Sáng 2.8, trao đổi với PV, ông Lương Xuân Trường - Chủ tịch UBND xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình cho biết, đoàn liên ngành gồm Phòng Tài nguyên môi trường (TNMT) huyện Yên Bình, cán bộ Sở TNMT tỉnh Yên Bái, Công an huyện Yên Bình và lãnh đạo UBND xã Thịnh Hưng đã tiến hành kiểm tra 3 điểm đổ chôn và đốt chất thải của Công ty Hoàng Gia Yên Bái theo thông tin Báo Lao Động phản ánh.
Đạt doanh thu hàng trăm tỉ đồng/năm, nhưng mọi hoạt động ăn, nghỉ của công nhân tại Hoàng Gia Yên Bái đều tạm bợ trên những tấm ván gỗ.
Một trong ba vị trí mà Công ty Hoàng Gia dùng để chôn lấp, đốt chất thải trong quỹ đất mà doanh nghiệp này san lấp trái phép lòng hồ Thác Bà.
"Hiện tất cả các biên bản làm việc sẽ được chuyển tới UBND huyện, và phía UBND huyện cũng yêu cầu doanh nghiệp có mặt để báo cáo, đưa ra các phương pháp xử lý", ông Trường nói.
Sáng cùng ngày, ông Hà Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường (TNMT) tỉnh Yên Bái cũng cho PV Báo Lao Động hay: "Cán bộ của Sở đã phối hợp cùng các cơ quan chức huyện Yên Bình kiểm tra tại Công ty Hoàng Gia Yên Bái, thông tin chi tiết UBND huyện sẽ có báo cáo".
Liên quan đến các sai phạm về môi trường kéo dài từ những năm 2017 đến nay, vị Phó Giám đốc Sở TNMT cho biết, đơn vị cũng đã có báo cáo chi tiết vào đầu năm 2022.
Theo báo cáo này, cho đến thời điểm hiện tại, Công ty Hoàng Gia Yên Bái vẫn chưa thực hiện nghiêm việc bốc, xúc toàn bộ lượng đất, đá thải trước đây Công ty đã đổ xuống eo, ngách hồ Thác Bà.
Các chất thải được đổ sẵn xuống hồ chờ chôn lấp.
Không chỉ gây bất ổn môi trường, hoặc chôn chất thải xuống hồ Thác Bà, Công ty Hoàng Gia Yên Bái còn là "điểm đen" vi phạm Luật Lao động.
Vào làm tại công ty này, người lao động phải chấp nhận "bốn không": Không hợp đồng lao động, không quyền lợi bảo hiểm, không nhà ăn, không thưởng - chỉ phạt, thúc ép làm quá giờ trong môi trường nặng nhọc nhưng lại nợ lương để ràng buộc,...
Đã vậy, Công ty Hoàng Gia Yên Bái còn liên tục bị tố nợ lương, quỵt lương và nhập nhèm trong việc sử dụng lao động nước ngoài trong danh xưng chuyên gia.
Những phiếu phạt với chi chít lỗi chính tả liên tiếp giáng xuống đầu công nhân.
Để làm rõ những vi phạm này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Lương - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Yên Bái. Qua điện thoại ông Lương khẳng định: "Hiện chúng tôi đã thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra những thông tin mà người lao động phản ánh và đang chờ xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh".
Theo tìm hiểu, bên trong khu đất của Công ty Hoàng Gia Yên Bái thực chất có nhiều doanh nghiệp cùng đăng ký hoạt động và đều do một nhóm người điều hành. Nổi bật nhất là 2 cái tên: Công ty Hoàng Gia Yên Bái và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại 186 Yên Bái.
Được biết, Công ty Hoàng Gia Yên Bái thành lập ngày 9.3.2017 với vốn điều lệ 22 tỉ đồng. Cơ cấu cổ đông sáng lập gồm ông Nguyễn Trọng Sơn (SN 1984) sở hữu 49% và ông Ngô Quang Tùng (SN 1986) sở hữu 51%, kiêm người đại diện pháp luật.
Còn tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại 186 Yên Bái (thành lập 16.10.2019), người đại diện pháp luật được đảo lại là ông Nguyễn Trọng Sơn.
Chỉ tính riêng năm 2021, doanh thu Hoàng gia Yên Bái đạt mức 472,4 tỉ đồng; Sản xuất và Thương mại 186 Yên Bái đạt 406,5 tỉ đồng.
Tuy nhiên trái ngược với doanh thu ấn tượng, cho đến thời điểm hiện tại, 1 doanh nghiệp vẫn báo lỗ lũy kế, 1 thì báo lãi rất mỏng, hầu như chỉ tượng trưng.
(Theo LĐO)