Chuyện chưa kể về bộ phim tài liệu nổi tiếng thế giới- "Far From Vietnam"
- Cập nhật: Thứ ba, 1/10/2013 | 7:25:46 AM
Khi “Far From Vietnam” được trình chiếu ở Mỹ trong khuôn khổ Liên hoan phim New York năm 1967, phản ứng đối với bộ phim rất trái ngược nhau: những tràng pháo tay vang lên bên cạnh những tiếng la ó, chửi thề phản đối.
|
Đây có lẽ là bộ phim có tính hùng biện và sức ám ảnh mạnh mẽ nhất trong những bộ phim phản chiến từng được thực hiện về cuộc chiến tranh Việt Nam. Dù vậy, rất lâu rồi người ta không còn chiếu bộ phim này. Quá lâu đến mức có lẽ không còn nhiều người nhớ về bộ phim.
May ra chỉ còn những người rất yêu chuộng điện ảnh Pháp thập niên 1950-1960 hoặc từng làm trong nghề và theo dõi rất sát hơi thở điện ảnh giai đoạn này mới còn nhớ về bộ phim tài liệu “Far From Vietnam” (Ở xa Việt Nam - 1967).
Phim được sản xuất bởi thế hệ những nhà làm phim thuộc thời kỳ Làn sóng Mới của điện ảnh Pháp, họ là những Chris Marker, Jean-Luc Godard, Alain Resnais, Claude Lelouch, Agnès Varda, nhà làm phim người Mỹ William Klein, nhà làm phim người Hà Lan Joris Ivens.
Giờ đây, sau gần 5 thập kỷ, những ai còn nhớ, còn day dứt về bộ phim này mới có dịp được xem lại “Far From Vietnam”.
“Far From Vietnam” từng được sản xuất với mong muốn như một sự can thiệp bằng điện ảnh, một cú hãm phanh chiến tranh của những nhà làm phim yêu chuộng hòa bình.
“Far from Vietnam” được làm ra với niềm tin đinh ninh rằng nếu đây không thể là bộ phim tài liệu đầu tiên làm về Việt Nam thì nó sẽ là bộ phim phản chiến đầu tiên đưa ra một thái độ rõ ràng, trực diện đối với cuộc chiến tranh xâm lược mà Mỹ tiến hành tại Việt Nam.
Khi “Far From Vietnam” được trình chiếu ở Mỹ trong khuôn khổ Liên hoan phim New York năm 1967, phản ứng đối với bộ phim rất trái ngược nhau: những tràng pháo tay vang dậy khán phòng vang lên bên cạnh những tiếng la ó, chửi thề phản đối.
Giờ đây, sau 46 năm, bộ phim được phục chế và chiếu lại, không còn bị soi xét dưới quan điểm chính trị nữa. Bộ phim đã được chiếu trong tuần đầu tháng 9 này tại Trung tâm Lincoln ở thành phố New York, Mỹ nhân một dự án nghệ thuật có tên “Tính đối kháng trong điện ảnh”.
Giờ đây, khi những vấn đề thời sự, chính trị nóng hổi đã lắng dịu, việc chiếu lại bộ phim là một cơ hội muộn màng nhưng ý nghĩa để những nhà làm phim chiến tranh từng một thời sống trong giai đoạn Làn sóng Mới (thập niên 1950-1960) được nhìn nhận lại một cách công tâm về tác phẩm điện ảnh phản chiến từng gây tranh cãi một thời trong dư luận Mỹ.
Phim từng được chiếu tại Mỹ hồi năm 1968 trong một tuần, “Far From Vietnam” dài 115 phút bị cắt gọt đi chỉ còn lại 30 phút để hạn chế tối đa những tranh cãi nảy lửa, tuy vậy, đúng như dự đoán, nó vẫn gây ra nhiều bất đồng trong người xem và giới bình phim ở Mỹ.
Khi đó, tất cả những bài viết về “Far From Vietnam” trên báo Mỹ đều chỉ trích bộ phim ở nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó có cả quan điểm cho rằng các nhà làm phim đã cố tình sử dụng thủ pháp lãng mạn hóa, hình tượng hóa những người dân Việt Nam.
Là bộ phim mang tinh thần quốc tế, “Far From Vietnam” đã thể hiện thái độ phản chiến một cách rõ ràng. Giờ đây, khi đánh giá lại tác phẩm này, người ta đều đồng ý rằng phim đã có tư tưởng đi trước thời đại nhiều năm.
Ở thời kỳ “Far From Vietnam” ra mắt, chưa có một tác phẩm nào có chung tư tưởng, chung hướng triển khai và đồng quan điểm với nó, vì vậy “Far From Vietnam” là tác phẩm tiên phong nhưng cũng là tiếng nói đơn độc không được ủng hộ.
Phải tới gần một thập kỷ sau, khi bộ phim tài liệu “Hearts and Minds” (Trái tim và khối óc - 1975) của đạo diễn người Mỹ Peter Davis giành được giải Oscar ở hạng mục Phim tài liệu xuất sắc nhất, lúc đó, tinh thần phản chiến được phản ánh trong các tác phẩm truyền hình, điện ảnh mới bắt đầu được chấp nhận tại Mỹ.
Hôm nay, khi được xem lại “Far From Vietnam”, những khán giả không còn hừng hực với hai luồng phản ứng đối lập - hoặc vỗ tay hoặc la ó nữa, giờ đây, bộ phim chỉ còn là một khúc ca buồn nhưng bi tráng về những gì đã xảy ra tại Việt Nam, với người dân Việt Nam.
Bộ phim “Far From Vietnam” dù không thể trở thành một tác phẩm điện ảnh có khả năng can thiệp vào cuộc chiến phi nghĩa như các nhà làm phim từng hy vọng nhưng sau gần 5 thập kỷ, việc nó vẫn được nhắc nhớ và trình chiếu lại đã cho thấy những giá trị bất hủ mà bộ phim đạt đến.
Đạo diễn - nhà sản xuất người Pháp Chris Marker - một trong những thành viên tích cực tham gia sản xuất bộ phim từng ngậm ngùi nói rằng: “Rốt cuộc thì chúng vẫn… ở xa Việt Nam” (Far from Vietnam - một cách chơi chữ, sử dụng chính tên bộ phim để đưa ra phát biểu).
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
Tuần cuối cùng của tháng Chín, các rạp chiếu phim Bắc Mỹ chứng kiến sự lên ngôi của "Cloudy with a Chance of Meatballs 2" (tạm dịch "Cơn mưa thịt viên 2"), bộ phim hoạt hình do hãng Sony sản xuất và phát hành.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, Ðài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Ðài Truyền hình Nhật Bản (TBS) vừa ra mắt đoàn làm phim Người cộng sự tại Hà Nội, bộ phim nói về tình bạn đặc biệt giữa nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu và bác sĩ Nhật Bản A-xa-ba Xa-ki-ta-rô.
Liên hoan phim Việt Nam tại Úc lần I diễn ra tại TP.Brisbane (bang Queensland, Úc) từ 27-9 đã trình chiếu ba bộ phim VN là Em bé Hà Nội (1974 – đạo diễn Hải Ninh), Cánh đồng hoang (1979 – đạo diễn Hồng Sến) và Chuyện của Pao (2005 – đạo diễn Ngô Quang Hải).
NXB Chính trị quốc gia Sự thật vừa ra mắt trọn bộ sách “Đường thời đại” của nhà văn Đặng Đình Loan viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam.