Vẫn tinh khôi “Giọt sáng trong mơ”
- Cập nhật: Thứ hai, 7/10/2013 | 9:02:56 AM
YBĐT - Là thơ tuyển trên dưới 40 năm dạy học, tham gia công tác xã hội và làm thơ, chắc chắn còn có bài chính tác giả cũng chưa thật ưng lắm. Găm vào tâm trí người đọc “quý hồ đa” ở tính chân thực, kết tinh từ đời sống nhà giáo suốt đời gắn bó với nghề cũng như ý thức trách nhiệm về nhiệt huyết, thiên chức của người làm thơ.
Ảnh: H.O
|
Vừa mới “Giã từ”* thời tuổi trẻ sôi nổi để gắn bó với nghề dạy học, nghiệp làm thầy tại miền biên ải, lại đón nhận bao điều mới lạ, bến đỗ mới - nơi hội ngộ của ngọn nguồn sông suối từ non cao núi thẳm để trải lòng “Thao thức bên sông quê”*. Canh cánh bên lòng nỗi niềm trong ký ức, thao thức trước dòng chảy của cuộc sống, “Giọt sáng trong mơ” với trên 120 bài thơ được tuyển chọn trong các tập thơ in chung và in riêng từ năm 1973 đến nay. Một số bài giới thiệu tác phẩm văn học học đường và bạn viết chủ yếu ở thời kỳ nhà giáo còn đứng trên bục giảng cùng đôi dòng tri kỷ của bạn viết ở từng thời kỳ cũng như những vần thơ đặt lời cho tác phẩm âm nhạc tạo sự hoàn chỉnh thêm về sự giao cảm giữa tác giả và độc giả dành cho tập thơ tuyển.
Căn cốt người làm thơ là nhà giáo quê gốc miền Trung, tự nguyện lên công tác vùng cao biên giới, thể hiện chí khí lớp thanh niên đầy khát vọng, dấn thân, nghĩa hiệp với khí thế xung trận của đội ngũ tri thức trẻ ngành giáo dục, thấm nhuần lời Bác dặn: “Đã xung phong thì phải xung phong đến nơi, đến chốn”.
Sự khởi đầu của sự nghiệp là dạy học - “trồng người” và khép lại một thời gắn bó với mái trường lại miệt mài, thả bút làm thơ, chia sẻ, tri ân. Vậy nên, duyên thơ Trịnh Thoại gắn bó với nghiệp dạy chữ của thầy văn. Từ dạy dỗ con em các dân tộc vùng cao thành chủ nhân của bản làng, núi rừng sông suối đã nuôi dưỡng nguồn cảm xúc, chắp cánh cho thơ, góp thêm vào dòng chảy của thơ nhà giáo Lao Cai xưa, Hoàng Liên Sơn hôm qua, rồi Yên Bái hôm nay.
Vẫn còn đây tinh khôi “Giọt sáng trong mơ”: “Hình bóng em mắt biếc…gương mơ/ Giữa rừng xanh thoáng hương đời…gợi mở/ Dốc vắng…bản xa…chống gậy tìm trò/ Lại hiện về tiếng trống xa mơ” (Hương đời). Giọt sáng hội tụ để khai tâm mở trí:
Như thấy cả hồ sen
Và trời mây tươi đẹp
Và sông núi điệp trùng
Và anh nữa
Trở thành cô giáo
Đôi mắt em dịu hiền chia sẻ…
(Đôi mắt)
Sự quyến rũ, sức cuốn hút, níu kéo người thầy “ăn đời ở kiếp” với vùng cao được diễn tả tinh tế, sâu sắc; tâm tình, gửi gắm của người thầy đầy trải nghiệm, sâu nghĩa nặng tình với quê hương:
Mây vẩn vơ lưng trời
Ngói đỏ sắc hồng tươi
Mái trường say bản vắng
…và em vui ở lại
Mù Cang Chải yêu thương.
(Em vui… ở lại)
“Giọt sáng trong mơ” được chắt chiu, soi ngắm thật đa chiều và cũng thật trải lòng. “Em trồng người/ Chăm chút mỗi mầm xanh/ Anh đốn chè/ Chè sẽ lại hồi sinh/ Em trồng người/ Không thể như anh” (Em không thể như anh). Cũng có những cái “nhỡ” thật đáng yêu ở thầy giáo trẻ vượt lên trên sự kiềm tỏa tình cảm trong quan hệ nghề nghiệp:
Trường em tôi đến buổi chiều nay
Cất tiếng chào “Anh” em nhỡ “Thầy”
Nháy mắt ngập ngừng bên lối cỏ
Người ấy bâng khuâng má đỏ hây…
(Nhỡ)
“Giọt sáng” không những lấp lánh trong sự khởi tỏa: “Mẹ đã làm cô giáo/ Sao đi làm học trò/ Chắc thầy giáo của mẹ/ Phải to ơi là to…” (Con hỏi) mà hiện hữu trong dòng “Tâm sự người học viên già”: “Bên trang sách trang đời/ Cả dòng thương dòng nhớ/ Mình tuổi tác đã cao/ Biết bao là điều khó...”. Hình như chưng cất sự thăng hoa là dồn nén những trải nghiệm, thành lẽ sống, niềm tin yêu, để có sức mạnh tiềm ẩn từ “Thời xa nhớ …”: “Chống gậy đi tìm trò/ Quanh co bản vắng/ Suối ngàn rau đắng/ Mõ trường bản xa vang…”; để tạo nền tảng vững chắc cho một đức tin:
Năm mươi năm
Dáng xưa…còn đó
Lời Bác dạy vẫn còn đây
Hoàng Liên Sơn cao vút trời mây…
(Dáng xưa…còn đó)
Cuộc hành hương tìm lại chính mình, với cảm hứng về nghề nghiệp, còn là duyên nghiệp của rừng xe núi kết giữa miền biên cương, săm soi từ nhiều phía, kết tinh để tỏa rạng, ấp ủ để sinh sôi:
Tôi tìm bóng phải đời tôi
Giọt sương ngưng đọng…bụi đời thoảng qua.
Tôi tìm bóng trái đời tôi
Giữ hương đất mới sinh sôi nhựa ròng.
Vẻ đẹp mê đắm của con người thường gắn với thiên nhiên gần gũi, tình tứ của miền rừng. “Ngắm nhau từ lòng suối/ Lớp rong che giấu mình” (Bên suối). Còn “Cô gái Hà Nhì lưng đeo địu/ Nhẹ nhàng bước lối rẽ thang mây/ Hương lòng hay hương rừng thảo quả”, để “Ngạt ngào Y-Tý . Ta say”! “Trăng” trong thơ tạo “giọt sáng” ở sự biến ảo để tìm đến sự trong lành.
Bài “Trăng sáng Tả Van” được diễn tả ở nhiều trạng huống “Đêm trăng sáng Tả Van”; “Trăng dừng chân trăng ơi!” , “Trăng đầy sân hợp tác”, “”Loang loáng trong ánh trăng”, “Chan hòa ánh trăng đêm”, “Trăng mùa vui vẫn nhớ”, “Suối mát đón vầng trăng”…
Trăng còn là nỗi niềm “Trăng vỡ vụn mặt sông nổi sóng…/Thi sĩ tiếc vầng trăng muôn thuở/ Rọi bóng vàng chờ đợi phút thăng hoa” (Xuông… trăng). Trường liên tưởng về hoa gắn với vẻ đẹp hài hòa của “Em tặng em một chùm hoa tím/ Và nâng niu bông hướng dương vàng” (Hoa Sa Pa); Sự kết trái từ hoa là cái giá của phẩm hạnh, nhân phẩm: “Phải chăng duyên nợ tình xao động/ Khuôn lại xông xênh nhẹ chữ tiền…” (Hoa đồng tiền). Và… còn là hoa tay - “Hoa tay trên sứ”: “Hoa tay vàng, đất mẹ, sứ Hoàng Liên/ Hoa tay em, đẹp mãi, sứ vùng biên”.
Hồn cốt của quê hương là “Hương rừng”, “Hương đời” và còn ấp ủ để dâng tặng cho đời bài ca hạnh phúc từ “Hương quế mùa xuân”:
Thầm lặng giấu mình trong vỏ áo
Mà vẫn lan hòa trong gió mai
Đổi sắc thay da từ hương quế
Đời vui cây lá cũng rung ngân.
(Hương quế mùa xuân)
Những vần thơ viết về quê hương đất nước thường gắn với những kỷ niệm về danh tích vùng miền, tác giả chọn không gian để gửi gắm tình cảm, ý tưởng cụ thể như: “Hoa Sa Pa”, “Trăng sáng Tả Van”, “Hồ Phú Nhuận”, “Bên dòng Nậm Thi”,“Điện Thác bà”, “”Quế Viễn Sơn”, “Một thoáng Lao Cai”, “Hồn thơ xứ Nghệ”, “Nước hồ Hào Gia”, “Trước mộ Nguyễn Thái Học”, “”Đến Hoa Lư”, “Đêm Hương Giang”, “Một thoáng Đà Lạt”, “Bên nhà lưu niệm Hàn Mặc Tử”, “Đoản khúc chiều Yên Bái”… Bài thơ ngũ ngôn gần 100 câu “Nhớ về Nghệ Tĩnh” là bức tranh toàn bích về cảnh sắc quê hương với đất nước biển trời sông suối gắn với văn hóa, danh tích, danh nhân từng miền vùng... với sự níu kéo mời mọc, dãi bày thấu đáo ân tình, cốt cách xứ Nghệ:
Ai ơi về Nghệ Tĩnh
Xem phong cảnh hữu tình
Hình ảnh đặc trưng về quê núi có chiều sâu về trầm tích văn hóa, lịch sử và đời sống vùng cao như bài “Lâng lâng xòe cổ”, “Chiếc cối ngàn” với câu thơ ám ảnh:
Thanh thản âm vang hồn nước biếc
Dâng người gạo ngọc, suối ngân đàn.
Những vần thơ giầu chất biểu cảm dược dành cho người thân. Sự nếm trải về tình yêu để có “Vẩn vơ chi hạt sương ngoài cánh lá/ Biết gì đâu, thấm mát một cành hồng” (Cảm hoài). Các bài “Gửi mẹ”, “”Mãi bên anh”(Tưởng nhớ nhà báo liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết), “Mừng thọ bà tuổi 70”, “”Mừng sinh nhật bác Cư”, “Mừng sinh nhật cháu” dễ đi vào lòng người. Bạn đọc chia sẻ nỗi niềm khi người thân yêu nhất “Sang trang một đời Tấm/ Ước cơm bạc, cơm vàng/ Hoàng hôn chiều tắt nắng/ Lặng lẽ cuối non ngàn” (Chiều IV).
Là thơ tuyển trên dưới 40 năm dạy học, tham gia công tác xã hội và làm thơ, chắc chắn còn có bài chính tác giả cũng chưa thật ưng lắm. Găm vào tâm trí người đọc “quý hồ đa” ở tính chân thực, kết tinh từ đời sống nhà giáo suốt đời gắn bó với nghề cũng như ý thức trách nhiệm về nhiệt huyết, thiên chức của người làm thơ.
Thơ Trịnh Thoại vẫn tìm đến chất suy ngẫm tinh tế, có bài toàn bích giành những lời bình đẹp. Nhấn nhá khai thác đề tài và ra mắt đứa con tinh thần mới, đôi khi, cái tên nghềnh ngoàng, tưởng chừng khó chấp nhận. Thì ra “Giọt sáng trong mơ” được chưng cất từ những gì còn ngổn ngang, xù xì gân guốc để khẳng định chân giá trị, tinh hoa của đời sống từ sự trải nghiệm , gửi gắm, như tiêu đề bài thơ “Mừng hội Văn học nghệ thuật có trụ sở mới” mà đi sâu vào câu chữ lại là những cung bậc của nỗi niềm cùng sự sẻ chia: “Phút suy tư trước bao điều trăn trở/ Nơi tưởng nhớ bóng hình bạn khuất xa/ Và nguyện cầu tâm hồn được thanh thản/ Gửi về đây trang viết đẹp lòng ta”.
* Tên các tập thơ.
Lê Văn Lộc
Các tin khác
Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL) vừa thông báo: Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp diễn ra trong hai ngày 12 và 13-10, vì vậy Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 18 dự kiến diễn ra từ ngày 11 đến 15-10 tại Quảng Ninh sẽ rời thời gian tổ chức tới ngày 14 đến 16-10.
Với sự tham gia của các ca sĩ tên tuổi như Đàm Vĩnh Hưng, Tân Nhàn, Bảo Trâm..., liveshow Bài hát yêu thích tháng 10 (diễn ra ngày 6.10) đã mang đến một đêm nhạc sôi động và nhiều cảm xúc.
Ấn phẩm văn hóa đặc biệt chào mừng 59 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 của Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội mang tựa đề "Hà Nội mãi trong ta", giới thiệu 91 ca khúc về Thủ đô ngàn năm văn hiến.
34 tập phim truyền hình lịch sử "Thái sư Trần Thủ Độ" sẽ được phát sóng vào 20h35 các tối thứ hai, thứ ba, thứ tư hằng tuần trên VTV1 kể từ ngày 21-10 tới.