Một bảo vật quốc gia với những giá trị vượt thời gian
- Cập nhật: Thứ tư, 11/9/2013 | 8:11:36 AM
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận bảo vật Quốc gia đợt một cho 30 hiện vật và nhóm hiện vật, trong đó có tác phẩm Nhật ký trong tù (Ngục trung nhật ký) của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Triển lãm thư pháp Nhật ký trong tù tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).
|
Với vị thế bảo vật quốc gia, Nhật ký trong tù không chỉ có ý nghĩa văn chương mà đã trở thành giá trị tinh thần của cả dân tộc Việt Nam, nhất là từ khi tác phẩm được dịch và công bố năm 1960.
Tác phẩm Nhật ký trong tù là thi phẩm bằng chữ Hán, tổng cộng bao gồm 134 bài thơ, được viết trong khoảng thời gian hai năm (1942-1943) khi tác giả bị chính quyền phản động Tưởng Giới Thạch bắt giam. Tác phẩm trước hết là tiếng nói của một người Cộng sản dù trong hoàn cảnh lao tù vẫn giữ vững ý chí chiến đấu và thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất: Thân thể ở trong lao - tinh thần ở ngoài lao... Với niềm tin tất thắng, Người đã thực hiện "những cuộc vượt ngục" bằng sự kiên định và tâm thế ung dung, tự tại, một lòng hướng về tương lai tươi sáng. Vượt qua mọi gian nguy, Người toàn tâm, toàn ý hướng về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và từ tầm nhìn dân tộc vươn đến cuộc đấu tranh vì quyền sống và hạnh phúc của nhân dân lao động toàn thế giới, một thứ "cảm thức nhân loại". Với tầm cao trí tuệ và nhận thức, Người quan tâm tới nhiều vấn đề trọng đại đang đặt ra trước thời đại và lịch sử khu vực châu Á cũng như toàn thế giới, từ việc chống các đế chế phát xít đến nhiệm vụ giải phóng khỏi ách thống trị thuộc địa, từ phân tích vai trò các nước lớn đến khẳng định vị trí các nước nhỏ. Nhận mình đứng về phe Ðồng Minh, Người nhấn mạnh lẽ phải của con đường giải phóng dân tộc và bày tỏ ước vọng về một ngày chiến thắng: Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt/Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh (Ngủ không được - Nam Trân dịch)...
Không chỉ có tầm nhìn xa, trông rộng, Người thông cảm sâu sắc với nỗi bất hạnh của người dân Trung Quốc, với những cảnh ngộ thương tâm và viết nên những bài thơ sâu nặng tình người. Ðây là cảnh chiều tối với bóng người đơn lẻ, cô quạnh và cuộc sống bình dị: Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ/Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không/Cô em xóm núi xay ngô tối/Xay hết, lò than đã rực hồng (Chiều tối - Nam Trân dịch).
Ðây là nỗi ưu tư, niềm cảm thông của chủ thể tác giả với người bạn tù thổi sáo và xa hơn là những tưởng tượng về người vợ của ai kia đang đau đáu phương trời xa: Trong lao vẳng khúc nhạc tình quê/Âm chuyển sầu, thương, điệu tái tê/Nghìn dặm quan, hà khôn xiết nỗi/Lên lầu, xa ngóng, khách phòng khuê (Người bạn tù thổi sáo - Huệ Chi dịch).
Sống trong cảnh tù ngục nhưng Hồ Chí Minh không mấy khi kêu ca, bất lực, thất vọng, chán chường. Chí hướng cách mạng, tinh thần lạc quan và tâm hồn nghệ sĩ đã giúp Người luôn nhìn xa về phía trước, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng. Ngay cả khi bị giải đi giữa lúc "đêm chửa tan" trong "trận gió hàn" mà Người vẫn vui với cảnh đẹp đất trời, tưởng như có thể làm thay đổi được cả hoàn cảnh và không gian, vũ trụ: Phương đông màu trắng chuyển sang hồng/Bóng tối đêm tàn, quét sạch không/Hơi ấm bao la trùm vũ trụ/Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng (Giải đi sớm - II - Nam Trân dịch).
Ngay cả khi bị giam giữa bốn bức tường, nhà nghệ sĩ- thi nhân Hồ Chí Minh vẫn có cách hóa giải hoàn cảnh, biết phát hiện và hòa nhập với vẻ đẹp của thế giới tự nhiên. Người để lòng mình dõi theo bóng trăng và bỗng thấy trăng cũng như người bạn, trăng cũng có tâm tình, trăng cũng đang ngắm nhà thơ và cùng nhau suy tưởng, trò chuyện những câu chuyện "vô ngôn": Trong tù không rượu cũng không hoa/Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ/ Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ (Ngắm trăng - Nam Trân dịch).
Ðiều đặc biệt là người tù Hồ Chí Minh trong cảnh lao tù vẫn luôn mở rộng tầm nhìn, hiểu rõ bước đi của dân tộc và thế giới trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do. Người có những suy tưởng độc đáo, có lối kết bạn độc đáo và có được tứ thơ độc đáo. Qua các nguồn sách báo, Người biết chuyện chiến sĩ của nền độc lập Ấn Ðộ Nê-ru cũng bị bắt giam nên tỏ sự đồng cảm, trân trọng qua đó động viên bạn và cũng là động viên chính mình trong tưởng tượng. Ðó là tiếng nói của tình quốc tế, tiếng nói của thi hứng Hồ Chí Minh, tiếng nói của những người "chưa gặp mặt", "thần giao", "không lời": Khi tôi phấn đấu, anh hoạt động/ Anh phải vào lao, tôi ở tù/Muôn dặm xa vời chưa gặp mặt/Không lời mà vẫn cảm thông nhau (Gửi Nê-ru, I - Hoàng Trung Thông dịch).
Thời gian lùi xa thì người đọc càng thấu hiểu hơn bản lĩnh, nhân cách và phẩm giá con người Hồ Chí Minh trong tập Nhật ký trong tù. Có thể thấy ở đây sự gắn kết sâu sắc giữa hình ảnh người chiến sĩ cách mạng, con người thật giàu tình người và một nhà thơ đích thực. Trước bao tai ương của cuộc sống tù ngục, Người biết cất lên tiếng cười trào lộng, cười châm biếm cái xấu, cười để động viên chính mình. Một chuyện đánh bạc, một cảnh bị trói, một lần rụng răng, một lần suýt ngã đều có thể trở thành tiếng cười. Bao nhiêu nguy hiểm cũng không thể ngăn cản được niềm tin một con người khi biết tựa vào nội lực chính mình như các câu thơ: Muốn nên sự nghiệp lớn/Tinh thần càng phải cao (Lời đề từ Nhật ký trong tù - Nam Trân dịch) Gian nan rèn luyện mới thành công (Nghe tiếng giã gạo - Văn Trực, Văn Phụng dịch) và Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng (Tự khuyên mình - Nam Trân dịch)...
Trên phương diện tư duy sáng tạo nghệ thuật, Nhật ký trong tù có thể đối sánh với bất cứ tập thơ cổ kim đông tây nào khác. Từ nhiều điểm nhìn khác nhau có thể phát hiện vẻ đẹp của "những chỉnh thể nghệ thuật nhỏ trong một chỉnh thể nghệ thuật lớn", những tiếng nói chiến đấu kiên cường và tinh thần nhân văn cao cả, những chủ đề, đề tài và phong cách đa dạng; những tương quan của cảnh đời cụ thể và quy luật của muôn đời; những trang miêu tả hiện thực và tính lãng mạn bay bổng, những dòng ký sự và hình tượng đầy tính ước lệ, khái quát hàm súc... Qua tập thơ, người đọc có thể tiếp nhận được tầm cao văn hóa của tác giả với sự kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống và hiện đại, đặc biệt là tâm thức phương Ðông với âm vang thơ Ðường qua hệ thống thi tứ, thi liệu, điển tích, hình ảnh, bút pháp nghệ thuật, kể cả hình thức tập cổ, đề vịnh, chơi chữ. Từ đây cũng có thể nhìn ra những khía cạnh thi pháp với nhiều cung bậc tình cảm và nhiều biến thái nghệ thuật tao nhã. Hình ảnh con người tác giả - chủ thể trữ tình có khi là sự tự biểu hiện, có khi nhập thân vào đối tượng, có khi gián cách sau một lối tả người, tả cảnh. Những miền không gian cũng biểu cảm tựa như những ký hiệu và chất liệu nghệ thuật, trong đó nén chặt không gian nhà tù chật hẹp với khoảng không gian tâm tưởng tự do, không gian con đường và dòng sông, không gian con người và thế giới tự nhiên, không gian mặt đất và núi non, mây gió, trăng sao. Thêm nữa, hình thức thời gian nghệ thuật cũng in đậm cảm quan tâm lý, tâm trạng với cách chỉ định tháng ngày đóng dấu sự việc cụ thể, thời gian dồn nén sự kiện, thời gian đếm nhịp quá khứ và tưởng vọng tương lai, thời gian được diễn tả theo tuyến tính và thể hiện khả năng tự tại tự chủ, vượt thoát, phi thời gian: Ví bằng giúp ích cho dân tộc/Thu trước thu này há kém nhau (Cảm thu II)...
Nhật ký trong tù là tập thơ của một con người và được viết ra trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, song đó là CON NGƯỜI viết hoa và đã đến được với mọi tấm lòng, mọi con người ở mọi phương trời. Ðó thực sự là tập thơ của một vĩ nhân, Anh hùng giải phóng dân tộc, thi nhân và danh nhân văn hóa thế giới.
(Theo NDĐT)
Các tin khác
Tạp chí Tuyên giáo, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Công an nhân dân (ANTV), Báo Nhà báo và Công luận vừa công bố chương trình giao lưu nghệ thuật "Khúc tráng ca thành cổ" lần thứ nhất do các đơn vị này phối hợp tổ chức.
Bộ VH,TT&DL vừa gửi Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia danh sách đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đợt 4.
Sáng nay (10-9), Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hà Nội chính thức công bố những hoạt động trong Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng 2013.