“Tiếng đàn” vọng mãi nước non
- Cập nhật: Thứ hai, 21/10/2013 | 9:19:17 AM
YBĐT - Ca khúc của “Tiếng đàn” đã được cất lên trên Truyền hình Việt Nam suốt từ 7/10 khi tưởng mộ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng đến hôm nay, đến lúc này- lúc mà người ta cần biết lắng lòng lại cho những nhiệm vụ tiếp theo của cuộc sống thì ca từ ấy, giai điệu ấy vẫn cứ mở rộng lòng tôi với thênh thang của nỗi buồn thương, xa xót.
Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp
bên cây đàn.
|
Thế mới biết, tình cảm chân thành nó có lí lẽ riêng của nó. Sống mũi cay cay, nơi khóe mắt lại trực trào ra dòng thổn thức, giọng tôi nghẹn lại với từng dòng nhạc đang được chính mình đọc thầm lên:
Tiếng đàn vẫn ngân trên phố phường Hà Nội
Một ngày ngừng gió, lá thu vàng rơi dương cầm buông lơi
Tiếng đàn vị tướng 10 ngón tay thô lướt trên thăng trầm trắng đen cuộc đời
Vinh quang cay đắng cây đời vẫn xanh
Tiếng đàn đồng chí rạng rỡ non sông áo xanh bạc màu thủy chung đồng đội
Vào sinh ra tử ấm tình anh ... Văn
Đàn ngân nhân nghĩa sáng ngời
Đàn ngân tri thức cao vời
Danh tướng muôn đời rạng rỡ Việt Nam
* * *
Tiếng đàn vẫn ngân trên phố phường Hà Nội
Một ngày ngừng gió, lá thu vàng rơi dương cầm buông lơi
Tiếng đàn Tổ quốc toàn thắng reo ca cánh chim ngang trời vẫn không biết mỏi
Vẫn mơ ước sống lo nhiều cho dân
Tiếng đàn Đại tướng trời đất yêu thương khóc cho dân tộc khuất xa một người
Rạng danh trung hiếu sáng ngời muôn sau
Đàn ngân thương tiếc vô cùng
Đàn ơi nước mắt tuôn trào
Đất nước nhớ người vì nước quên thân
Vinh quang Tổ quốc Việt Nam”
Bài hát đã được nhạc sỹ - thiếu tướng An Thuyên sáng tác chỉ trong vòng 15 phút, là sự chuyển tải tất cả cảm xúc trong suốt từ niềm thành kính, tiếc thương vị tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam. Mặc dù vẫn biết, con người vĩ đại đến đâu, kiệt xuất đến chừng nào cũng không thể nằm ngoài quy luật khắc nghiệt của tạo hóa; mặc dù vẫn biết ngọn đèn có cháy sáng, cháy đến mức quên cả mình là thân bấc trong một bình đèn vẫn rực cháy thì đến lúc nào đó, ngọn đèn cũng sẽ phải cạn dầu; biết - vẫn biết nhưng khi nghe tin Đại tướng qua đời, tất cả người dân Việt Nam, trong đó có thiếu tướng An Thuyên vẫn buồn đau và tiếc thương vô hạn. Tình cảm ấy dâng thành nguồn xúc cảm mạnh mẽ.
Cứ thế, nhạc phẩm tuôn rơi qua những dòng nước mắt tưởng niệm của nhạc sỹ và hòa vào lời ca nghẹn ngào của các nghệ sỹ, trở thành tiếng hát của non sông vĩnh biệt Người.
Nước mắt rơi đến bao nhiêu và cho biết đến bao ngày không thể có đơn vị đo lường vật chất nào đong đếm được. Thế nhưng, chưng cất nó thành khối lập thể có vị mặn tinh khiết đằm mãi trong cuộc sống của mỗi chúng ta, nhạc sỹ An Thuyên đã chỉ dùng đến 194 hạt muối để cấu trúc thành dòng lệ bất tử kính dâng Người.
Toàn bài với 10 lần tiếng đàn được nhắc đến ở trong 19 câu của tổng số 194 âm tiết. Đó là sự luyến láy của chính bản thân hình tượng gợi ra nhiều tầng ý nghĩa. Trước hết, đó là tiếng đàn của chính nhạc sỹ (thay mặt cho anh em văn nghệ sỹ- đặc biệt là các nghệ sỹ khoác áo lính vốn thường ngày được Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất ưu ái, quan tâm). Từng âm thanh réo rắt nhưng không thê lương vì bản thân cấu trúc giai điệu không hề lạm dụng sự ngân dài não nuột, không lạm dụng thanh điệu gợi sự vỡ loang của những thanh ngang, thanh không (dấu huyền, không dấu trong tiếng Việt). Từng ca từ là từng tiếng thổn thức, buồn đau “thương tiếc vô cùng” nhưng vô cùng tự hào, vô cùng muốn được phô khoe với vũ trụ, non sông “trời đất yêu thương khóc cho dân tộc khuất xa một người”.
Song, linh hồn của bài hát không nằm ở chỗ đó, và bài hát cũng không phải là cái cớ để An Thuyên bộc lộ tình cảm riêng, mà sâu sắc, thiêng liêng và kết nối triệu triệu trái tim Việt Nam khi nghe ca khúc này suốt những ngày qua- đó là sức biểu tượng của tiếng đàn mà nhạc sỹ gửi gắm. Qua “Tiếng đàn vị tướng; tiếng đàn đồng chí; tiếng đàn Tổ quốc; tiếng đàn Đại tướng” - đoạn điệp khúc được nhắc đến bốn lần; hình tượng người tổng tư lệnh tài ba, lỗi lạc hiện ra đầy ấm áp, gần gũi trong sự dung dị, đời thường.
Với sự cứng cỏi, dõng dạc và tiên quyết trong lời thề khi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, trong lời chỉ huy “kéo pháo vào” rồi lại “kéo pháo ra” trong chiến thuật tổ chức trận đánh Điện Biên Phủ, triển khai sắc lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa!” “Táo bạo, táo bạo hơn nữa!”... chúng ta đã được biết về ông như nội dung của một bài lịch sử tự hào; song với hình ảnh Đại tướng bên phím đàn Piano, “10 ngón tay thô lướt trên thăng trầm trắng đen cuộc đời” vào những phút giây thư giãn trong cuộc sống thường nhật lại gợi lên nhiều cảm xúc của người viết ở một sắc thái khác: mến yêu vô cùng- từ mà ít khi chúng ta dám dùng thay vì từ cùng trường hay dùng là kính trọng, kính yêu!
Bài hát ra đời từ sự ra đi của một vì tinh tú, cho nên, dù có muốn nói giảm nói tránh đến mấy thì nhiệm vụ của người nghệ sỹ vẫn không thể lảng tránh thông tin biểu đạt của sự thật. Chật vật với dòng cảm xúc đau xót, hẫng hụt của bản thân, nhưng buộc lòng nhạc sỹ An Thuyên vẫn phải dùng đến 3 từ cùng trường nghĩa trong câu thứ 2: “Một ngày ngừng gió, lá thu vàng rơi dương cầm buông lơi” để nói về sự ra đi của Người. Đau đớn lắm, tiếc thương lắm; tình cảm ấy là chân thành, tình cảm ấy là sự xúc động tự nhiên vô hạn. Vậy nên, lấy hết can đảm, An Thuyên dồn nghĩa mất mát liền một lúc vào 3 từ trong cùng một câu.
Để rồi, tất cả những dòng nhạc sau và ở cả đoạn 2 với 95 từ, chúng ta không thấy lặp lại từ hoặc nghĩa của từ đó mà chỉ có nghĩa của sự trường tồn, bất tử trong niền kính trọng, tiếc thương của nhân dân, đất nước qua các từ chỉ trạng thái tồn tại “vẫn” được láy lại 4 lần, qua các tính từ “ấm tình”, “muôn đời rạng rỡ”, “sáng ngời muôn sau” “đất nước nhớ người”, “vinh quang Tổ quốc”... Nội dung sâu sắc ấy vừa là kết quả của ngọn nguồn tình cảm nơi nhạc sỹ, vừa là sự tài hoa của một cây bút viết nhạc uy tín hàng đầu Việt Nam.
Tôi không có năng lực để đánh giá, bình luận bài hát ở mặt thi pháp âm nhạc với cấu trúc giai điệu, tiết tấu của nó. Viết bài này, chỉ xin phép một lần nữa được thành kính tưởng nhớ đến Người. Cũng thực lòng xin cảm ơn nhạc sỹ- thiếu tướng An Thuyên đã có những ca từ lay động lòng người “Tiếng thơ ai động đất trời/ Nghe như non nước vọng lời ngàn thu”.
Lưu Khánh Linh (Trường THPT Đồng Tâm, TP Yên Bái)
Các tin khác
Có được một số thành tích ấn tượng ở các cuộc thi người mẫu, chiến thắng của Lan Khuê tại “Siêu mẫu VN” là điều không quá bất ngờ.
Cuộc hành trình của Amazing Race Vietnam-Cuộc đua kỳ thú 2013 kéo dài suốt 3 tháng đã chính thức khép lại sau buổi phát sóng tối 18/10 với chiến thắng bất ngờ dành cho hai cô gái xinh đẹp Thu Hiền và Diệp Lâm Anh, khi vượt qua Đội Đỏ của Nhan Phúc Vinh, Linh Chi.
Ban tổ chức cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam 2013 do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức với sự bảo trợ của Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh quốc tế (FIAP) vừa chính thức công bố kết quả.
Đây là lần đầu tiên 4 bộ phim đặc sắc của Pháp theo hành trình của những thanh niên đi chiếu bóng dọc Việt Nam.