Tòa nhà Bảo tàng Đông Nam Á cơ hội khám phá văn hóa các nước
- Cập nhật: Thứ năm, 28/11/2013 | 1:52:02 PM
Được khai trương ngày 30/11 tòa nhà Bảo tàng Đông Nam Á sẽ kết nối giữa văn hoá Việt Nam và văn hoá các nước trong khu vực.
Tòa nhà Bảo tàng Đông Nam Á
|
Ngày 30/11, tòa nhà Bảo tàng Đông Nam Á tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ khai trương và mở cửa để công chúng tham quan trưng bày "Văn hóa Đông Nam Á" từ ngày 1/12/2013.
Tòa nhà 4 tầng có tên “Cánh diều” này được hoàn thành sau 6 năm xây dựng. Toà nhà Bảo tàng Đông Nam Á đi vào hoạt động đánh dấu bước phát triển mới của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (DTHVN). Trưng bày Văn hóa Đông Nam Á được xác định là một trưng bày thường xuyên, lâu dài trong tầng 1 của tòa bảo tàng mới này. Phóng viên báo chí đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Võ Quang Trọng- Giám đốc Bảo tàng DTHVN về hoạt động của Bảo tàng Đông Nam Á.
P.V: Thưa ông, như vậy là sau khoảng thời gian chuẩn bị khá dài, tòa nhà Cánh diều - Bảo tàng Đông Nam Á trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã sắp khánh thành. Vậy khi đi vào hoạt động thì tòa nhà này sẽ có tác động như thế nào trong việc chúng ta tiếp tục tuyên truyền về văn hóa của các nước Đông Nam Á?
PGS-TS Võ Quang Trọng: Sau rất nhiều năm chuẩn bị tòa nhà Cánh diều đã hoàn thành sẽ được khai trương vào ngày 30/11/2013 và trưng bày về văn hóa cư dân các dân tộc Đông Nam Á. Có thể nói đây là bảo tàng đầu tiên về văn hoá dân tộc các nước Đông Nam Á, là điểm kết nối giữa văn hoá Việt Nam và văn hoá các nước trong khu vực.
PGS-TS Võ Quang Trọng |
Việc khai trương Bảo tàng Đông Nam Á sẽ giúp công chúng nói chung, công chúng Việt Nam nói riêng có nhiều cơ hội để tìm hiểu về văn hoá của các nước trong khu vực, hiểu được những gì tương đồng, những gì khác biệt trong văn hoá giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Chúng tôi rất kỳ vọng đây sẽ là nhịp cầu để kết nối về văn hoá giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á, làm nồng ấm thêm mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước ASEAN.
P.V: Thưa ông, đây là toà nhà xây dựng theo hướng hiện đại, tích hợp các công năng sử dụng của các bảo tàng hiện đại trong khu vực và trên thế giới?
PGS-TS Võ Quang Trọng: Bảo tàng Đông Nam Á là công trình kiến trúc hiện đại, được các chuyên gia Việt Nam và chuyên gia Pháp cùng góp sức tạo nên. Nó phản ánh được những nét đặc sắc của các nước trong khu vực. Đây có thể coi là một hình mẫu để các địa phương xây dựng các bảo tàng trong tương lai.
P.V: Thưa ông, trong dịp khai trương, Bảo tàng Đông Nam Á sẽ có các trưng bày độc đáo nào để phục vụ công chúng?
PGS-TS Võ Quang Trọng: Trong dịp khai trương, với diện tích gần 500 m2 ở tầng 1, chúng tôi sẽ trưng bày Văn hoá Đông Nam Á như là một sự khai mở cho các hoạt động của bảo tàng. Trong tương lai, chúng tôi sẽ có nhiều hoạt động khác và trưng bày chuyên đề để giới thiệu sâu hơn các loại hình văn hoá vật thể và phi vật thể của các nước trong khu vực... để công chúng hiểu sâu thêm về các dân tộc ở Đông Nam Á.
Trong dịp khai trương này, ngoài phần trưng bày, sẽ có nhiều đoàn ở các nước Đông Nam Á đến trình diễn qua đó giúp công chúng hiểu thêm về những nét đặc sắc của một số nước trong khu vực Đông Nam Á của chúng ta.
P.V: Chúng tôi được biết là để chuẩn bị cho việc trưng bày của Bảo tàng Đông Nam Á này, trong nhiều năm qua, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tích cực triển khai công tác nghiên cứu, sưu tầm hiện vật và cũng đón nhận được sự hiến tặng hiện vật của khá nhiều cá nhân và tập thể. Ông có thể thông tin thêm về câu chuyện này?
PGS-TS Võ Quang Trọng: Ngoài việc đầu tư của Nhà nước về việc xây dựng toà nhà, nhà nước cũng đã bố trí dự án khoảng 7 tỷ được thực hiện trong vòng 5 năm. Trong vòng 5 năm đó, Bảo tàng đã thực hiện nhiều chuyến đi nghiên cứu sưu tầm hiện vật và tư liệu ở các nước Đông Nam Á. Với hơn 2.000 hiện vật và gần 100 băng ghi âm, ghi hình sẽ là những tư liệu quan trọng để tạo dựng trưng bày này. Đấy cũng là cơ sở quan trọng để Bảo tàng tổ chức các trưng bày chuyên đề về sau.
Ngoài ra, Bảo tàng được thừa hưởng 3 bộ sưu tập quí của các nhà khoa học ở các nước. Đó là bộ sưu tập của Giáo sư Karenko (người Nhật Bản), bộ sưu tập của Giáo sư Nguyễn Thành Khôi- Việt Kiều tại Paris (Pháp) và bộ sưu tập tranh kính của Tiến sĩ Rosaria - người Italia đã hiến tặng bảo tàng. Trong tương lai, chúng tôi sẽ triển lãm 3 bộ sưu tập này trong năm 2014, để góp thêm nét văn hoá đặc sắc để công chúng hiểu thêm về văn hoá Đông Nam Á cũng như một số nước trên thế giới.
P.V: Thưa ông, trong thời gian vừa qua, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã trở thành một điểm đến của công chúng trong và ngoài nước, chắc chắn là khi công trình Bảo tàng Đông Nam Á đi vào hoạt động, sẽ góp phần làm phong phú thêm các hoạt động của Bảo tàng?
PGS-TS Võ Quang Trọng: Đúng như vậy. Cùng với việc giới thiệu về văn hoá của 54 dân tộc ở Khu trưng bày toà nhà Trống đồng và 2 ha ở Vườn Kiến trúc giới thiệu hơn 10 công trình kiến trúc dân gian của các dân tộc, thì việc Bảo tàng Đông Nam Á khai trương sẽ mở ra triển vọng mới để công chúng đến tham quan, tìm hiểu về văn hoá Đông Nam Á. Bảo tàng chắc chắn sẽ là điểm đến lý tưởng cho công chúng, đặc biệt là giới trẻ đến khám phá về văn hoá của các nước trong khu vực.
P.V: Xin cảm ơn ông.
(Theo VOV)
Các tin khác
Tin từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, hiện vật chuông chùa Vân Bản, chân đèn gốm men rạn ngà của Đỗ Phủ và bia Võ Cạnh đang lưu giữ tại Bảo tàng đã được Hội đồng thẩm định cổ vật (Bộ VH,TT&DL) thẩm định để đề cử công nhận Bảo vật quốc gia đợt II.
Chương trình do Nhạc viện TP.HCM tổ chức nhằm tạo dựng những hoạt động văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp tại Việt Nam cũng như giao lưu, trao đổi kiến thức, học tập kinh nghiệm và phát triển kỹ năng chuyên môn cho các nghệ sĩ, sinh viên Việt Nam và thế giới.
Triển lãm giới thiệu gần 100 tác phẩm về thiên nhiên, con người Đà Lạt, qua nhiều thể loại: gò kim loại, sơn mài, nhiếp ảnh…
Nguồn tin từ Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Thanh Hóa cho biết sở này phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam vừa có buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ tại di chỉ khảo cổ học hang Con Moong và hang Diêm trên địa bàn xã Thành Yên, huyện miền núi Thạch Thành.