“Ước gì có cánh” - sâu sắc những bài học trẻ thơ

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/11/2013 | 9:12:54 AM

YBĐT - Tuy chỉ có 12 câu chuyện ngắn gọn nhưng ý nghĩa những câu chuyện trong tập truyện thiếu nhi “Ước gì có cánh”  đã vượt ra khỏi câu chữ.

Cả cuộc đời gắn bó với nghề dạy học, với các em học sinh miền núi, cô giáo Dương Hiền Nga đã dạy dỗ rất nhiều thế hệ học trò khôn lớn, trưởng thành. Đến khi về hưu, cô vẫn ấp ủ mong muốn được mang những tri thức, những bài học về cuộc sống, những kỉ niệm trong trẻo của tuổi thơ mình chia sẻ với các em thiếu nhi. Chính bởi thế, cô bắt đầu cầm bút viết truyện thiếu nhi.

Viết bằng tấm lòng yêu trẻ, bằng tình yêu hồn hậu của một người phụ nữ, một người mẹ, người bà nên những câu chuyện thiếu nhi của cô Dương Hiền Nga rất hồn nhiên, dễ thương nhưng chứa đựng biết bao bài học sâu sắc.

Cuối năm 2011, cô Dương Hiền Nga đã cho ra mắt tập truyện thiếu nhi đầu tay với nhan đề “Ước gì có cánh” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Tập sách gồm 12 câu chuyện nhỏ với nội dung giáo dục thiếu nhi biết bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài vật có ích; biết trân trọng tình thầy trò, tình bè bạn, gia đình… Ngay khi ra đời, tập truyện đã được nhiều bạn nhỏ đón đọc và đạt giải C - giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái năm 2011. Đó là niềm vui, niềm vinh dự lớn của cô giáo giàu lòng yêu trẻ Dương Hiền Nga.

Có lẽ là từng là một cô giáo nên Dương Hiền Nga rất chú trọng đến việc giáo dục trẻ thơ, trong đó có những nhận thức về thế giới loài vật và môi trường sống xung quanh. Trong số 12 câu truyện trong tập “Ước gì có cánh” thì có đến 6 câu chuyện kể về loài vật. Đó là những chuyện: “Hội nghị nhà Cóc”, “Chú Gấu tìm bạn”, “Cái chết của chim sâu”, “Chú Mèo ngốc nghếch”, “Cô thợ gốm đáng yêu”, “Chuyến bay đêm”.

Những câu chuyện đó đã giúp trẻ thơ hiểu được họ hàng nhà cóc là những con vật có công lớn giúp người nông dân diệt trừ sâu bọ, bảo vệ mùa màng, gọi trời mưa xuống khi hạn hán, đồng thời làm ra những sản phẩm hữu ích phục vụ sức khỏe con người; hiểu được một chú chim sâu nhỏ bé, một chú thằn lằn hay chú dơi trông rất xấu xí nhưng lại rất hữu ích với cuộc sống con người…

Bằng cái nhìn và ngôn ngữ rất trẻ thơ, cùng với cách kể chuyện hài hước, dí dỏm lại lồng ghép nhiều sự tích như sự tích cây nêu ngày tết, sự tích tết Trung thu…; cô Dương Hiền Nga đã mang đến những câu chuyện cảm động về thế giới loài vật và để lại thật nhiều suy nghĩ. Không suy nghĩ sao được khi họ nhà Cóc “kêu ca” rằng chúng đang bị sát hại hàng loạt, bị bắt làm thức ăn cho rắn nuôi hoặc bị lũ trẻ con đánh chết để chơi đùa… (Hội nghị nhà Cóc).

Rồi hình ảnh chú chim sâu bị chết đau đớn sau khi bị lũ trẻ dùng súng cao su bắn gẫy chân mà vẫn mang theo giấc mơ được bắt lũ sâu bọ đang đua nhau ăn lá, đục thân cây… (Cái chết của chú chim sâu). Nhưng cũng thật đáng mừng khi trong những câu chuyện ấy vẫn có những việc làm đáng khen như đôi bạn đi trực nhật lớp buổi sớm nhìn thấy chú dơi bị lạc mẹ rơi vào chậu nước đã cứu chú (Chuyến bay đêm); rồi nhân vật Bé trong chuyện “Cô thợ gốm đáng yêu” đã rất ân hận khi 2 lần phá đi tổ của con tò vò mẹ (dù rất vô tình)… Có lẽ, khi viết những câu chuyện này, cô Dương Hiền Nga rất mong muốn sẽ có nhiều bạn nhỏ hiểu biết đúng về các loài vật xung quanh mình và biết cách bảo vệ chúng; bởi việc làm đó cũng chính là cách làm cho cuộc sống con người tốt đẹp hơn.

Một mảng nội dung được Dương Hiền Nga rất trân trọng nữa chính là những câu chuyện nói về tình cảm gia đình, tình thầy trò, tình bạn và những kỉ niệm trong trẻo, hồn nhiên của tuổi thơ cô. Đó là những chuyện: “Ước gì có cánh”, “Xuân về kể chuyện cây nêu”, “Trăng rằm sáng trong”, “Tiếng đàn”, “Vọng mãi lời cô”, “Bạn đồng hành”. Trong những câu chuyện đó, ta sẽ bắt gặp tình cảm ông bà và cháu thật gần gũi, thân thiết như những người bạn. Ông bà luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc ngộ nghĩnh của đứa cháu yêu, đồng thời để cháu tự nhận ra bài học sâu sắc.

Trong những câu chuyện đó cũng luôn nồng ấm tình thầy trò và ở đó, “thầy” là người mẹ hiền luôn lo lắng, chăm sóc cho học trò như người con ruột thịt. Ngược lại, “trò” trong những câu chuyện đó không bao giờ quên tình cảm của thầy với tấm lòng thành kính và biết ơn sâu nặng. Trong những câu chuyện đó còn đau đáu nỗi niềm của cô Dương Hiền Nga nhớ về một thời thơ ấu với những người bạn không biết giờ đã phiêu dạt phương trời nào nhưng tình cảm thân thiết và cả những ước mơ hồn nhiên thì vẫn như xưa.

Tuy chỉ có 12 câu chuyện ngắn gọn nhưng ý nghĩa những câu chuyện đó đã vượt ra khỏi câu chữ. Nhẹ nhàng đưa ra những thông điệp bằng sự cảm nhận rất hồn nhiên của con trẻ như “Cô thợ gốm này đáng yêu quá! Cô làm thợ gốm vì tương lai của các con cô” khi nhân vật Bé (Cô thợ gốm đáng yêu) tròn xoe mắt nhìn cô Tò Vò bé nhỏ mà khôn ngoan và rất yêu thương con; rồi “câu nói” của cánh diều với mọi thứ đang bay lên cao (Ước gì có cánh): “Bay lên quả là rất tuyệt vời nhưng dù bay cao thế nào, chúng em vẫn gắn chặt mình với mặt đất thân yêu, không bao giờ rời xa điểm tựa đó. Nếu dứt bỏ sự ràng buộc thì làm sao có thể bay mãi được đây”… Những thông điệp ấy không chỉ khiến các độc giả nhỏ tuổi mà cả người lớn cũng phải suy nghĩ.

“Ước gì có cánh” có lẽ khi chọn nhan đề cho cả tập truyện, nữ tác giả mong muốn làm sao thật nhanh được trở lại những ngày xưa yêu dấu - những ngày tuổi thơ hồn nhiên như trẻ thơ bây giờ; để được sống lại những tình cảm trong trẻo, đẹp đẽ nhất - đó chính là một trong những điểm tựa lớn để cô có được ngày hôm nay.

Cũng có lẽ bởi không ít người hơn một lần mong muốn mình có được đôi cánh thần tiên ấy để được tự do bay lượn trên bầu trời mơ ước của riêng mình. Nhưng dù là lí do nào thì Dương Hiền Nga cũng đã mang đến một món quà ý nghĩa cho trẻ thơ. Và chắc chắn, những bài học sâu sắc trong tập truyện sẽ góp phần làm cho tâm hồn trẻ thơ trong sáng hơn. Còn với những bậc làm cha mẹ, “Ước gì có cánh” sẽ giúp đánh thức những ước mơ đã ngủ quên trong miền kí ức. Xin trân trọng cảm ơn tấm lòng của cô giáo giàu lòng yêu trẻ Dương Hiền Nga và mong cô tiếp tục có nhiều sáng tác hay hơn nữa cho thiếu nhi!

Anh Thư

Các tin khác

Khi đọc một quyển sách hay, độc giả thường không nghĩ đến những điều đặc biệt trong tính cách và lối sống của nhà văn đã viết nên cuốn sách. Thế nhưng, tiểu sử của các nhà văn đôi khi gây ấn tượng mạnh bất ngờ!

Người đẹp Venezuela đăng quang cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2013

Người đẹp Gabriella Isler đến từ Venezuela đã trở thành Hoa hậu Hoàn vũ 2013 trong đêm Chung kết diễn ra tối 9/11 tại Nga.

Tại Pháp, kỳ họp lần thứ 37 Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đang diễn ra tại thủ đô Paris của nước này, UNESCO đã ra Nghị quyết vinh danh đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam cùng với nhiều danh nhân văn hóa khác trên thế giới.

Năm nay, Việt Nam có hai đại diện tại cuộc thi Hoa hậu Quý bà thế giới. Hoa hậu Thể thao Trần Thị Quỳnh sẽ tham gia với tư cách là thí sinh dự thi.

Đệ nhất Hoa hậu Quý bà Thế giới Đoàn Thị Kim Hồng vừa chính thức được Tổ chức “Hoa hậu Quý bà Thế giới 2013- Mrs World Pageant 2013" mời làm giám khảo cho cuộc thi năm nay. Năm nay, đại diện Việt Nam dự thi Hoa hậu Quý bà thế giới là Trần Thị Quỳnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục