Nở hoa kết trái

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/9/2013 | 8:53:20 AM

YBĐT - Chi hội thơ Đường Việt Nam tỉnh Yên Bái từ 15 hội viên đến nay đã có 49 hội viên được chia thành 6 tổ chuyên môn ở 6 khu vực rộng khắp trong toàn tỉnh, đã tạo ra sân chơi tao nhã, trí tuệ, bổ ích, lý thú cho hội viên ...

Một số tập thơ đã xuất bản của các tác giả Chi hội thơ Đường luật Yên Bái.
Một số tập thơ đã xuất bản của các tác giả Chi hội thơ Đường luật Yên Bái.

Từ một chi nhánh của Câu lạc bộ UNESCO thơ Đường Việt Nam được thành lập ngày 8/5/2007 và trải qua 2 nhiệm kỳ hoạt động, đến nay trở thành Chi hội thơ Đường luật Việt Nam tỉnh Yên Bái trực thuộc Hội thơ Đường luật Việt Nam, là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam thuộc Liên hiệp Các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, đó là cả một quá trình các hội viên trong Chi hội nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Từ 15 hội viên đến nay đã có 49 hội viên được chia thành 6 tổ chuyên môn ở 6 khu vực rộng khắp trong toàn tỉnh. Chi hội đã chỉ đạo các tổ chức và các cá nhân hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của Hội theo lý tưởng của UNESCO thế giới nhằm khai thác, bảo tồn, tôn vinh, phát triển thơ Đường, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Từ đó tạo ra sân chơi tao nhã, trí tuệ, bổ ích, lý thú cho hội viên, mở rộng sân chơi giàu bản sắc văn hóa dân tộc cho mọi tầng lớp yêu thích trong xã hội.

Thật vui khi ta đến dự một buổi sinh hoạt, hội thảo, bình thơ, học rèn làm thơ Đường luật của Chi hội, của tổ, hoặc một nhóm thơ Đường với nhiều hình thức khác nhau. Các hội viên đọc thơ, bình thơ, xướng họa, ngâm vịnh, trao đổi về lý luận và phương pháp, kỹ thuật làm thơ Đường luật, giúp nhau chỉnh sửa từng câu, từng chữ, từng vế đối, niêm luật… nhằm giúp nhau nâng cao năng lực và chất lượng sáng tác.

Các nhóm thơ ra đời, tiêu biểu nhất là nhóm thơ Rừng Hạnh gồm 3 hội viên Nguyễn Đức Pha, Nguyễn Sỹ Đào, Đào Thị Nghi Dung có nhiều hoạt động sôi nổi, không chỉ giao lưu xướng họa với nhau mà còn giao lưu xướng họa với nhiều bạn thơ trong và ngoài tỉnh, tập hợp được 328 bài thơ của 85 tác giả in trong tập thơ xướng họa “Sắc thu”. Có nhóm thơ giao lưu xướng họa với nhau qua đường điện thoại, có điều kiện hơn thì qua mạng Internet. Việc giao lưu xướng họa đã trở thành một sân chơi hấp dẫn, thu hút các hội viên nhập cuộc, là một nhu cầu tình cảm, nơi gặp gỡ tâm hồn và tài năng, nơi luyện rèn và thú chơi tao nhã, thanh lịch của con người.

Thơ Đường luật của hội viên còn được đăng tải nhiều trên báo, tạp chí, ấn phẩm địa phương và trung ương, đọc trên đài. Nhiều tác phẩm của hội viên được đăng trên thi san “Thắp sáng Đường thi” và “Thơ Đường luật Việt Nam”. Năm 2010, 100% hội viên đều tham dự cuộc thi thơ Đường luật toàn quốc nhân sự kiện kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội và kỷ niệm những ngày lễ lớn, nhà thơ Lê Ngân và Lại Cao Mùi đoạt được giải thưởng.

Qua 6 năm hoạt động, lúc đầu do Ban chủ nhiệm Chi nhánh Câu lạc bộ, sau là Ban chấp hành Chi hội thơ Đường luật Yên Bái, đều là những con người năng nổ, hăng hái, có trách nhiệm, tâm huyết với phong trào, đã có nhiều biện pháp tổ chức các hoạt động của Chi hội đạt hiệu quả. Chúng ta ghi nhận sự đóng góp của các vị lãnh đạo Chi hội như các ông: Nguyễn Dương (Chủ nhiệm), Lương Quang Bách (Chủ nhiệm- Chủ tịch), Nguyễn Văn Chiêu (Phó chủ nhiệm - Phó chủ tịch), Hoàng Trọng Hiếu (Chánh văn phòng thường trực), các ủy viên: Lê Ngân, Phạm Sỹ Quang, Phan Kế Minh, Vũ Văn Điệt.

Họ là nhân tố nòng cốt gây dựng phong trào, luôn có ý thức duy trì và đổi mới phương thức hoạt động, các chương trình hành động từng tháng, từng quý, cả năm. Băn khoăn lớn nhất là làm sao cho toàn thể Chi hội luôn đoàn kết vững mạnh, các hội viên không ngừng được học hỏi, nâng cao chất lượng sáng tác thơ Đường.

Chi hội hàng năm tổ chức thành công Ngày hội thơ Nguyên tiêu, tham gia các ngày hội thơ Đường toàn quốc ở cố đô Huế tháng 3 năm 2009, ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) tháng 3 năm 2010…, lần nào đi Chi hội cũng ủng hộ hội thơ 500.000đ; tổ chức thành công chuyến đi du lịch - thực tế sáng tác với chủ đề “Tìm cảm hứng Đường thi trên hồ Thác Bà” cho 30 hội viên, thu được gần 100 bài thơ Đường luật ca ngợi quê hương đất nước, thể hiện tình yêu quê hương Yên Bái và vùng hồ Thác Bà huyền thoại, thơ mộng.

Được sự giúp đỡ của UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương, các nhà tài trợ và đóng góp cá nhân, Chi hội đã xuất bản được 5 tập sách: “Yên Bái Đường thi” (2008), “Thơ Đường Yên Bái” (2009), “Yên Bái Đường thi chọn lọc” (2010), “Mùa xuân xướng họa thơ Đường” (2012), “Thơ Đường luật Yên Bái - kỷ yếu và tác phẩm” (2013).

Các tập sách trên ngoài việc biếu tặng, còn được phát hành rộng rãi với bạn đọc trong tỉnh và toàn quốc, có mã số ở thư viện tỉnh, có mặt ở các thư viện trường cấp 3 trong tỉnh, trở thành tài liệu tham khảo hữu ích của việc giảng dạy, học tập thơ Đường. Các tác giả hội viên công bố được hơn 20 cuốn sách, được Chi hội tổ chức hội thảo, giới thiệu 5 tập thơ của hội viên là: “Hương cau” của Vũ Linh (2008), “Cảnh sắc quê hương”của Trương Ngọc Liên (2009), “Rừng hạnh” của Đào Thị Nghi Dung (2009), “Thao thức một miền quê” của Lê Ngân, “Khát vọng” của Nguyễn Văn Chiêu.

Với những thành tích trên, năm 2010, Chi hội cùng 9 hội viên được Câu lạc bộ UNESCO thơ Đường Việt Nam khen thưởng và từ đó luôn nở hoa kết trái, giữ vững danh hiệu thi đua, đứng trong tốp đầu của 63 chi hội tỉnh, thành toàn quốc.

Nhân dịp Đại hội Chi hội thơ Đường luật Việt Nam tỉnh Yên Bái khóa III diễn ra trong tháng 9/2013, trân trọng chúc mừng Đại hội của Chi hội thành công tốt đẹp và hy vọng trong nhiệm kỳ mới, Chi hội tiếp tục phát triển mạnh mẽ để cho thơ Đường luật ngày càng khởi sắc, nở rộ trong vườn hoa thơ chung của dân tộc.

Hoàng Việt Quân

Các tin khác
Nghệ sĩ Hoài Linh được đề cử thêm ở hạng mục Người dẫn chương trình. Trong ảnh: Hoài Linh dẫn chương trình ca nhạc Mai Vàng kết nối

Nghệ sĩ Hoài Linh được đề cử ở cả 3 vai trò khác nhau: Diễn viên hài, diễn viên điện ảnh và người dẫn chương trình. Bé Phương Mỹ Chi nhận được phiếu đề cử không kém ca sĩ tên tuổi.

Lễ hội kỷ niệm 94 năm bản nhạc Dạ cổ hoài lang.

Mấy ngày qua, Bạc Liêu tưng bừng lễ hội kỷ niệm 94 năm bản nhạc Dạ cổ hoài lang (1919 - 2013) của nghệ nhân Cao Văn Lầu. Các sự kiện xoay quanh lễ hội rất phong phú như giao lưu đờn ca tài tử (ĐCTT), thi tìm hiểu nghệ thuật ĐCTT và Dạ cổ hoài lang; viếng mộ, tham quan Khu di tích Cao Văn Lầu…

NXB Trẻ đã công bố 5 tác phẩm tham gia cuộc thi viết "Văn học tuổi hai mươi" lần thứ 5 (dành cho thể loại truyện dài và tập truyện ngắn - gồm ít nhất là 5 truyện ngắn) được chọn in cho tủ sách "Văn học tuổi hai mươi".

Ngày 22/9, tại thành phố Hồ Chí Minh, Giải thưởng sách hay 2013 với chủ đề “Sách và khai minh” thuộc Dự án sách hay do Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) đã được công bố. Đây là giải thưởng dân lập đầu tiên về sách có quy mô của Việt Nam do học giả và độc giả bình chọn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục