng vai trò chủ mưu trong việc thực hiện các hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản. Bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện một loạt hành vi phạm tội. Cụ thể, bị cáo chỉ đạo nhân viên làm giả hồ sơ năng lực tài chính 2 công ty do bị cáo thành lập để đủ điều kiện tham gia đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương; sau khi Công ty Yên Khánh trúng đấu giá, bị cáo chỉ đạo thuê Công ty Xuân Phi viết phần mềm để xâm nhập, can thiệp vào hệ thống phần mềm quản lý doanh thu của Bộ GTVT; từ đó che giấu doanh thu thực tế, chiếm đoạt hơn 725 tỷ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Hệ dùng ảnh hưởng của mình để tác động đến một số người có chức vụ, quyền hạn cho Công ty Licogi 13 tham gia thi công hai hạng mục trong gói thầu XL 01-3 của Dự án BOT cầu Việt Trì. Qua đó, bị cáo được Công ty Licogi 13 bán căn biệt thự với giá thấp hơn giá quy định hơn 3,4 tỷ đồng.
Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên mức án cụ thể đối với từng bị cáo như sau:
- Đinh La Thăng (nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT) mức án từ 10-11 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
- Nguyễn Hồng Trường (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT) từ 6-7 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
- Dương Tuấn Minh (nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long) từ 5-6 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
- Dương Thị Trâm Anh (nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long) từ 5-6 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
- Nguyễn Chí Thành (nguyên Quyền Vụ trưởng Vụ tài chính, Bộ GTVT) từ 3-4 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
- Lê Trung Cường (nguyên chuyên viên Vụ Tài chính, Bộ GTVT) từ 3-4 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
- Nguyễn Thu Trang (nguyên Phó Phòng Đầu tư và quản lý đấu thầu, Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long) từ 3-4 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
- Đinh Ngọc Hệ (nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, từ 13-14 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”; hình phạt chung là tù chung thân.
- Phạm Văn Diệt (nguyên Tổng Giám đốc điều hành Công ty Đức Bình) từ 11-12 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Tô Phước Hùng (nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh) từ 11-12 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Vũ Thị Hoan (nguyên Giám đốc Công ty Yên Khánh) từ 7-8 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Phạm Tấn Hoàng (nguyên Phó Phòng Kế toán Công ty Yên Khánh) từ 6-7 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Trần Văn Miền (nguyên Phó Giám đốc Công ty Yên Khánh, chi nhánh Long An) từ 8-9 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Nguyễn Thị Kim Huệ (nguyên Kế toán Công ty Yên Khánh) từ 6-7 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Đinh Thị Chung (nguyên Kế toán Công ty Yên Khánh) từ 2-3 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Tạ Đức Minh (nguyên Thủ quỹ Công ty Yên Khánh) từ 2-3 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Lê Thị Những (nguyên Nhân viên Hành chính nhân sự Công ty Đức Bình) từ 2-3 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Ngô Bá Thắng (nguyên Giám đốc Công ty Yên Khánh, chi nhánh Long An) từ 6-7 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Nguyễn Xuân Hiền (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuân Phi) từ 6-7 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Hoàng Tô Hạnh Vân (nguyên nhân viên Công ty Xuân Phi) từ 4-5 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Đinh Ngọc Hệ phải bồi thường toàn bộ số tiền lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 725 tỷ đồng và số tiền trục lợi từ việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn đối với người khác hơn 3,4 tỷ đồng. Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tiếp tục duy trì kê biên, phong tỏa các tài sản của bị cáo Hệ để đảm bảo thi hành án.
Sau khi đại diện VKS luận tội và đề nghị mức án, các luật sư bắt đầu bào chữa cho các bị cáo.
Bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng, LS Trương Trọng Nghĩa cho rằng, cáo trạng quy kết các hành vi phạm tội đối với bị cáo Thăng không phù hợp chứng cứ, không thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm.
Không có chứng cứ cho thấy bị cáo Thăng gọi điện thoại cho Dương Tuấn Minh (nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long) giới thiệu Đinh Ngọc Hệ hay Công ty Yên Khánh tiếp cận Đề án chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương. Hơn nữa, vào thời điểm tháng 2-2012, Tổng Công ty Cửu Long chưa được Bộ GTVT xem xét, giao xây dựng Đề án. Dù là Bộ trưởng Bộ GTVT lúc đó, bị cáo Đinh La Thăng không thể có vai trò quyết định trong việc thực hiện Đề án.
Việc bị cáo Thăng ký 2 văn bản (văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ với nội dung Bộ GTVT đồng ý tiếp nhận Đề án, và văn bản thành lập Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương) không phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả vụ án. Không có cơ sở kết luận bị cáo Thăng vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Tham gia bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng, các luật sư khẳng định thân chủ của mình không phạm tội.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Đinh La Thăng phản bác toàn bộ nội dung cáo buộc trong cáo trạng.
(Theo SGGP)