Mất hàng chục triệu đồng vì làm theo tin nhắn giả mạo
Hàng loạt ngân hàng đều đã liên tục đưa ra những cảnh báo từ tin nhắn, cho đến ngay trên ứng dụng của ngân hàng. Hay có những ngân hàng cũng có thông báo ngay trong ứng dụng của mình, thậm chí pop up lên ngay màn hình điện thoại của khách hàng rằng "ngân hàng không gửi SMS đi kèm các đường link đăng nhập các dịch vụ, các đường link đăng nhập dịch vụ ĐỀU LÀ GIẢ MẠO. Quý khách tuyệt đối không bấm vào link nếu nhận được tin nhắn có nội dung trên
Ngoài những tin nhắn, nhiều kẻ lừa đảo còn dùng các ứng dụng trò chuyện khác như zalo, viber hoặc thậm chí là gọi điện để yêu cầu chuyển khoản. Nghe thì có vẻ vô lý…nhưng thực tế không ít người đã tin và định chuyển tiền cả tỷ đồng.
Một người dân kể lại cách đây ít lâu, có 1 người tự xưng là công an gọi điện, thông báo bà đang hoạt động cờ bạc và cho vay nặng lãi ở nước ngoài. Người này yêu cầu bà phải làm theo hướng dẫn, chuyển ngay 1,2 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của gia đình vào 1 tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra. Quá hoang mang và mong muốn chứng minh bản thân mình trong sạch, bà đã đến ngân hàng làm thủ tục chuyển tiền. Nhưng rất may là bà đã được hỗ trợ kịp thời nên mới không bị sập bẫy chiêu trò lừa đảo.
Trước đó, tại chi nhánh ngân hàng này, một giao dịch viên kể lại, đã được 1 phụ nữ cao tuổi đề nghị tất toán trước kỳ hạn cuốn sổ tiết kiệm 1,2 tỷ đồng để chuyển tiền đến 1 tài khoản ngân hàng. Biểu hiện bất thường là ở chỗ, nét mặt và cử chỉ của khách hàng lộ rõ tâm trạng lo lắng, hoảng loạn.
Chị Ngô Thị Minh Thu, Giao dịch viên Ngân hàng Agribank, chi nhánh Kiến Thụy, Hải Phòng kể lại: "Hôm đó, thuyết phục mãi mà khách hàng vẫn cứ khăng khăng đề nghị chuyển tiền thật nhanh. Và khi gặng hỏi, thì chỉ bảo, khi nào xong việc mới có thể nói được lý do .Trước sự việc như vậy tôi đã báo cho Công an để cử cán bộ đến kịp thời phân tích, thuyết phục khách hàng dừng ngay việc chuyển tiền".
Liên quan đến vụ viêc này, Đại uý Nguyễn Kim Thịnh, Phó Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Kiến Thụy, Hải Phòng cho biết: "Chúng tôi đã triển khai xác minh số điện thoại, tài khoản Zalo của đối tượng hối thúc người dân chuyển tiền và số tiền cũng như thân nhân lai lịch của người dân. Kết quả là số điện thoại có đầu số từ nước ngoài, Zalo cũng chỉ là tài khoản ảo không liên lạc được. Còn người dân thì cũng là người thật thà, chưa có tiền án tiền sự và số tiền cũng là do làm ăn tích cóp nhiều năm. Nên chúng tôi nhận định đây là vụ việc có dấu hiệu lừa đảo"...
Quá trình kết bạn, hẹn hò qua mạng cũng tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo.
Trên Fanpage của một chi nhánh ngân hàng khác cũng vừa phát đi cảnh báo lừa đảo. Đại diện chi nhánh cho biết, quá trình kết bạn, hẹn hò qua mạng, 1 phụ nữ trung niên đã được 1 đối tượng hứa hẹn tặng những món quà đắt tiền, rồi hối thúc chuyển tiền để làm thủ tục nhận quà. Cũng rất may là trong lúc làm thủ tục chuyển tiền tại đây, vụ việc đã được phát hiện và kịp thời ngăn chặn.
Phòng chống lừa đảo chuyển tiền qua mạng
Lừa đảo qua điện thoại và internet là một vấn nạn ở nhiều quốc gia, không chỉ gây thiệt hại về tiền bạc mà còn xâm phạm quyền riêng tư của người dân.
Ông bà ta đã có câu: "Đề phòng người ngay, không phòng kẻ gian".
Bởi lẽ kẻ gian thì có quá nhiều thủ đoạn khiến chúng ta có đề phòng vẫn mắc bẫy. Khi công nghệ phát triển thì các thủ đoạn lừa đảo càng tinh vi hơn. Đánh vào tâm lý lo sợ, đánh vào lòng tham của người khác... chúng dễ dàng lừa đảo được mọi người.
Lừa đảo để chiếm đoạt tín dụng không còn là câu chuyện mới, nhưng thủ đoạn lừa đảo thì ngày càng đổi mới cho dù các ngân hàng, các tổng đài đã phát đi các thông tin để cảnh báo người dân. Chính vì vậy, ngoài việc các Bộ, ngành tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, đưa ra các cảnh báo… thì chính mỗi người dân cũng nên cẩn trọng và tỉnh táo khi nhận được các cuộc gọi hoặc thông báo bất thường.
(Theo VTV)