Tòa tuyên 4 án tù chung thân vụ ''chuyến bay giải cứu''

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/7/2023 | 5:28:32 PM

Chiều 28/7, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án với 54 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu". Bốn bị cáo Tô Anh Dũng, Phạm Trung Kiên, Vũ Anh Tuấn, Hoàng Văn Hưng bị tuyên phạt tù chung thân.

Vào 13h40, các bị cáo lần lượt được dẫn giải đến tòa và đưa vào phòng xét xử.

Trước khi HĐXX bắt đầu tuyên án, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng xin có ý kiến nhưng không được chủ tọa chấp thuận. Chủ tọa phiên tòa thông báo chiều nay là phần tuyên án nên bị cáo có ý kiến thì làm đơn gửi cơ quan tố tụng xem xét.

HĐXX cho rằng, tại tòa cơ bản các bị cáo khai nhận hành vi phạm tội nên HĐXX không phân tích thêm.

Tuy nhiên, một số bị cáo không nhận tội đưa và nhận hối lộ, và cho rằng các bị cáo không thỏa thuận với doanh nghiệp về việc sẽ làm gì hoặc không làm gì, cũng không yêu cầu doanh nghiệp chi tiền cảm ơn. Sau khi thực hiện các chuyến bay, doanh nghiệp đưa tiền cảm ơn cho bị cáo chứ không phải là đưa hối lộ.

Về vấn đề trên, HĐXX viện dẫn các quy định tại khoản 1, Điều 354 và khoản 2, Điều 222 Bộ luật Hình sự để cho thấy hành vi của các bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội "Nhận hối lộ".

Theo Hội đồng xét xử (HĐXX), quá trình điều tra và tranh tụng tại tòa, một số doanh nghiệp nộp hồ sơ xin được cấp phép chuyến bay nhưng không được cấp phép, bị từ chối hoặc bị cấp phép muộn. Điều này khiến các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay bị thua lỗ.

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã liên hệ với các bị cáo để đặt vấn đề nhờ giúp nhằm được cấp phép chuyến bay. Sau đó các doanh nghiệp đều được cấp phép nhiều hơn, số khách được đưa về nhiều hơn, được cấp phép sớm hơn.

Ngoài bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) và Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an) đòi hỏi, đưa ra giá, các bị cáo thuộc Văn phòng Chính phủ và các cơ quan khác dù không thỏa thuận, yêu cầu phải đưa bao nhiêu tiền nhưng đều gặp gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp trước hoặc sau các chuyến bay và sau đó các doanh nghiệp đều đưa tiền cảm ơn.

Số tiền cảm ơn dựa trên số lượng các chuyến bay, số khách trên các chuyến bay, thường ở mức tiền lớn, rất lớn, đặc biệt lớn. Việc nhận tiền của các bị cáo diễn ra thường xuyên, liên tục, vượt quá mức lương công chức rất nhiều.

Tại CQĐT và tại tòa, các bị cáo là đại diện các doanh nghiệp đều thừa nhận, nếu không đưa tiền thì doanh nghiệp của các bị cáo sẽ không được tạo điều kiện tốt để thực hiện các chuyến bay. Việc đưa tiền phải thực hiện trước hoặc sau các chuyến bay. Việc đưa tiền là chia sẻ lợi nhuận của doanh nghiệp để tiếp tục được cấp phép chuyến bay.

HĐXX cũng nhận định, sau khi nhận tiền các bị cáo nhóm tội "Nhận hối lộ" đã chiếm hưởng, sử dụng vào mục đích cá nhân. Việc các luật sư nói đó là tiền cảm ơn, không phải tiền hối lộ là không đúng.


Các bị cáo nghe tòa tuyên án.

HĐXX tuyên phạt các bị cáo thuộc nhóm tội Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

Nhóm bị cáo phạm tội "Nhận hối lộ":

Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao): 16 năm tù

Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao): Chung thân

Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao): 12 năm tù

Nguyễn Quang Linh (cựu Trợ lý Phó Thủ tướng): 7 năm tù

Chử Xuân Dũng (cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội): 3 năm tù

Trần Văn Tân (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam): 6 năm tù

Trần Văn Dự (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an): 7 năm tù

Nguyễn Thanh Hải (cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế Văn phòng Chính phủ): 6 năm tù

Lê Tuấn Anh (cựu Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự): 42 tháng tù

Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế): Chung thân

Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an): Chung thân

Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an): 9 năm tù

Nguyễn Tiến Thân (cựu chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế Văn phòng Chính phủ): 5 năm tù

Nguyễn Mai Anh (cựu Chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế Văn phòng Chính phủ): 6 năm tù

Nguyễn Hồng Hà (cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản): 4 năm tù

Vũ Hồng Quang (cựu Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải): 4 năm tù

Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản): 30 tháng tù

Ngô Quang Tuấn (cựu chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giao thông vận tải): 4 năm tù

Vũ Ngọc Minh (cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola): 30 tháng tù

Lưu Tuấn Dũng (cựu Phó Trưởng phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao): 18 tháng tù

Lý Tiến Hùng (cựu Chuyên viên Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo): 30 tháng tù

Về hình phạt bổ sung, phạt tiền mỗi bị cáo 100 triệu đồng.

* Tịch thu, sung công 30 tỷ đồng của bị cáo Phạm Trung Kiên.

Nhóm bị cáo phạm tội "Đưa hối lộ":

Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky): 11 năm tù

Lê Hồng Sơn (Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky): 10 năm tù

Hoàng Diệu Mơ (Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch Dịch vụ Hàng không An Bình): 7 năm tù

Nguyễn Tiến Mạnh (Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại Du lịch Lữ Hành Việt): 7 năm tù

Vũ Thùy Dương (Giám đốc Công ty CP Thương mại Lữ Hành Việt): 3 năm tù treo

Hoàng Anh Kiếm (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội): 6 năm tù

Nguyễn Thị Tường Vy (Giám đốc Công ty TNHH một thành viên ATA Việt Nam): 4 năm tù

Võ Thị Hồng (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hàng không Minh Ngọc): 4 năm tù

Lê Văn Nghĩa (Giám đốc Công ty CP Du lịch và Dịch vụ ăn uống Nhật Minh): 3 năm tù

Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty MasterLife): 3 năm tù

Lê Thị Ngọc Anh (cựu cán bộ Ban Đối ngoại Trung ương Đảng): 3 năm tù

Nguyễn Thị Hiền (ở quận Long Biên, Hà Nội): 30 tháng tù

Đào Minh Dương (Giám đốc Công ty cổ phần Vijasun): 3 năm tù

Nguyễn Thị Dung Hạnh (Giám đốc Công ty TNHH G19 Việt Nam): 30 tháng tù

Phan Thị Mai (Giám đốc Công ty CP Quốc tế Sao Hà Nội): 30 tháng tù treo

Vũ Minh Thắng (Giám đốc Công ty Đầu tư và Thương mại Thuận An): 30 tháng tù treo

Nguyễn Thế Dũng (Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Thương Mại Sang Trọng): 24 tháng tù treo

Trần Hồng Hà (Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng Nguồn nhân lực và Thương mại Quốc tế Sao Việt): 24 tháng tù treo


HĐXX vụ "chuyến bay giải cứu". 

Phạm Bích Hằng (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội): 20 tháng tù

Trần Tiến (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Phi Trường): 18 tháng tù treo

Phạm Bá Sơn (nhân viên Công ty CP Xây dựng Thái Hòa): 18 tháng tù treo

Tào Đức Hiệp (Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Dịch vụ Công đoàn Đường sắt): 18 tháng tù treo

Đào Thị Chung Thúy (ở quận Hà Đông, Hà Nội): 15 tháng tù treo

Về hình phạt bổ sung, phạt tiền mỗi bị cáo 50 triệu đồng; 3 bị cáo được miễn hình phạt bổ sung.

Nhóm bị cáo phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”:

Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia): 4 năm tù

Nguyễn Lê Ngọc Anh (cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia): 30 tháng tù

Nguyễn Hoàng Linh (cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia): 30 tháng tù

Đặng Minh Phương (cựu kế toán Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia): 18 tháng

Về hình phạt bổ sung, phạt tiền mỗi bị cáo 50 triệu đồng.

Nhóm bị cáo phạm tội "Môi giới hối lộ”:

Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội): 5 năm tù

Trần Quốc Tuấn (Giám đốc Công ty CP Xúc tiến Thương mại và Du lịch Việt Nam): 3 năm tù

Bùi Huy Hoàng (cựu chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế): 30 tháng tù

Phạm Thị Kim Ngân (cựu cán bộ Phòng Trị sự Tạp chí Thanh tra Chính phủ): 15 tháng tù

Về hình phạt bổ sung, phạt tiền mỗi bị cáo 50 triệu đồng. Bị cáo Phạm Thị Kim Ngân và Trần Quốc Tuấn được miễn hình phạt bổ sung.

Nhóm bị cáo phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản":

Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên): Chung thân

Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty CP Xây dựng Thái Hòa): 16 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 2 năm tù về tội Đưa hối lộ

(Theo Vietnamnet)

Các tin khác
Một hệ thống lừa đảo mời gọi những người nhẹ dạ, cả tin tham gia vào đầu tư

Dù ngành chức năng đã tăng cường tuyên truyền, cảnh báo về tình trạng lừa đảo trên không gian mạng. Tuy nhiên, trong xu thế 4.0, giao tiếp, trao đổi qua không gian mạng ngày càng trở nên phổ biến, tội phạm lừa đảo qua mạng lại thường sử dụng các chiêu thức tinh vi, nên nhiều người dân ở Yên Bái vẫn sập bẫy.

Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất tạm ngừng cung cấp Internet đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng. (Ảnh minh hoạ).

Bộ Thông tin - Truyền thông đề xuất từ chối cung cấp hoặc tạm ngừng cung cấp internet đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.

Ảnh minh họa

Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái vừa đưa ra xét xử bị cáo Giàng A Cả sinh năm 1983, cư trú tại bản Pú Cang, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.

Tòa án nhân dân tỉnh xét xử lưu động một vụ án hình sự liên quan đến tội phạm ma túy tại huyện Văn Chấn.

Thời gian qua, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành và địa phương tăng cường mở các phiên tòa xét xử lưu động. Các phiên tòa này không chỉ mang tính chất răn đe, nghiêm trị đối tượng phạm tội mà còn là hình thức tuyên truyền hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật trong cộng đồng dân cư, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục