Công bố kết luận điều tra vụ Việt Á, hàng loạt cựu lãnh đạo bộ, ngành bị đề nghị truy tố

  • Cập nhật: Thứ bảy, 19/8/2023 | 8:33:31 AM

Chiều 18-8, nguồn tin cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), đồng thời chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố 100 bị can.

Bị can Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long
Bị can Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long

Đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo.

Trong các bị can bị đề nghị truy tố có ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế bị đề nghị truy tố về tội "Nhận hối lộ”.

Khi bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Long bị cáo buộc có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương kit xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Ông Chu Ngọc Anh, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội (cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN), bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí".

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, ông Chu Ngọc Anh có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong việc giao, quản lý, sử dụng Đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm Covid-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.

Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đề nghị truy tố ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương và ông Phạm Mạnh Cường, cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương, về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ông Phạm Xuân Thăng bị cáo buộc có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo làm trái các quy định của pháp luật trong đấu thầu để Công ty Việt Á thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước...

Kết quả điều tra ban đầu xác định, nhằm thu lợi bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào. Trong doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng, Công ty Việt Á chi "hoa hồng" lót tay cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra đã phong tỏa, kê biên, chặn giao dịch, sổ tiết kiệm… tạm giữ tổng cộng khoảng 1.700 tỷ đồng trong vụ án này.

Quá trình mở rộng điều tra, cơ quan tố tụng thuộc Bộ Quốc phòng đã khởi tố một số sĩ quan quân đội để giải quyết theo thẩm quyền.

Trong vụ án, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.

Điều đáng nói, Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 đã "bắt tay" với giám đốc CDC một số địa phương nâng khống giá bộ xét nghiệm Covid-19 để hưởng lợi bất chính số tiền lớn.

Kết quả điều tra đến nay xác định Phan Quốc Việt đã "bắt tay" với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%, số tiền Công ty Việt Á thu về trong vụ này là trên 500 tỷ đồng. Theo lời khai của bị can Việt, số tiền chi "hoa hồng" cho các "đối tác" là gần 800 tỷ đồng.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nhận hối lộ của Việt Á hàng trăm ngàn USD

Quá trình điều tra, ban đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thay đổi tội danh đối với ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương từ tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” thành tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, sau đó cơ quan điều tra tiếp tục thay đổi tội danh với người này thành "Nhận hối lộ”.

Theo C03, ông Phạm Xuân Thăng giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, nhiệm kỳ 2020-2025, từ tháng 11-2020 đến ngày 17-9-2022 (khi bị khởi tố, bắt tạm giam). Ngày 28-1-2021, ông Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Bộ Y tế) gặp Phạm Xuân Thăng để giới thiệu về năng lực, kinh nghiệm chống dịch của Phan Quốc Việt, Công ty Việt Á và đề nghị ông Thăng cho Công ty Việt Á về tỉnh Hải Dương hỗ trợ, phối hợp xét nghiệm chống dịch, ông Thăng sau đó đồng ý.

Vì vậy, tại các cuộc họp trực tuyến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ngày 29-1-2021, ngày 1-2-2021 và ngày 2-2-2021, ông Phạm Xuân Thăng chủ trì và kết luận chỉ đạo UBND tỉnh ký hợp đồng với Công ty Việt Á.


Cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng bị cáo buộc nhận 100.000 USD từ Phan Quốc Việt

Trong quá trình Công ty Việt Á thực hiện việc xét nghiệm phục vụ công tác phòng chống dịch tại Hải Dương, ngày 20-2-2021, Phan Quốc Việt đến phòng làm việc của ông Phạm Xuân Thăng, đề nghị tạo điều kiện để Công ty Việt Á được xét nghiệm cho công nhân tại các khu công nghiệp, công nhân, người lao động ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Sau đó, Phạm Xuân Thăng đồng ý giao Công ty Việt Á là đơn vị chủ công trong công tác xét nghiệm cho tỉnh Hải Dương.

Tại buổi gặp này, Việt đưa cho ông Phạm Xuân Thăng 100.000 USD (tương đương hơn 2,3 tỷ đồng). Ngày 22-2-2021, Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức cuộc họp mở rộng, Phan Quốc Việt được tham dự và phát biểu, cho rằng CDC Hải Dương và Công ty Việt Á có thể đạt năng lực xét nghiệm 60.000 - 80.000 mẫu gộp/ngày. Ông Phạm Xuân Thăng đã kết luận chỉ đạo nâng công suất của CDC Hải Dương lên 60.000 - 80.000 mẫu gộp/ngày, đúng như đề xuất của Phan Quốc Việt.

Trên cơ sở kết luận của ông Phạm Xuân Thăng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Hải Dương ban hành kế hoạch giao Công ty Việt Á phối hợp CDC Hải Dương mở rộng phạm vi xét nghiệm.

Tại cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ngày 25-10-2021 để bàn một số nội dung, trong đó có nội dung liên quan khó khăn trong việc mua sắm vật tư, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch do ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương) ký biên bản và thông báo, từ đây ông Phạm Xuân Thăng đã kết luận chỉ định ông Trần Văn Quân (Phó Chủ tịch UBND tỉnh) ký quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm vật tư, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm đợt 3 năm 2021, để CDC Hải Dương hợp thức hồ sơ đấu thầu, ký hợp đồng, thanh toán tiền với Công ty Việt Á.

Quá trình điều tra, ông Phạm Xuân Thăng khai nhận đã được Phan Quốc Việt đưa 100.000 USD vào ngày 20-2-2021, được Phạm Duy Tuyến đưa 600 triệu đồng và 50.000 USD vào khoảng tháng 5-2021 tại phòng làm việc của ông Phạm Xuân Thăng.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương khai nhận, việc kết luận, chỉ đạo liên quan đến Công ty Việt Á là không đúng thẩm quyền, không đúng quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương, của Tỉnh ủy Hải Dương, không đúng Luật Đấu thầu và điều 22 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, dẫn đến Phan Quốc Việt và Phạm Duy Tuyến lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội, gây thất thoát ngân sách Nhà nước và thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân.

Theo C03, thời điểm đó, CDC Hải Dương đã mua hơn 226.000 kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất, trị giá hơn 106 tỷ đồng. Kết quả điều tra xác định, giá thành sản xuất kit xét nghiệm thực tế là hơn 143.000 đồng/kit. Như vậy, hậu quả thiệt hại tại tỉnh Hải Dương là hơn 73,8 tỷ đồng.

Trong vụ án, Phạm Duy Tuyến còn thỏa thuận, thống nhất nhận 27 tỷ đồng tiền phần trăm ngoài hợp đồng của Công ty Việt Á để ưu tiên sử dụng kit xét nghiệm và tạo điều kiện ký hợp đồng, thanh toán tiền cho Công ty Việt Á theo đơn giá mà doanh nghiệp của Phan Quốc Việt đưa ra.


(Theo SGGP)

Các tin khác
Ảnh minh họa.

UBND tỉnh Yên Bái vùa có Công văn số 2655 UBND yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng.

Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng rời tòa sau phiên xét xử hồi tháng 7.

Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng kháng cáo kêu oan khi bị phạt tù chung thân vì lừa đảo "chạy án" 800.000 USD trong vụ án chuyến bay giải cứu.

Giấy Tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm giả mạo.

Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trên mạng xã hội xuất hiện quảng cáo sản phẩm Tiểu đường bà Sáu có sử dụng hình ảnh 2 loại giấy giả mạo của Cục.

Trang web giả mạo ngân hàng nhằm chiếm đoạt thông tin thẻ tín dụng của nạn nhân.

Các chiêu trò của những đối tượng lừa đảo ngày càng trở nên tinh vi. Người dùng cần hết sức cảnh giác để tránh sập bẫy của kẻ gian.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục