Phát hiện 3 di tích của người tiền sử ở Thái Nguyên

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/9/2013 | 1:48:15 PM

Viện Khảo cổ học và Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên vừa tiến hành điều tra khảo cổ khu vực núi đá vôi tại các huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai thuộc tỉnh Thái Nguyên và đã phát hiện được 3 di tích của người tiền sử là di tích hang Thủng, hang Thần và hang Kim Sơn.

Phó giáo sư, tiến sỹ Trình Năng Chung, trưởng đoàn khảo sát Viện Khảo cổ học cho biết việc phát hiện và nghiên cứu 3 di chỉ nói trên góp phần quan trọng vào nhận thức văn hóa thời tiền sử trong khu vực. Các nhà khảo cổ đã thu thập rất nhiều mẫu vật để phân tích môi trường sinh thái cổ và niên đại tuyệt đối. Cả 3 di tích trên đều có thể tiến hành khai quật với quy mô lớn.

Việc phát hiện ra di chỉ hang Kim Sơn được coi là phát hiện quan trọng nhất trong đợt khảo sát. Địa điểm này rất gần di chỉ mái đá Ngườm, một di tích khảo cổ thời đá cũ nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Á. Những hiện vật nằm trong các lớp địa tầng cho thấy một sự diễn biến văn hóa khá liên tục từ thời đại đá cũ đến giai đoạn hậu kỳ đá mới-sơ kỳ kim khí, với niên đại được đoán định từ hơn 20.000 năm đến khoảng gần 4.000 năm cách ngày nay.

Với những nét đặc trưng của bộ công cụ lao động bằng đá ở đây, bước đầu các nhà khảo cổ đã xếp di chỉ hang Kim Sơn thuộc hệ thống văn hóa Ngườm.

Ở hang Thủng, kết quả khảo sát cho thấy tầng văn hóa dầy khoảng 50cm chứa nhiều di vật như công cụ đá cùng nhiều mảnh gốm thô, mảnh xương răng động vật... trong đó, đáng chú ý là những chiếc rìu mài nhẵn bên cạnh những công cụ cuội ghè đẽo thô sơ.

Nổi bật hơn cả là một số mảnh gốm có hoa văn khắc vạch có dấu chấm dải xen kẽ ở giữa mang phong cách đồ gốm Phùng Nguyên. Sự có mặt của đá cuội nguyên liệu và mảnh tước ở đây chứng tỏ quá trình gia công công cụ được tiến hành tại chỗ. Kết cấu trầm tích và hiện vật trong địa tầng cho thấy có 2 lớp văn hóa kế tục nhau là lớp văn hóa trên có niên đại thời đại kim khí, lớp văn hóa dưới niên đại đoán định thuộc hậu kỳ đá mới.

Hang Thủng là một di tích cư trú của cư dân thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới-sơ kỳ kim khí ở Thái Nguyên.

Hang Thần là di tích có một tầng văn hóa thuần nhất, dày khoảng 90 cm. Dấu tích của người nguyên thủy tìm thấy chủ yếu ở khu vực cửa hang, chứa nhiều di vật đồ đá và mảnh gốm vỡ, dấu tích bếp lửa với tầng tro than dầy, một số công cụ mũi nhọn được đẽo gọt từ mảnh xương ống của động vật. Đồ gốm được nặn bằng tay, độ nung thấp, trang trí bằng hoa văn thừng thô.

Hang Thần là một di tích cư trú của cư dân hậu kỳ đá mới, có niên đại khoảng 4.000 năm cách ngày nay.

(Theo TTXVN)

Các tin khác
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quy chế chấm giải thưởng của Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 18. Theo đó, các Ban Giám khảo sẽ bỏ phiếu kín đề nghị quyết định trao 1 Bông Sen Vàng, 2 Bông Sen Bạc, 2 Giải thưởng của Ban Giám khảo cho mỗi loại hình phim theo quy định.

Nghệ sĩ Văn Hiệp.

Thông tin được công bố sáng 16/9, trong khuôn khổ Ngày Sân khấu Việt Nam diễn ra tại rạp Công Nhân, Hà Nội. Chủ tịch nước đã ký quyết định đặc cách truy tặng danh hiệu NSƯT cho cố nghệ sĩ Văn Hiệp.

Lễ hội Lam Kinh 2012.

Theo tin từ tỉnh Thanh Hóa, lễ hội Lam Kinh năm 2013 kỷ niệm 580 năm ngày mất Hoàng đế Lê Lợi và đón Bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh diễn ra tại khu di tích từ ngày 24 đến 26-9.

Kỷ lục Guiness “Mâm cỗ Trung thu” lớn nhất Việt Nam sẽ được xác lập trong chương trình Đêm hội thành Tuyên, diễn ra tại thành phố Tuyên Quang vào tối 18/9 (14/8 âm lịch) tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục