Gặp lại Ohsin

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/11/2013 | 7:53:59 AM

Phiên bản điện ảnh ra đời sau phiên bản truyền hình 30 năm ở Nhật (năm 1983) và 19 năm chiếu trên màn ảnh nhỏ Việt Nam (năm 1994), Ohsin vẫn khiến khán giả rơi lệ trong ngày trở lại...

Ohsin 30 năm trước đã trở lại với phiên bản điện ảnh 2013.
Ohsin 30 năm trước đã trở lại với phiên bản điện ảnh 2013.

Căn nhà gỗ nghèo khó, gia đình ba thế hệ gồm bà, bố mẹ và con cái quây quần bên bếp lửa trong bữa tối, ngoài kia là tuyết rơi trắng trời. Cô bé Ohsin (Kokone Hamada) khuôn mặt bụ bẫm tròn vo, ánh mắt lấp lánh sáng ngời hạnh phúc giữa bà, giữa mẹ, giữa bố và anh trai. Em mới lên 7 tuổi. Và người bố cắn răng để thông báo cho em biết rằng ngày mai em sẽ phải lên thành phố để đi ở cho một gia đình bán gạo, đổi lại họ sẽ trả gạo cho gia đình em sống ít nhất qua được mùa đông. “Nhà không còn gạo để nuôi con nữa, Ohsin à!”. Đấy là quyết định của người đàn ông trong nhà, được sự ủng hộ của người đàn ông thứ hai là anh trai Ohsin, bất chấp sự phản đối của hai người phụ nữ là bà và mẹ. Bất chấp cả việc mẹ Ohsin dầm người xuống con suối đang đóng băng hòng mong sảy thai để nhà bớt đi một miệng ăn...

Trong tuyết trắng lạnh lẽo ghê hồn, chiếc bè đưa Ohsin bé bỏng trong bộ kimono chữa lại của mẹ, cổ đeo chiếc bùa có đồng 50 xu bà nội cho, rời xa gia đình đi làm thuê trên thành phố.

Trong phiên bản truyền hình vì độ dài kéo theo từng tập, sự thay đổi và phát triển trong tính cách, tâm hồn của cô bé Ohsin đến với khán giả một cách chậm rãi, thấm thía. Phiên bản điện ảnh vẫn giữ được sự chậm rãi đó trong nhịp điệu phim nhưng sự phát triển tính cách lại nhanh hơn. Và vì thế, phim giống như những câu chuyện ngụ ngôn khác nhau đặt bên cạnh nhau với cùng một nhân vật, mỗi câu chuyện là một bài học hay một thông điệp nhỏ. Và tổng thể là một bài học lớn, một thông điệp lớn về sự chịu đựng dẻo dai đến kiên cường của người phụ nữ Nhật, ẩn sau vẻ cam chịu, dễ bảo, dịu dàng.

“Ohsin à, người phụ nữ dù làm gì cũng không phải là làm cho bản thân mình đâu. Họ làm tất cả cho chồng cho con thôi. Vì thế dù có sao cũng đừng nghĩ xấu về mẹ cháu nhé!” - lời nói của bà chủ trong đêm khuya khi Ohsin nức nở vì thấy mẹ mình dìu khách vào một quán rượu, chính là thông điệp lớn ấy của cả bộ phim. Phiên bản điện ảnh cũng chỉ dừng ở thời điểm Ohsin vẫn còn bé, ở cái kết có hậu rằng em đã gặp một gia đình tốt, đã biết chữ vì gặp được cậu lính đào ngũ trong chiến tranh Nga - Nhật, và đã lớn lên trong tâm hồn khi thay vì khóc lóc, cuối phim em đã cười rạng rỡ quay lại thành phố vì biết việc mình làm sẽ giúp nhà có gạo, có cơm ăn.

Diễn viên Ayako Kobayashi - Ohsin bé bỏng của 30 năm trước trong phiên bản truyền hình, giờ đã hơn 40 tuổi - đảm nhận một vai trong phiên bản điện ảnh: vai cô chủ trẻ Mino. 19 năm cho câu chuyện về cô bé giúp việc người Nhật đến với VN, ở lại thành tên gọi cho nghề giúp việc gia đình, câu chuyện Ohsin cuối thế kỷ 19 ở nước Nhật vì thế chưa bao giờ cũ với người Việt.

Chọn phim này để khai mạc Liên hoan phim Nhật tại TP.HCM (kéo dài tới ngày 21-11 ở cụm rạp BHD Star Cineplex Icon 68) ngày 15-11 vừa rồi, hẳn người Nhật cũng biết đây là câu chuyện quen thuộc với đa số khán giả Việt. Trong buổi chiếu hôm ấy lao xao tiếng chuyện trò, bởi hầu hết người xem là những người từng xem phiên bản Ohsin truyền hình. Vậy mà nước mắt vẫn rơi khi Ohsin lên chiếc bè gỗ rời khỏi gia đình, nước mắt vẫn rơi khi em bị đổ oan tội ăn cắp, nước mắt rơi khi bé gái bé bỏng ngã xuống giữa tuyết giá mùa đông... Ohsin, cô bé ấy trở lại như một mảnh ký ức đầy xúc động, khi nghề giúp việc còn chưa phổ biến ở VN như bây giờ. Và có lẽ mỗi người sẽ kiếm tìm được một dư vị riêng cho mình sau buổi chiếu...

(Theo TTO)

Các tin khác
Khai mạc trại sáng tác điêu khắc Tây Nguyên diễn ra sáng ngày 18-11, hoạt động nằm trong Tuần lễ 'Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam

Lễ khai mạc tuần lễ "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" đã khai mạc tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô – Hà Nội).

Nhân 49 ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sao mai Phạm Phương Thảo đã chính thức phát hành ca khúc Đất mẹ ngày về do chính cô sáng tác.

Đúng 8h30, buổi lễ được bắt đầu trong không khí trang nghiêm. Đại tướng qua đời ngày 4/10, và buổi lễ hôm nay được tổ chức vài ngày trước lễ thất tuần, tức 49 ngày.

Sáng 17/11, rất đông người dân đổ về thiền viện Sùng Phúc (Long Biên, Hà Nội) để tưởng nhớ 49 ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trần Diễm Ái Vi rạng rỡ đăng quang Nữ sinh viên Việt Nam duyên dáng năm 2013.

Vượt qua gần 600 thí sinh, cô gái 19 tuổi, Trần Diễm Ái Vi, đến từ Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, đã đoạt vương miện Nữ sinh viên Việt Nam duyên dáng năm 2013 tối 17.11.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục