Về địa danh Pú Chạng ở Nghĩa Lộ
- Cập nhật: Thứ sáu, 22/11/2013 | 8:54:30 AM
YBĐT - Pú Chạng (hay còn gọi là Pú Trạng) là tên một triền núi thuộc địa phận thị xã Nghĩa Lộ, cũng là tên một đơn vị hành chính - phường Pú Trạng, một trong tổng số 7 xã, phường của thị xã. Lâu nay, nhiều người vẫn băn khoăn về cách gọi Pú Trạng hay Pú Chạng.
Một góc phường Pú Chạng, thị xã Nghĩa Lộ.
|
Trên báo chí cũng đã có một số bài viết đưa ra những cách lý giải khác nhau về cách gọi này. Các ý kiến đưa ra hầu hết đều hướng đến một kết luận cách gọi Pú Chạng là hợp lý hơn cả. Còn nếu gọi địa danh này là Pú Trạng sẽ phần nào làm mất đi ý nghĩa lịch sử, văn hóa đặc sắc mà nó mang theo. Là người đang làm việc trên địa bàn thị xã, lại có dịp tiếp xúc, tìm hiểu về một trong những vốn văn hóa của người Thái Tây Bắc đó là chữ Thái cổ nên tôi xin được đóng góp ý kiến của mình với mong muốn góp phần lý giải và đưa ra sự thống nhất trong cách gọi tên địa danh này.
Trước hết, cần khẳng định Pú Chạng là tên gọi theo tiếng Thái có nghĩa là núi voi. Pú Trạng cũng là tên gọi theo tiếng Thái chứ không phải nửa Thái (Pú), nửa Việt ("trạng" trong trạng nguyên, trạng thái,...) như một số ý kiến cho rằng "trạng" là từ đọc chệch của "chang" và cũng có nghĩa là núi voi. Phân tích từng từ cho thấy: "pú" mới là từ đã bị đọc chệch. Thực chất, trong tiếng Thái từ này đọc là "pu", có nghĩa là núi (khác với "pú" – ông tổ).
Tuy nhiên, trong tiếng Thái do có sự phân biệt tổ thấp - cao, từ "pu" được cấu tạo từ phụ âm "p" (đọc là "po", nằm trong tổ cao) và nguyên âm "cu" (tương đương nguyên âm "u" trong tiếng Việt), khi đọc cần cao giọng nên bị chệch thành "pú". Còn từ "chạng" hay "trạng" được cấu tạo từ phụ âm "ch - tr" (đọc là "cho", nằm trong tổ cao) và nguyên âm "cang" (tương đương "ang" trong tiếng Việt) và dấu "xong" (tương đương với dấu "nặng") nên đọc là "chạng" hay "trạng". Như vậy, từ này đọc chính xác là "Pu Chạng" hay "Pu Trạng" chứ không phải "Pù Chang" như một số ý kiến đã đưa ra. Tuy nhiên, do từ "pu" được cấu tạo từ phụ âm "p" tổ cao nên khi đọc gần giống với "pú".
Hơn nữa, trong tiếng Thái lại không phân biệt "ch - tr", "x - s" như tiếng Việt, khi giao tiếp người Thái cũng ít sử dụng những từ uốn lưỡi như "tr", "r", "s" mà thường sử dụng "ch, x" (có phụ âm "r" nhưng hầu như không sử dụng). Đó là lý do khiến nhiều người vẫn nghĩ "Pú Chạng" đúng hơn "Pú Trạng", trong khi đó nghĩa của hai từ này tương đương nhau. Nếu không tìm hiểu kỹ rất dễ dẫn đến sự hiểu lầm rằng cách gọi "Pú Trạng" là cách gọi chệch hoặc lai giữa tiếng Thái và tiếng Việt.
Trở lại với nguồn gốc của từ này cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó có nhiều ý kiến cho rằng vì triền núi này mang dáng vẻ một con voi đang nằm phủ phục nên mới gọi là núi voi. Tuy nhiên, ý kiến này không thuyết phục vì khi nhìn từ nhiều hướng khác nhau triền núi này trông không giống hình một con voi như người ta vẫn nghĩ.
Trong bài viết của tác giả Hoàng Nhâm có đưa ra căn cứ để giải thích cho nguồn gốc của địa danh Pú Chạng dựa trên một sự kiện lịch sử diễn ra ở khu vực này vào thế kỷ XIX, đó là phong trào Cần Vương ở vùng Tây Bắc do Nguyễn Quang Bích – tuần phủ tỉnh Hưng Hóa và Nguyễn Văn Giáp (Bố Giáp) – Tuần phủ tỉnh Sơn Tây chỉ huy.
Ngày 16/12/1883, thành Sơn Tây thất thủ. Ngày 12/4/1884, thành Hưng Hóa thất thủ. Năm 1885, Nguyễn Quang Bích và Bố Giáp đã xây dựng, tập hợp binh lính tổ chức phong trào Cần Vương ở vùng Tây Bắc. Thời gian đầu, nghĩa quân hoạt động chủ yếu ở vùng Tiên Động (Cẩm Khê – Phú Thọ) với nhiệm vụ xây dựng lực lượng và phòng tuyến phòng thủ Thao – Đà để tạo mối liên hệ thông suốt với sơn phòng miền Trung liên kết với triều đình tính kế chống Pháp.
Trước vị trí quân sự kiên cố, núi non hiểm trở, đầm lầy sông nước bao bọc, quân giặc rất khó đánh vào Tiên Động. Nhưng để tính kế chiến lược lâu dài nên nghĩa quân đã quyết định rút quân lên Tây Bắc, đóng đồn trại ở Nghĩa Lộ. Khi thực dân Pháp tiến đánh Nghĩa Lộ, Bố Giáp đã chỉ huy nghĩa quân đẩy lùi chúng. Tuy nhiên, trong trận đánh này ông đã bị thương và sau đó mất ở Nghĩa Lộ vào cuối năm 1887.
Trong quá trình hoạt động, ngoài sử dụng ngựa, nghĩa quân còn có cả voi do triều Nguyễn bấy giờ trang bị cho các quan tuần phủ, tổng đốc. Bởi vậy, có thể voi đã được làm chuồng nhốt hoặc chăn thả trong khu vực triền núi này nên người ta mới gọi là núi voi.
Trong cuốn tiểu thuyết lịch sử "Ngư phong tướng công" của tác giả Ngô Quang Nam – hậu duệ đời thứ tư của Nguyễn Quang Bích (theo gia phả họ Ngô thì dòng họ này phát tích từ Ngô Kinh, Ngô Từ phò Lê Thái Tổ ở Thanh Hóa. Thế kỷ XVI, nhà Mạc nổi lên và đến khi Trịnh - Nguyễn phân tranh thì họ Ngô phải di cư về đất Sơn Nam Hạ, có chi đổi ra họ Nguyễn, có chi đổi ra họ Phan. Chi về Trình Phố do làm con nuôi họ Nguyễn bên ngoại nên đổi từ Ngô sang Nguyễn – từ đời của Nguyễn Quang Bích) có viết rõ rằng trong thời gian đóng quân ở đây, nghĩa quân của Nguyễn Quang Bích và Bố Giáp đã sử dụng hai con voi để vận chuyển lương thực và vũ khí. Do thời tiết ở khu vực rừng núi Tây Bắc khắc nghiệt nên một con voi đã bị chết.
Con voi còn lại khi về đến địa phận Yên Lập (Phú Thọ) gặp dốc quá cao không vượt được nên quản tượng được lệnh ở lại trông voi rồi tìm đường về sau. Được ít hôm quản tượng không may bị chết do sốt rét rừng. Voi nhớ chủ nên đêm đến dứt xích luồn rừng tìm về đồn trại. Chẳng may gặp phải thợ săn tưởng voi rừng nên đã bắn chết. Dân bản thương xót chôn cất rồi lập lán thờ.
Như vậy, có thể nhận định nguồn gốc của hai từ "Pú Chạng" (hay Pú Trạng) tức núi voi bắt nguồn từ thời gian nghĩa quân của Nguyễn Quang Bích và Bố Giáp hoạt động chống Pháp ở đây. Và cách đọc, cách viết "Pú Chạng" hay "Pú Trạng" cũng không hề ảnh hưởng đến ý nghĩa văn hóa, lịch sử mà nó mang theo. Vấn đề là cần có sự quan tâm đúng mức đến việc bảo tồn, phát huy những vốn văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây, trong đó có chữ viết của người Thái. Bởi theo người viết bài này được biết thì hiện nay vẫn còn rất nhiều nguồn thông tin, tư liệu quý giá về văn hóa, lịch sử còn "tồn đọng" trong những văn tự chữ Thái cổ chưa được khai thác. Điều này cũng lý giải vì sao việc tìm hiểu, nghiên cứu về địa danh "Pú Chạng" trong suốt thời gian qua lại chưa có sự thống nhất, dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều đến như vậy.
Nguyễn Thu Phong
Các tin khác
Ngày 21/11, ông Đoàn Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm UNESCO Việt Nam đã trao tặng một số cổ vật quý giá như: chén, bát bằng sành sứ, đồ gốm đất nung, mũi tên bằng đồng thuộc các giai đoạn văn hóa Đông Sơn, Đinh, Lê, Lý, Trần cho Bảo tàng tỉnh Quảng Nam.
Ngày 20.11, Trung tâm văn hóa, thương mại và khách sạn Hà Nội - Moscow đã chính thức đi vào hoạt động. Tham dự lễ khánh thành tại Moscow có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Hồng Khanh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Liên bang Nga Phạm Xuân Sơn...
Từ ngày 30/11 tới 8/12, Liên hoan nhạc mới Hà Nội sẽ diễn ra tại nhiều địa điểm khác tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên một liên hoan âm nhạc thể nghiệm được tổ chức tại Việt Nam, tạo nên một sự kiện hoàn toàn mới trong lịch tổ chức lễ hội hàng năm.
Lễ hội Nàng Hai của đồng bào dân tộc Tày ở Cao Bằng đã được tái hiện sinh động, thu hút đông đảo người xem.