Bắt khẩn cấp Lê Công Định do có những hoạt động chống Nhà nước
- Cập nhật: Chủ nhật, 14/6/2009 | 12:00:00 AM
Ngày 13-6, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt khẩn cấp Lê Công Định (ảnh), SN 1968, chỗ ở BB34, khu phố Mỹ Khang, Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phong, quận 7, TPHCM; đang làm việc tại Công ty luật TNHH một thành viên Lê Công Định (số 37 Tôn Đức Thắng, quận 1, TPHCM), để điều tra về hành vi làm ra, lưu hành, tàng trữ các tài liệu có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vi phạm Điều 88 Bộ luật Hình sự.
|
Hoạt động có tổ chức
Theo điều tra, Lê Công Định có mối liên hệ khá chặt chẽ với một số đối tượng cầm đầu, cốt cán của các tổ chức phản động lưu vong như Hà Đông Xuyến (thành viên tổ chức khủng bố Việt Tân), Nguyễn Sỹ Bình, Nguyễn Xuân Ngãi (cầm đầu “Đảng nhân dân hành động”), Phạm Nam Định (nhóm “Họp mặt dân chủ”), Đoàn Viết Hoạt (nhóm “Viễn tượng VN”)…
Trong “Đảng nhân dân hành động”, nhóm đối tượng chống đối do Nguyễn Sỹ Bình chỉ đạo, Lê Công Định hoạt động với vai trò là thành viên chủ chốt, có mục tiêu lật đổ chế độ. Hai người thường xuyên liên lạc với nhau để bàn thảo về mục tiêu, kế hoạch hành động.
Định cũng là người đứng ra tổ chức tập hợp lực lượng nhằm thành lập cái gọi là “Đảng dân chủ” và “Đảng Lao động Việt Nam” với lời lẽ: “Chúng tôi, những người Cộng sản Việt Nam cấp tiến, xin tuyên cáo thành lập “Đảng Lao động Việt Nam”, đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở mọi giai tầng xã hội. Chúng tôi luôn tự hào về sự nghiệp cách mạng vinh quang của Đảng Lao động Việt Nam trước đây, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay. Tuy nhiên, sự nghiệp cách mạng đó đã và đang bị Đảng Cộng sản Việt Nam phản bội!”. Không những thế, Lê Công Định còn câu kết với các đối tượng phản động lưu vong (có sự ủng hộ của một số thế lực phản động quốc tế), để bàn cách lật đổ chính quyền nhân dân ở Việt Nam.
Phương thức mà Lê Công Định được “đào tạo” là dùng lực lượng bên ngoài, đánh từ ngoài vào trong để gây rối loạn lớn ở trong nước; cố tình “khoét sâu” vào các vấn đề như khai thác bauxite Tây Nguyên, Trường Sa – Hoàng Sa vì cho rằng đó là “tử huyệt” của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ năm 2006 đến nay, Lê Công Định đã biên soạn rất nhiều tài liệu gửi cho các trang web của nước ngoài như BBC, RFA và các trang web của Phong trào dân chủ Việt Nam, Việt Tân, Chân trời mới, Thông luận, Tập san Tự do dân chủ… do bọn phản động lập ra.
Các tài liệu trên đều công khai tuyên truyền xuyên tạc, phá hoại đường lối, chính sách kinh tế- xã hội; vu khống, bôi nhọ lãnh đạo chủ chốt; gây chia rẽ, gây mất lòng tin trong các tầng lớp nhân dân.
Bằng các hoạt động trên, Lê Công Định được “đánh giá cao” và được chấm chọn, đưa ra nước ngoài tham gia khóa huấn luyện về cái gọi là phương thức “đấu tranh bất bạo động” để về nước hoạt động chống chính quyền nhân dân.
Ở trong nước, Lê Công Định có vai trò tham mưu, vạch ra đường hướng hoạt động cho số đối tượng chống đối như Nguyễn Văn Đài (Hà Nội), Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Tiến Trung (TPHCM); tham mưu xây dựng cương lĩnh của tổ chức “Tập hợp thanh niên dân chủ”.
Bàn cách lật đổ chính quyền Việt Nam (!)
Lê Công Định được một số tổ chức phản động lưu vong cùng hoạt động chống Việt Nam coi là một trong những luật sư “cấp tiến”, “dân chủ” và các tổ chức trên luôn ủng hộ để Định hoạt động “tích cực”. Tháng 3-2009, Lê Công Định đã sang Phuket (Thái Lan) gặp Nguyễn Sỹ Bình, Trần Huỳnh Duy Thức để họp, bàn bạc, đánh giá những vấn đề kinh tế, chính trị của Việt Nam. Ba người đã đề ra kế hoạch hoạt động chuẩn bị cho thời điểm Việt Nam xảy ra “biến động chính trị”, lật đổ chính quyền Việt Nam vào năm 2010 (!). Để hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam và qua mặt các cơ quan chức năng, cả 3 đã lập hộp thư điện tử (email là chihaichibachitu), dùng địa chỉ email đặt bí danh để liên lạc, trao đổi với nhau, chị Hai (C2) - Nguyễn Sỹ Bình, chị Ba (C3) - Trần Huỳnh Duy Thức và chị Tư (C4) - Lê Công Định.
Định trực tiếp tham gia biên soạn cuốn sách có tính chất cương lĩnh hành động của nhóm mang tựa đề “Con đường VN”. Với cuốn sách này, các thành viên trong nhóm đánh giá: Khi quyển sách ra đời thì không chỉ dân chúng tìm thấy một con đường để thay đổi mà các thế lực thù địch cũng nhìn ra một lực lượng mới tương đồng về chiến lược với họ.
Đặc biệt, để dọn đường cho kế hoạch lật đổ chính quyền, Lê Công Định và một số đối tượng chống đối khác soạn thảo tài liệu mang tên “Tân Hiến pháp”. Tài liệu trên gồm 112 trang, 9 Chương, 106 Điều có ghi “Việt Nam là một nước Cộng Hòa”, “cuộc bầu cử Tổng thống phải được tổ chức chậm nhất 6 tháng kể từ ngày ban hành Hiến pháp này”. Ý đồ của Lê Công Định và các đối tượng là nhằm thay thế Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Kết quả giám định của các cơ quan chức năng cho thấy, các tài liệu của Lê Công Định có nội dung phản động, tuyên truyền chống Nhà nước, vi phạm các quy định tại Khoản 1, 2, 4 Điều 10 của Luật Xuất bản và Luật Báo chí.
Thiếu tướng Hoàng Kông Tư, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, cho biết, Cơ quan An ninh Điều tra có đủ căn cứ để bắt khẩn cấp Lê Công Định.
Ngoài các hoạt động vi phạm Điều 88 Bộ luật Hình sự như trên, hành vi của Lê Công Định còn có dấu hiệu phạm vào tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79, Bộ luật Hình sự.
Cơ quan An ninh Điều tra tiếp tục điều tra làm rõ các vi phạm của Lê Công Định và các đối tượng liên quan. Trước đó, ngày 24-5-2009, Cơ quan An ninh Điều tra đã khởi tố vụ án, bắt Trần Huỳnh Duy Thức cũng vì vi phạm Điều 88 Bộ luật Hình sự.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Lực lượng Công an Hải Dương phát hiện 2 đối tượng này cất giấu trong mũ bảo hiểm xe máy 19,7 triệu đồng tiền giả.
Ngày 11/6, CA huyện Từ Liêm cho biết đơn vị vừa bắt được một vụ đánh bạc hy hữu, trong đó các con bạc đa phần là các phó giáo sư và giáo sư thuộc Học viện Tài chính. Dưới hình thức đánh tá lả, các vị trí thức này sát phạt nhau ngay trong khuôn viên Học viện tài chính với số tiền lên đến vài chục triệu đồng.
Rạng sáng 11/6, tên trộm lẻn qua ban công để trộm tài sản gia đình anh Quyết (Từ Liêm, Hà Nội). Khi bị phát hiện, hắn dùng dao nhọn đâm một người tử vong, 2 người bị thương nặng.
Viện KSND tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 29 bị can trong vụ án mua bán hàng chục bánh ma túy. Đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ vì số lượng ma túy lớn, mà còn có sự tiếp tay bảo kê, chạy án của 2 sĩ quan CA, kiểm sát viên và thẩm phán.