Tập sách Những chuyện kỳ thú trong lịch sử Việt Nam: Viết văn thông qua sử
- Cập nhật: Thứ tư, 20/11/2013 | 8:05:12 AM
Trong dịp mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, chúng tôi nhận được một món quà. Ấy là tập sách “Những chuyện kỳ thú trong lịch sử Việt Nam” mà bạn bè Nhà Xuất bản Lao Động gửi tặng. Tôi đã đọc say mê thích thú như học trò và phát hiện thêm nhiều bài học bổ ích cho mình. Hai cảm giác song song trong tôi - một cậu học trò nghèo thích phiêu lưu và một người yêu thơ vất vả.
|
Tập sách có khổ sách giáo khoa phổ thông, dày 312 trang, trang nhã. Tập sách có chiều dày lịch sử, sâu lắng tình cảm, nên nặng trĩu tay cầm. Những chuyện kỳ thú mà tập sách nêu lên lại gây tò mò không cưỡng được, dành cho tuổi học trò. Chuyện lịch sử là những bài giảng, bài học ngoại khóa. Từ điểm xuất phát, chúng ta nhận ra mình là ai trên thế giới bao la, để tự hào; ta đi vào những sự kiện chính yếu của lịch sử để hiểu việc tạo nên và làm vẻ vang cho dân tộc và nước non này.
Tác giả sách là cô giáo dạy văn 81 tuổi Nguyễn Thị Thanh Hà, quê Hà Tĩnh. Dân xứ Nghệ (được gọi chung cho cả Nghệ An, Hà Tĩnh), là vùng địa linh nhân kiệt, khắc nghiệt mà lắm người tài giỏi, nổi tiếng. Một cô giáo dạy văn học viết sách thì không có gì lạ, nhưng viết văn thông qua sử là chuyện đáng trân trọng và cần ghi nhận, tôn vinh. Giáo sư Đặng Thai Mai, Hoàng Xuân Nhị… từng khuyên sinh viên, muốn học giỏi văn phải hiểu sử. Hai môn này đều nghiên cứu thời đại - sự kiện - con người. Văn làm cho sử hay, sống động và sử làm cho văn khoa học, tráng kiện.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà đặt tên cho sách mình là Những chuyện kỳ thú trong lịch sử Việt Nam. Là cô giáo dạy văn, cô giáo dùng chữ “chuyện” chớ không dừng chữ “truyện” là khiêm tốn và chính xác. Với cách nhìn nhận của một nhà sử học, giáo sư Phan Huy Lê nhận xét: “Đây không phải là những truyện ngắn viết theo thể loại tiểu thuyết lịch sử mà là những câu chuyện thuộc loại “chuyện xưa, tích cũ”. Nội dung các chuyện đều khai thác từ trong kho tàng huyền thoại - truyền thuyết và trong các loại sử cũ, trong các di tích văn hóa lịch sử”.
Chúng tôi không muốn và không phải nhà lý luận để bàn đến loại hình, thể loại của tập sách. Điều chúng ta cần ghi nhận là thái độ và trách nhiệm trước cuộc sống hiện thực xã hội mà tập sách mang lại. Đây là một tập sách quý, bổ ích cho học sinh và nhà giáo và cho cả xã hội chúng ta. Chúng ta từng đau lòng trước tình trạng học sinh con em chúng ta nói “không thích học sử” trong nhà trường. Các em chỉ thích học “môn học kiếm ra tiền, kiếm nhiều tiền” và học “cách giải trí” mà giải trí thì chỉ là múa ca thời thượng.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà còn sáng tác thơ. Bà đã từng đăng thơ trên các báo, trong đó có báo SGGP. Cuối sách có bức ảnh bà chụp chung với vợ chồng nhà thơ Tố Hữu, nhà thơ Huy Cận; nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi; NSƯT Trần Thị Tuyết và anh Phan Lai Triều (con trai nhà thơ Chế Lan Viên)… cho thấy mối quan hệ văn chương khá rộng của bà. Xin trích một câu thơ của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà: Rồng mẹ muôn xưa hạ xuống đây/ Nghìn năm mây trắng vẫn còn bay/ Cửa trời non nước thần tiên mộng/ Nam Bắc ghi chung một chốn này. (Vịnh Hạ Long)
Trở lại tập sách của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà, chúng tôi chỉ muốn nói một điều: Cảm ơn cô giáo đã cho chúng tôi một tập sách quý về nhiều phương diện để làm người Việt Nam. Tập sách gồm 102 chuyện từ thời khởi thủy cho đến thế kỷ 18, mở đầu là chuyện “Chúng ta đều là con Rồng cháu Tiên” và kết thúc là chuyện “Nữ tướng Đô đốc Bùi Thị Xuân”.
Chắc chắn cô còn viết thêm nhiều tập sách nữa. Những chuyện trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ 18 đến ngày nay. Khi viết xong bài báo nhỏ này, chúng tôi hay tin, Nhà xuất bản Giáo Dục sẽ xuất bản cuốn sách này, làm sách tham khảo trong ngành. Lại một tin vui…
(Theo SGGP)
Các tin khác
Nghị định 158/2013/NĐ-CP vừa ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, có hiệu lực từ ngày 1.1.2014.
Một gia đình người Anh từ hàng chục năm nay vẫn dùng chiếc bình gốm cổ có niên đại 300 năm tuổi để… cắm hoa. Họ không hề hay biết giá trị thật sự của chiếc bình dù nó đã được truyền lại trong gia đình từ nhiều đời.
Vào lúc 14 giờ 45 giờ Paris (tức 20 giờ 45 giờ Việt Nam) ngày 19/11, Việt Nam đã chính thức được bầu là một trong 21 thành viên của Ủy ban Di sản thế giới (nhiệm kỳ 2013-2017) tại kỳ họp lần thứ 19 Đại hội đồng các quốc gia thành viên Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, với sự tham dự của đại diện 160 nước trên thế giới.
Hoa hậu Nguyễn Thị Ngọc Anh cùng các người đẹp đã tham gia trình diễn áo dài truyền thống tại lễ khai mạc Tuần lễ Đại đoàn kết.