Theo công điện, trong những ngày qua, mặc dù giá xăng dầu trong nước bước đầu giảm nhưng giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn ở mức cao gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của nhân dân.
Trước tình hình đó, ngày 31/7/2022, Thủ tướng ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, trong đó có giao cho Bộ Công Thương trong phạm vi, lĩnh vực, thẩm quyền quản lý đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găn hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Để thực hiện kịp thời, nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 679/CĐ-TTg, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường triển khai đợt tổng kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm 2022; xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội trên địa bàn được giao quản lý.
Bên cạnh đó, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong cả nước tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp; triển khai đợt cao điểm kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý, từ nay cho đến hết năn 2022.
Ngoài ra, phối hợp với cơ quan báo chí, thông tin công khai, minh bạch để dư luận rõ về thủ đoạn, nguyên nhân, hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong chấp hành pháp luật về giá, đặc biệt là đối với các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, thịt lợn, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế phòng chống dịch.
- Kịp thời tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương về tình hình biến động của giá cả thị trường hàng hoá nói chung và hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân nói riêng, đặc biệt là những mặt hàng lương thực, thực phẩm, thịt lợn, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế phòng chống dịch, qua đó có những kiến nghị, đề xuất cụ thể về kiểm soát và bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm triển khai ngay kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm 2022; xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội trên địa bàn được giao quản lý.
Cần tập trung, quyết liệt chỉ đạo công tác quản lý theo địa bàn, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của tình hình sản xuất, điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để báo cáo ngay với Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường cũng như cấp uỷ, chính quyền địa phương về tình trạng, nguyên nhân và đề xuất hướng xử lý trong đó có đánh giá hệ thống kênh phân phối, cung ứng, làm rõ các bất cập, hạn chế (nếu có) để đề xuất các giải pháp khắc phục bảo đảm giảm thiểu khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán; tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ tinh gọn, hiệu quả, có chi phí lưu thông hợp lý trong cơ cấu giá bán; rà soát để trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định.
Cùng với đó, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu nhận thức đúng và tích cực tham gia chương trình bình ổn giá tại địa phương đặc biệt là niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
- Chủ trì, phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng khác trong Ban chỉ đạo 389 các cấp hoặc các địa phương có liên quan để kịp thời phát hiện, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương để chủ động điều hành, kiểm tra, giám sát, xử lý theo thẩm quyền phù hợp, kịp thời, khoa học, hiệu quả, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của nhân dân.
Bộ Công Thương đề nghị cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp cùng phối hợp chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để lực lượng quản lý thị trường triển khai kịp thời có hiệu quả đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá. Tổng cục Quản lý thị trường và các đơn vị thuộc, trực thuộc khẩn trương, nghiêm túc thực hiện và báo cáo kịp thời.
(Theo VTC)