Lừa đảo trên điện thoại và mạng xã hội: Nhận diện và phòng ngừa

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/6/2022 | 7:14:11 AM

YênBái - Với chủ trương thực hiện chuyển dịch sang nền kinh tế số, các hoạt động thương mại điện tử, mạng xã hội... ở nước ta sẽ ngày càng phát triển, bên cạnh những lợi ích to lớn mang lại thì tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cũng sẽ gia tăng, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn.

Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm chuyên dụng để làm việc, hội họp, học tập, kinh doanh, mua sắm, giao tiếp... trực tuyến ở nước ta phát triển mạnh mẽ.  Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chủ trương giãn cách xã hội để phòng, chống dịch của Chính phủ, nhiều hoạt động trao đổi thông tin mua bán... của người dân đều được thực hiện qua không gian mạng. Lợi dụng tình hình trên, hoạt động sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng gia tăng với nhiều phương thức thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia và gây thiệt hại lớn.

Các loại tội phạm sử dụng một số phương thức phổ biến. Thứ nhất, xâm nhập, sử dụng bất hợp pháp tài khoản, lập tài khoản giả danh trên mạng xã hội kết bạn, làm quen nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng giả danh chủ tài khoản, nhắn tin cho bị hại để vay tiền hoặc nhờ chuyển tiền giúp vì lý do vướng mắc chưa thể trực tiếp chuyển khoản được. 

Ngay sau khi nhận được tiền chuyển từ bị hại, các đối tượng lập tức chuyển tiền sang các ngân hàng khác (tất cả tài khoản trên đều không đứng tên, địa chỉ của đối tượng). Đối tượng thường chuyển tiền vào tài khoản đại lý game cờ bạc, mua thẻ game, thẻ cào viễn thông mang ra các đại lý bán lấy tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản trung gian khác để lấy tiền mặt. 

Ngoài ra, các đối tượng cũng có thể lập tài khoản Zalo, sử dụng tên, ảnh đại diện và các thông tin giống với tài khoản của người quen của bị hại, sau đó, giả danh người quen nhắn tin với bị hại và nhờ chuyển tiền để chiếm đoạt. 

Thứ hai, kết bạn qua mạng xã hội, xây dựng tình cảm và hứa hẹn gửi quà có giá trị, sau đó, yêu cầu chuyển tiền nộp thuế hoặc phí thông quan, nhằm chiếm đoạt tài sản. 

Ở chiêu trò này, các đối tượng cho người đóng giả làm nhân viên hải quan, thuế hoặc công an… gọi điện thoại thông báo với nạn nhân yêu cầu nộp tiền vào tài khoản của chúng, sau khi đã nhận được tiền thì… cắt liên lạc. 

Thứ ba, lừa đảo qua mạng xã hội bằng hình thức gửi tin nhắn trúng thưởng. Các đối tượng thu thập thông tin số điện thoại hoặc tài khoản mạng xã hội của bị hại sau đó sử dụng số điện thoại sim rác, tài khoản mạng xã hội khác (với tên hấp dẫn như tri ân khách hàng, quà tặng, chương trình trúng thưởng... hay tên của doanh nghiệp, hoặc của người nổi tiếng) sau đó, chúng phát tán các tin nhắn trúng thưởng đến các bị hại. 

Khi bị hại truy cập và hoàn tất các thủ tục trên website, các đối tượng yêu cầu người dùng nộp lệ phí bằng nhiều hình thức như chuyển khoản, nạp thẻ cào điện thoại nhằm chiếm đoạt tài sản và chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội đó. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo áp dụng thủ đoạn lợi dụng hình thức kinh doanh đa cấp, đầu tư tài chính, đánh bạc qua mạng; kinh doanh tiền ảo, tiền kỹ thuật số… Với thủ đoạn nêu trên, các đối tượng đã chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của các nhà đầu tư. 

Nguyên nhân dẫn đến các loại tội phạm xuất phát từ công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông, viễn thông, ngân hàng… còn nhiều hạn chế. Hành vi mua, bán dữ liệu thông tin khách hàng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, khó xử lý. 

Hành lang pháp lý cũng có nhiều bất cập, nhất là quy định về phong tỏa tài khoản ngân hàng, trì hoãn giao dịch, ngăn chặn dòng tiền vi phạm pháp luật chưa được chặt chẽ.

 Công tác quản lý hoạt động trung gian thanh toán, nhất là quản lý tài khoản ví điện tử còn tồn tại những lỗ hổng. Công tác xác minh, điều tra, xử lý tội phạm gặp rất nhiều khó khăn do các đối tượng lợi dụng triệt để các ứng dụng khoa học công nghệ để thực hiện và che giấu hành vi phạm tội, thủ đoạn phạm tội thay đổi từng ngày, từng giờ; chúng đặt máy chủ ở nước ngoài… 

Với chủ trương thực hiện chuyển dịch sang nền kinh tế số, các hoạt động thương mại điện tử, mạng xã hội... ở nước ta sẽ ngày càng phát triển, bên cạnh những lợi ích to lớn mang lại thì tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cũng sẽ gia tăng, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn. 

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, chúng ta cần tăng cường quản lý nhà nước về an toàn, an ninh mạng, nhất là đối với báo điện tử, mạng xã hội, trò chơi trực tuyến, thuê bao di động trả trước, hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet... 

Mỗi cá nhân và người dân cần tự nâng cao ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân của bản thân: không chia sẻ thông tin cá nhân, bản ảnh giấy tờ tùy thân của bản thân lên Internet. Không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: căn cước công dân, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng; không mở hộ tài khoản ngân hàng cho người khác; không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết; đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng điện thoại cố định người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. Khi mua hàng qua mạng, cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. 

Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động sử dụng không gian mạng chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.

Lê Phiên

Các tin khác

Bộ Công an đã có quyết định khởi tố đối với ông Chu Ngọc Anh- cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Long- cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Phạm Công Tạc - cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trung tâm CDC Cần Thơ

Thanh tra TP Cần Thơ đã kiến nghị chuyển vụ sai phạm tại Trung tâm CDC liên quan tới Việt Á cho cơ quan công an điều tra.

Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thông báo tìm các các nhà đầu tư (bị hại) liên quan đến vụ án Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại FLC và các công ty có liên quan.

Đối tượng Giàng A Cả tại cơ quan điều tra và tang vật vụ án.

Vừa qua, Công an Yên Bái bắt giữ 1 đối tượng mua bán trái phép 1 bánh heroin.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục