Khôi phục Khau cút nhà sàn của người Thái đen
- Cập nhật: Thứ tư, 27/11/2013 | 8:43:40 AM
YBĐT - Đi đến vùng người Thái đen ở Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, hình ảnh chiếc Khau cút ở hai đầu nhà sàn vẫn còn rất phổ biến. Ngược lại, ở Yên Bái người Thái đen khá đông nhưng hình ảnh này hầu như đã biến mất trong kiến trúc nhà sàn.
Khau cút hình lá rau bợ có gắn hình một thanh kiếm gỗ trên mái nhà văn hóa xã Hát Lừu (Trạm Tấu).
|
Nhiều người đã cao tuổi nhưng không hiểu được ý nghĩa văn hóa của Khau cút mà chỉ biết đó là vật để chắn ở hai đầu nóc cho khỏi tốc mái. Tuy vậy, thật may mắn vẫn còn có người như ông Lò Văn Biến - một nghệ nhân văn hóa dân gian Thái ở thị xã Nghĩa Lộ cùng một số cụ già ở Mường Lò còn biết chút ít về Khau cút đã giúp chúng tôi thỏa mãn được những điều mà mình muốn tìm hiểu.
Theo họ, Khau cút trong tiếng Thái nghĩa là cây rau dớn và ý nghĩa thực dụng của Khau cút đúng là vật dùng để chắn gió bão cho nhà khỏi bị tốc mái. Nhưng hình ảnh của Khau cút còn chứa những truyền thuyết dân gian thể hiện góc nhìn nhân sinh quan, thế giới quan của người Thái từ xa xưa rất phong phú, sâu sắc.
Chẳng hạn, có chuyện kể rằng, xưa kia người Thái di cư về phương nam và họ đi mãi đi mãi đến một ngày dừng chân thì họ nhìn thấy mặt trăng hạ tuần đã khuyết. Lúc ấy cũng là lúc dòng họ phải chia tay nhau thành từng nhóm đi mỗi ngả tìm đất định cư. Vì thế, họ quy định với nhau đến nơi ở mới khi làm nhà hãy nhớ làm hình trăng khuyết ở hai đầu nhà để sau này còn nhận ra nhau.
Lại có chuyện kể rằng, một chàng trai người Thái tài giỏi, có công dẹp giặc, được nhà vua gả công chúa, đưa về bản làng cùng sinh sống. Chàng trở thành thủ lĩnh của một vùng và rất mong được đón vua cha đến thăm nhà. Nhưng vì lo vua cha không nhận ra nhà mình nên chàng yêu cầu nhà của dân bản cùng làm một kiểu Khau cút và nhà chàng làm riêng một kiểu để vua dễ nhận ra.
Chẳng biết có phải vì thế hay không mà trong hệ thống Khau cút của người Thái có phân biệt khá rõ hình thức Khau cút của nhà phìa, tạo có hình hoa văn cầu kỳ và gắn cả hình một thanh kiếm gỗ tượng trưng cho quyền lực; Khau cút của nhà giàu cũng làm cầu kỳ không kém nhà phìa tạo; Khau cút của nhà mo có hình bùa chú, hình sừng trâu cách điệu; Khau cút của nhà bình dân đơn giản hơn với hoa văn hình xoắn ngọn rau dớn (phắc cút), hình phắc ben (lá rau bợ); Khau cút nhà nghèo chỉ đơn giản là 2 thanh tre hoặc gỗ chéo nhau; bà góa thì thường không làm Khau cút.
Ngoài những câu chuyện kể trên thì quan niệm về ý nghĩa dân gian của Khau cút cũng có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, Khau cút hình lá rau dớn (không phải rau dớn ăn được mà là loại phắc cút phạ) nghĩa là rau dớn trời, chính là cây guột, dây bòng bong cùng với rau bợ là biểu tượng của sự sinh tồn và thể hiện năng lực đấu tranh của con người trước nghiệt ngã của thiên nhiên, giặc dã để tồn tại. Bởi vì, rau bợ là món ăn đặc trưng của người Thái và ruộng khô rau bợ cũng mọc, ruộng ngập càng lên tốt. Cây guột, cây bòng bong thì bất kể núi đá, núi đất, đất khô, đất ẩm vẫn mọc. Đặc biệt, khi bị phát đốt nương thì nó là loại cây đầu tiên tái sinh và tái sinh mạnh nhất.
Đối với Khau cút hình sừng trâu, có ý kiến cho rằng, đó là biểu tượng của cư dân nông nghiệp lúa nước. Con trâu là con vật quan trọng nhất trong nghi lễ hiến tế thần linh cầu phồn thực trong tục Xên đông, Xên bản, Xên mường và trong nghi lễ tang ma.
Đồng thời với những ý kiến trên, có ý kiến cho rằng khau cút chính là hình ảnh vừa mang nét tả thực nhưng cũng vừa có nét huyền bí chứa đựng tín ngưỡng dân gian mang hàm ý xua đuổi tà ma, cầu mong điềm lành đến với mỗi gia đình của người Thái đen.
Với những ý nghĩa như thế, bà con người Thái đen ở Yên Bái nên khôi phục lại hình ảnh chiếc Khau cút trong kiến trúc nhà sàn của mình. Đặc biệt, khi Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương V khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và phong trào xây dựng làng văn hóa thì việc bảo tồn văn hóa càng mang ý nghĩa thiết thực hơn trong bảo tồn nét đẹp kiến trúc truyền thống. Đồng thời, bảo tồn Khau cút sẽ bảo tồn được thêm những giá trị văn hóa phi vật thể trong đời sống văn hóa của người Thái.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Alpha Books vừa chính thức cho ra mắt độc giả trên toàn quốc 03 cuốn sách kinh điển: Khế ước xã hội của Jean- Jacques Rousseau, và hai cuốn sử thi nổi tiếng và đồ sộ của Homer: sử thi Iliad và Odyssey.
Cuốn sách Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại (NXB Thông Tấn) vừa phát hành dày 470 trang, bìa cứng.
Tỉnh Điện Biên đang triển khai xây dựng công trình “Nâng cấp Khu trung tâm hành lễ và Nhà tưởng niệm Nghĩa trang liệt sỹ A1”. Đây là một trong 3 nghĩa trang cấp quốc gia của tỉnh Điện Biên.
Trong các ngày từ 27 đến 29/11 tại Hà Nội sẽ diễn ra Liên hoan âm nhạc piano Việt Nam-Nhật Bản lần thứ nhất.