Cựu phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ bị truy tố
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/7/2009 | 12:00:00 AM
Ngày 9/7, ông Vũ Đình Thuần (nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, trưởng ban điều hành đề án 112) cùng 22 người liên sai phạm trong triển khai đề án 112 vừa bị VKSND Tối cao tống đạt cáo trạng truy tố về hai tội danh.
Ông Vũ Đình Thuần.
|
Theo truy tố của VKS, ông Thuần và 19 đồng phạm sẽ bị tòa án xét xử về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 3 người còn lại đối mặt với tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.
Theo cơ quan điều tra, Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005 (đề án 112) được Thủ tướng phê duyệt ngày 25/7/2001. Ông Thuần làm trưởng ban, ông Lương Cao Sơn làm thư ký.
22 tháng trước, ông Thuần và Sơn là những người đầu tiên bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam sau khi phát hiện một số hành vi tiêu cực trong quá trình điều hành triển khai đề án này.
Ban đầu, cựu phó chủ nhiệm Văn phòng chính phủ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Sau một số lần thay đổi tội danh, cuối tháng 1, Cơ quan điều tra đề nghị VKS truy tố ông Thuần tội tham ô tài sản và lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ. Nhiều tháng sau, VKSND Tối cao đã đình chỉ điều tra tội danh tham ô với bị can này.
Cảnh sát chống tham nhũng phát hiện, lợi dụng vị trí công tác, ông Sơn và Thuần đã nhận 360 triệu đồng tiền "lại quả" từ Công ty TNHH Công nghệ tin học ISA, sau khi bỏ qua quy định đấu thầu, "chọn" ISA là đơn vị cung cấp phần mềm bản quyền của hãng Microsoft và IBM cho 112...
Quá trình điều tra còn cho thấy, thông qua mối quan hệ gia đình với ông Sơn, bà Ngô Thị Nhâm (em vợ ông Sơn, Phó phòng kinh doanh sách quốc văn - Tổng công ty Sách Việt Nam, khi bị bắt là Phó tổng giám đốc) đã liên hệ để doanh nghiệp này được in sách giáo trình, tài liệu cho đề án. Trong khi thực hiện 13 hợp đồng, bà Nhâm cùng một số người liên quan đã lập phiếu thu khống để rút hàng trăm triệu đồng từ ngân sách nhà nước...
Theo kết quả kiểm toán Nhà nước, tổng mức đầu tư được duyệt cho đề án 112 là 3.830 tỷ đồng. Tổng kinh phí đã sử dụng gần 1.160 tỷ đồng. Trong số này 20% đã bị sử dụng trái quy định.
Liên quan vụ việc, hơn 20 người đã bị khởi tố, trong đó có ông Hoàng Đăng Bảo (chuyên viên Vụ cải cách hành chính, Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Cát Hồ (nguyên tổ trưởng tổ đào tạo của Ban điều hành 112), Trần Tuấn Ngô (nguyên tổng giám đốc Tổng công ty Sách Việt Nam) cùng 2 phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh Thiệu, Nguyễn Thị Phương Hoa và kế toán trưởng Lưu Ý Nhi; Nguyễn Đức Giao (giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp), Phạm Văn Tuấn (phó giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp) cùng một số giám đốc và 2 em trai của ông Lương Cao Sơn...
Diễn biến vụ án - Ngày 13/9/2007: Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, trưởng ban điều hành đề án 112 Vũ Đình Thuần bị bắt để điều tra hành vi hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng (sau đổi thành tham ô tài sản). Cùng ngày, ông Nguyễn Đức Giao (Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp, Bộ Tư pháp); ông Lương Cao Sơn (Thư ký ban điều hành đề án 112), ông Hoàng Đăng Bảo (Vụ Hành chính, Văn phòng Chính phủ) cùng Bùi Duy Hùng (Phó phòng kế hoạch phát hành Nhà xuất bản Tư pháp); bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Nguyễn Thị Minh Thiệu (phó tổng giám đốc Tổng công ty phát hành sách)... cũng vướng vòng lao lý. - Vài ngày sau, Chính phủ đình chỉ công tác của ông Thuần, Bảo và Sơn. - Ngày 8/10/2007: Cơ quan điều tra khởi tố tiếp ông Lương Cao Phi (em ông Sơn, cán bộ Nhà xuất bản Xây dựng) và Lương Cao Phong (em ông Sơn, Giám đốc trung tâm thẩm định và tư vấn công nghệ xây dựng, Công ty Cổ phần tin học và tư vấn xây dựng) cùng Công Tuấn Hải (Nhà xuất bản Bản đồ) và bà Nguyễn Thúy Hà (giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ tin học ISA)... - Chiều 19/11/2007, đăng đàn Quốc hội, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thừa nhận Chính phủ đã sai lầm khi giao đề án 112 cho một cơ quan tham mưu không có chuyên môn, hoạt động lỏng lẻo. Hệ quả gần 300 tỷ đồng của nhà nước bị thất thoát. |
(Theo VnExpress)
Các tin khác
YBĐT - Thành phố Yên Bái hiện có 281 người nghiện, 234 người nghi nghiện (chưa tính số người nghiện hiện đang ở trong các cơ sở giáo dục, giáo dưỡng hoặc đang chấp hành hình phạt tù). Thời gian qua, 90% số vụ trộm cắp tài sản và 100% số vụ cướp giật tài sản do đối tượng nghiện hút gây ra, trên 80% số người bị nhiễm HIV có nguyên nhân từ tiêm chích ma túy.
YBĐT - Sinh năm 1974, là người có sức khoẻ song không nghề nghiệp, lười lao động, cùng với lối sống buông thả, ngang tàng, vì thế mà Lương Tuấn Anh, trú tại tổ 39, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái đã sớm hư hỏng, mắc nghiện ma tuý và lao vào con đường mua bán trái phép chất ma tuý để kiếm lời. Không chỉ dừng lại ở đó, Lương Tuấn Anh còn coi thường pháp luật, ngang nhiên bán ma tuý và chứa chấp các con nghiện sử dụng ma tuý ngay tại nhà mình.
Với chủ trương tập hợp giới trẻ, phối hợp các lực lượng chống đối trong và ngoài nước, đòi thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung (26 tuổi) đã bị cơ quan an ninh bắt sáng nay với cáo buộc chống nhà nước.
Công an huyện An Dương, thành phố Hải Phòng quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các tên Vũ Tá Sơn, 37 tuổi, ở phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương và Nguyễn Thanh Lâm, 38 tuổi ở phường Hồ Nam, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng về tội "tàng trữ, buôn bán trái phép chất ma túy".