Theo đó, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Xuân Quý (sinh năm 1983, trú tại thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội) tử hình về các tội: Mua bán, Tổ chức sử dụng và Tàng trữ trái phép chất ma túy.
Tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Ngọc tử hình về hai tội "Mua bán và Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý". Bị cáo Nguyễn Trung Nguyên lĩnh 26 năm tù về cả hai tội danh này. Bị cáo Nguyễn Công Thường bị phạt tù chung thân về tội "Mua bán trái phép chất ma túy".
Liên quan vụ án, bị cáo Đỗ Thị Lưu (sinh năm 1969, cựu Trưởng khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1) bị phạt 3 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Nguyễn Anh Vũ (cựu kỹ thuật viên bệnh viện) lĩnh 7 năm về tội "Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy". Nguyễn Minh Huệ và Bùi Thị Hạt (điều dưỡng và hộ lý bệnh viện) cùng bị phạt 5 năm tù về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy".
Hai bị cáo còn lại là Lê Hoàng Hải lĩnh 7 năm 6 tháng, Bùi Chí Hải lĩnh 9 năm tù về cùng tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy".
Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng; vì hám lợi, ham vui, các bị cáo đã bất chấp quy định, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm mất lòng tin của người dân với ngành Y.
Đánh giá vai trò của các bị cáo, Hội đồng xét xử xác định, bị cáo Quý giữ vai trò cầm đầu, chủ mưu, Ngọc giúp sức tích cực. Bị cáo Ngọc thực hiện các hành vi đóng gói, bán ma túy, giao ma túy cho Quý.
Ngoài án phạt tù các bị cáo, Hội đồng xét xử còn kiến nghị Công an thành phố Hà Nội điều tra sai phạm nếu có của lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 tại thời điểm để xảy ra vụ án, để không bị lọt tội phạm.
Tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo đều khai nhận hành vi vi phạm, riêng bị cáo Đỗ Thị Lưu không thừa nhận sai phạm.
Trong lời nói sau cùng, bị cáo Quý gửi lời xin lỗi đến lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 và mong được Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Kết quả giám định tâm thần xác định, bị cáo Quý có đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự tại thời điểm xảy ra vụ án.
Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Xuân Quý là người đang bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.
Khoảng cuối năm 2020, Quý tự cải tạo buồng bệnh thêm một phòng riêng, có hệ thống loa, ampli, đèn nháy phục vụ việc "bay, lắc", giao dịch mua bán ma túy và tổ chức sử dụng ma túy. Ngoài ra, Quý còn tổ chức hệ thống gồm nhiều người khác tham gia mua bán ma túy ngay trong bệnh viện.
Quý khai khi cải tạo xong buồng bệnh, Trưởng khoa Đỗ Thị Lưu cùng điều dưỡng trưởng có biết và nhắc nhở, yêu cầu tháo dỡ nhưng Quý không thực hiện.
Đáng chú ý, để được bao che, Quý khai đã hàng tháng "nộp tiền" cho bị cáo Lưu từ 6 -10 triệu đồng. Việc đưa tiền này nhằm mục đích để Quý được đưa bạn bè, người lạ vào buồng bệnh mà không bị nhắc nhở.
Tại tòa, bị cáo Lưu khai có biết việc Quý tự ý cải tạo phòng bệnh, đã yêu cầu tháo dỡ nhưng Quý không thực hiện. Do Quý là bệnh nhân tâm thần hay chửi bới bác sĩ nên Lưu chỉ nhắc nhở một lần và không báo cáo lãnh đạo.
Bị cáo Lưu phủ nhận việc thu tiền phòng hàng tháng của Quý và không biết việc Quý tổ chức mua bán, sử dụng ma túy tại phòng bệnh.
Tòa nhận định, mặc dù bị cáo Lưu không thừa nhận hành vi, nhưng căn cứ lời khai của bị cáo Quý và một số cán bộ của bệnh viện, đủ cơ sở xác định bị cáo Lưu phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Vì động cơ vụ lợi và động cơ cá nhân khác, bị cáo Lưu đã không quyết liệt yêu cầu Quý tháo dỡ phần cải tạo phòng bệnh, dẫn đến việc Quý ngang nhiên đưa người lạ vào khoa, tổ chức sử dụng, mua bán ma túy ngay trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 mà không bị kiểm tra, nhắc nhở, xử lý.
(Theo Tin tức)